13/01/2025

Lùi thời hạn về tỉ lệ nước, mạ băng mới trong cá tra

Mặc dù lùi thời hạn áp dụng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết không thay đổi về tỉ lệ cho phép đối với nước và mạ băng trong cá, từng bước nâng chất lượng cá tra xuất khẩu.

 

Lùi thời hạn về tỉ lệ nước, mạ băng mới trong cá tra

 

Mặc dù lùi thời hạn áp dụng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết không thay đổi về tỉ lệ cho phép đối với nước và mạ băng trong cá, từng bước nâng chất lượng cá tra xuất khẩu.

 

 

 

 

Chế biến cá tra, cá ba sa tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) – Ảnh: H.T.V.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám vừa có văn bản gửi Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang và UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL, cho biết sẽ lùi thời hạn thực hiện quy định mới nhằm giảm lượng nước và mạ băng trong cá tra xuất khẩu đến hết năm 2015, thay vì thực hiện ngay từ ngày 1-1-2015, nhằm gỡ khó sau khi hàng loạt doanh nghiệp thuỷ sản và địa phương bị khủng hoảng tồn kho sản phẩm. 

Theo ông Tám, doanh nghiệp thông báo hiện còn tồn kho 360.000 tấn cá, nhưng Bộ NN&PTNT tổ chức 11 đoàn đi kiểm tra và xác định đến cuối tháng 12-2014, các doanh nghiệp còn tồn 150.000 tấn cá tra xuất khẩu.

Theo ông Tám, quy định mới về tỉ lệ nước và mạ băng trong cá tra (không quá 25%) nhằm làm tăng chất lượng cá tra xuất khẩu, chống mất nước sau rã đông. Trong khi hiện nay các doanh nghiệp có thể ngâm quay và sử dụng phụ gia để hàm lượng nước và mạ băng lên đến 35-40%/khối lượng sản phẩm, có thể coi là gian lận thương mại do người mua thực chất chỉ nhận được 60-65% là cá.

Mặc dù lùi thời hạn áp dụng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết không thay đổi về tỉ lệ cho phép đối với nước và mạ băng trong cá, từng bước nâng chất lượng cá tra xuất khẩu.

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra lên gần gấp đôi

* Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định cuối cùng trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1-8-2012 đến 31-7-2013 đối với sản phẩm philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ VN.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá của 24 công ty tham gia đợt rà soát này đã tăng lên mức 0,97 USD/kg, cao gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 7-2014 (0,58 USD/kg). Các doanh nghiệp còn lại sẽ phải chịu mức thuế 2,39 USD/kg khi xuất khẩu vào Mỹ.

Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký VASEP, cho biết mức thuế POR10 cao hơn so với kết quả sơ bộ do DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá.

Tuy so với kết quả của POR9 là 1,2 USD/kg, mức thuế mà các doanh nghiệp VN phải chịu đã giảm hơn nhưng với mức thuế suất này, các doanh nghiệp sẽ hầu như khó xuất khẩu được vào Mỹ thời gian tới.


T.MẠNH – L.ANH