13/01/2025

Chuyện lạ ở bệnh viện

Có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 6 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, gần 100 sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ nhiều việc cho người bệnh.

 

Chuyện lạ ở bệnh viện


Có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 6 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, gần 100 sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ nhiều việc cho người bệnh.
SV hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Lê Thanh

SV hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: Lê Thanh

Giúp đỡ người già
Chương trình do Trung tâm công tác xã hội thanh niên TP.HCM thực hiện. Công việc của sinh viên (SV) tình nguyện là hướng dẫn bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân làm thủ tục nhập và xuất viện, lấy số thứ tự khám bệnh, ghi tên tuổi vào sổ khám bệnh cũng như hướng dẫn bệnh nhân đến từng khoa, phòng…
Nguyễn Trần Đại, SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tâm sự: “Mặc dù việc học rất bận nhưng mỗi tuần mình cố gắng sắp xếp dành ra 3 buổi sáng đến bệnh viện để giúp đỡ bà con. Mình xem những người bệnh lớn tuổi đi lại khó khăn cũng giống nhưng ông bà và người thân của mình vậy”. Mỗi ca trực bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng nhưng lúc nào Đại cũng đến trước 30 phút vì “những bệnh nhân ở tỉnh xa họ đến rất sớm để lấy số thứ tự”.

 
 
Chuyện lạ ở bệnh viện - ảnh 2
Nhiều khi muốn ngồi nghỉ ngơi một chút cho đỡ mỏi chân nhưng thấy bệnh nhân đang cần sự chỉ dẫn của mình nên không đành
Chuyện lạ ở bệnh viện - ảnh 3
 
Ngô Thùy Lam 
SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
 
Do số lượng bệnh nhân quá đông nên từ lúc vào ca trực đến lúc tan ca các tình nguyện viên phải đứng suốt. Ngô Thùy Lam, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều khi muốn ngồi nghỉ ngơi một chút cho đỡ mỏi chân nhưng thấy bệnh nhân đang cần sự chỉ dẫn của mình nên không đành. Mỗi lần hướng dẫn cho bệnh nhân hoặc người nhà của họ đi đến đúng nơi, đúng chỗ là mình cảm thấy trong lòng vui vui”.
Với phương châm tiếp cận để hỗ trợ bệnh nhân nên các tình nguyện viên đã giúp đỡ được nhiều trường hợp rất đặc biệt. “Tụi mình không để bệnh nhân đến hỏi mà chủ động tiếp cận để hướng dẫn họ. Có những người lần đầu tiên đến bệnh viện không biết gì cả nên mình phải đi theo họ từ đầu đến cuối”, Lâm Thị Thùy Trang , SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, bộc bạch.
Sự nhiệt tình, nhã nhặn của SV đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với mọi người. Bác Nguyễn Thị Nhung (quê H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi đi theo một số người ở cùng quê lên đây khám bệnh nhưng khi đến bệnh viện thì mỗi người khám mỗi bệnh khác nhau nên chẳng có ai đi chung với mình cả. Mặc dù cũng đã lên đây một lần rồi nhưng tuổi già, mắt kém đâu có nhớ đường đi lối lại. Nhờ có mấy cô cậu SV giúp đỡ chứ nếu không thì chẳng biết phải làm sao”.
Niềm tin yêu và sự cảm kích đó còn được nhân lên nhiều lần khi nghe bác Lê Văn Thành (ngụ tại H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) kể: “Mặc dù có đứa con trai đi cùng nhưng do tôi bệnh nặng không tự đi một mình được nên thằng con trai phải dìu đi, còn SV thì giúp làm thủ tục khám bệnh. Lúc đầu tui cứ tưởng là các cháu làm dịch vụ lấy tiền của bệnh nhân, nhưng không ngờ là miễn phí”.
Chị Trần Ngọc Phụng, Bí thư Chi đoàn phòng khám của Bệnh viện Chợ Rẫy, nói: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Những ngày cao điểm có khi lên tới hơn 5.700 bệnh nhân, đó là chưa kể lượng thân nhân người bệnh đi cùng. Vì vậy, bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc. Sự có mặt của SV tham gia để giúp đỡ, hướng dẫn bệnh nhân là một việc làm vô cùng ý nghĩa”.
Yêu thương trẻ nhỏ
Nếu sự xuất hiện của SV ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm bớt đi sự nhọc nhằn cho những bệnh nhân lớn tuổi thì nhóm SV đến từ Trường ĐH Mở TP.HCM lại làm vơi đi nỗi đau và đem lại tiếng cười cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Từ sáng thứ hai đến thứ sáu hằng tuần có gần 200 lượt SV tình nguyện của nhóm đến giúp các bệnh nhi vui chơi để quên đi những đau đớn mà các em đang phải gánh chịu.
Trưởng nhóm Tạ Thị Mai Anh tâm sự: “Các bé đang đau đớn nên tụi mình phải cố nghĩ ra những điều thật hấp dẫn để gây sự chú ý với các em. Lúc đầu các bé khá dè dặt với bọn mình, nhưng sau đó đòi vẽ tranh, cùng ca hát”.
Có dịp tiếp xúc và chăm sóc các em thường xuyên khiến các SV có những tình cảm đặc biệt và khó phai.
Nguyễn Thị Thanh Tiền kể: “Tôi còn nhớ rất rõ về một cậu bé bị phỏng điện, với nỗi đau về thể xác và tinh thần rất lớn. Nhưng bằng tình yêu thương và sự vỗ về của các tình nguyện viên trong nhóm đã giúp em vượt qua nỗi đau, sống có ý chí, nghị lực và niềm tin”.
Còn Lê Thị Ngọc Ánh tâm tình: “Ngày tháng cứ trôi qua tôi lại có thêm nhiều kỷ niệm cùng các em nhỏ, và rồi cái tên Y.N đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi không biết em nhập viện từ lúc nào bởi có một thời gian tôi phải bận thi cử nên tạm không đến bệnh viện thăm em. Nhưng khi trở lại thăm Y.N, em đã cười và nói nhớ tôi, khiến tôi vô cùng xúc động. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục làm công việc tình nguyện của mình”.

Lê Thanh