Viễn ảnh 2025
Kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều thập niên tới, nhưng chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia và trong từng quốc gia có khuynh hướng tăng thêm.
Viễn ảnh 2025
Kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều thập niên tới, nhưng chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia và trong từng quốc gia có khuynh hướng tăng thêm. Ảnh: TUỆ DOANH |
(TBKTSG) – Dự đoán tương lai thường là hành động của những người liều lĩnh hoặc dại khờ. Lịch sử đầy rẫy những tiên đoán của nhiều nhân vật nổi tiếng mà sau này chính họ cũng muốn rút lại.
Trong giới kinh tế, ít ai quên rằng, vào năm 1926, chính J. M. Keynes, có lẽ là nhà kinh tế vĩ đại nhất thế kỷ 20, tiên đoán rằng trong tương lai sẽ không có khủng hoảng kinh tế! Irving Fisher, một nhà kinh tế hàng đầu cùng thời với Keynes, cũng khẳng định vào năm 1929 rằng thị trường chứng khoán sẽ chỉ xuống giá vài hôm là cùng. Gần đây hơn (1998) Paul Krugman mạnh bạo tiên đoán rằng đến năm 2005 thì ảnh hưởng kinh tế của Internet sẽ không hơn gì fax (và có mấy ai còn nhớ fax là gì?).
Trong lĩnh vực khoa học thuần túy, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking đoan chắc năm 1988 rằng muộn lắm là vào năm 2000 khoa học sẽ có thể giải thích tất cả hiện tượng trong vũ trụ bằng một lý thuyết tổng quát và nhất thống (unified theory of everything). Nay là năm 2015 rồi, và nhân loại vẫn còn đợi.
Nhưng, dù có thể là sai, hoặc rất sai, mọi người đều phải dự đoán, nhất là trong ngắn hạn và trung hạn, để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra, chí ít là trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và tất nhiên, đối với những người có nhiệm vụ lãnh đạo (doanh nghiệp, tập thể, hay quốc gia) thì việc dự đoán chính là một phần cốt yếu của trách nhiệm.
Vậy thì, thử đoán: Việt Nam sẽ ra sao năm 2025? Chọn 2025 vì từ đây đến đó không quá gần (để thiếu thích thú) mà cũng chẳng quá xa (để dễ sai lầm). Hơn nữa, đó là năm mà Việt Nam đã độc lập và thống nhất tròn nửa thế kỷ. Một điểm mốc nổi cộm trong dòng lịch sử của chúng ta.
Ba xu hướng chung
Trước hết, chúng ta có thể nhận diện vài xu thế chung, có tính định hướng cho mọi quốc gia trong những thập niên sắp đến. Ba xu hướng ấy là (1) tiến bộ công nghệ, (2) toàn cầu hóa, và (3) biến đổi khí hậu.
Tiến bộ công nghệ là một xu hướng không ai có thể phủ nhận
Tuy nhiên nói là khoa học và công nghệ tiến bộ là chưa đủ, thậm chí quá mơ hồ. Sự thực là, tốc độ tiến bộ của khoa học trong vài thập kỷ gần đây có phần chậm lại (nhìn kỹ sẽ thấy những phát minh nền tảng, có tính cách mạng đã xảy ra từ khoảng năm 1945-1971(1)) và tiến bộ công nghệ diễn ra rất không đồng đều ở những ngành công nghiệp khác nhau.
Hơn nữa, đa số tiến bộ công nghệ bộc phát từ nhu cầu sinh hoạt xã hội, do sự kích thích của lợi nhuận kinh tế đến tinh thần sáng tạo cá nhân. Sự phát triển những ứng dụng này rất bất ngờ: chỉ vài năm trước đây không ai tưởng tượng là dịch vụ taxi Uber hay thuê phòng ở tư gia Airbnb phổ biến nhanh chóng như hiện tại. Trong tương lai trước mắt, xu hướng phát triển của Internet là “Internet kết nối mọi thứ” (“The Internet of Things”) tức là dùng điện thoại hoặc máy tính bảng để điều khiển gia dụng (như máy điều hòa nhiệt độ, máy đóng/mở cửa garage).
Toàn cầu hóa
Cụm từ “toàn cầu hóa” hầu như đã trở thành sáo ngữ, và thường được cho là một xu hướng tốt đẹp. Trên thực tế thì ngày càng hiện rõ những khía cạnh không tốt của trào lưu này, chẳng những về mặt kinh tế mà còn về mặt y tế, văn hóa, tội phạm…
Oái oăm là, song song với toàn cầu hóa, từ vài năm nay chủ nghĩa dân tộc cũng có xu hướng mạnh lên, chẳng những ở các quốc gia đang phát triển mà còn ở các nước phát triển phương Tây (kể cả Nga và Đông Âu). Một phần, xu hướng này là do sự xách động của các lãnh tụ cơ hội (như trường hợp Trung Quốc) để huy động sự ủng hộ của quần chúng khi quốc gia của họ gặp những khó khăn kinh tế, chẳng hạn. Tuy nhiên, không ít trường hợp chủ nghĩa dân tộc bộc phát từ quần chúng như một hệ quả của toàn cầu hóa.
Có hai lý do. Một là, sự di dân ồ ạt (ngay giữa những nước có văn hóa tương đối giống nhau, như Đông Âu và Tây Âu) gây ra phản ứng bài ngoại của người bản xứ, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Hiện tượng này đang xảy ra ở Tây Âu. Hai là, những nước nhỏ tự thuyết phục rằng họ cũng có thể tự lập về kinh tế (Scotland đã viện dẫn Iceland làm ví dụ, và miền Catalan ở Tây Ban Nha cũng rục rịch theo sau, đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha).
Biến đổi khí hậu
Đây là một đại nạn đang xảy ra cho nhân loại, không phải là chuyện xa vời, và ảnh hưởng của nó không chỉ ở việc mất đất do sa mạc hóa, do mực nước biển dâng cao, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến thể chế và an ninh quốc gia. Lấy trường hợp Syria làm ví dụ. Nhiều học giả cho rằng một trong những nguyên nhân chính của cuộc nội chiến ở quốc gia này, và lan ra khắp Trung Đông, là biến đổi khí hậu. Cụ thể, nhiều vùng đất trồng trọt ở Syria đã bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu. Dân cư các vùng này phải tìm cách mưu sinh ở thành thị. Tập trung vào những khu ổ chuột, không được sự trợ giúp của nhà nước, họ đâm ra bất mãn và cầm súng chống lại chế độ. Tình trạng tương tự cũng đang manh nha ở Brazil, vùng sông Amazon.
Ba xu hướng này, lúc thì cộng hưởng, lúc thì đơn lẻ, sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, văn hóa, và cả thể chế nữa.
Viễn ảnh
Tăng trưởng, bình đẳng và khủng hoảng
Có thể khẳng định rằng nhìn chung, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều thập niên tới. Sau cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18, không còn ai tin rằng tương lai nhân loại sẽ tối mịt như tiên đoán của Malthus. Tất nhiên, cũng phải nhìn nhận là có hai hiểm họa hăm dọa tương lai loài người, đó là biến đổi khí hậu và đại chiến với vũ khí hạt nhân.
Song, trong xu thế toàn cục đáng lạc quan ấy là một số không nhỏ các xu thế cục bộ (ảnh hưởng nước này nhiều hơn nước kia, lúc này hơn lúc khác), có thể là nguyên nhân của nhiều bi quan.
Một là, tốc độ tăng trưởng sẽ không đồng đều giữa các quốc gia, mà phần lớn là do hậu quả của chất lượng chính sách và thể chế của từng quốc gia. Chênh lệch giữa các quốc gia phát triển và một số quốc gia chậm phát triển có thu hẹp, nhưng chênh lệch giữa các quốc gia (một thời cùng là chậm phát triển) lại giãn ra thêm. Do đó sự chêch lệch giữa các quốc gia về chất lượng đời sống cũng như về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự sẽ tăng lên. Điều này tất nhiên sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về quốc phòng và an ninh.
Hai là tốc độ tăng trưởng thu nhập thường không đồng đều (theo địa phương, ngành nghề, thang thu nhập) trong từng quốc gia. Nói cách khác, ở nhiều quốc gia, chênh lệch giàu nghèo có khuynh hướng tăng thêm, có khi tăng vọt một cách đáng ngại. Cần nhấn mạnh điều này: trong lúc khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và chậm phát triển ngày càng thu nhỏ thì sự chênh lệch giàu nghèo trong mỗi quốc gia lại có xu hướng tăng lên(2).
Ba là nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế luôn luôn tồn tại. Nhìn lại kinh nghiệm thế kỷ vừa qua thì hầu như thập niên nào cũng có một cơn khủng hoảng tài chính quốc tế (khu vực hoặc toàn cầu). Từ đây đến năm 2025 cũng khó mà tránh được một thời kỳ suy thoái, nặng hoặc nhẹ, chỉ vài tháng hay lâu hơn. Tăng trưởng sẽ chậm lại, thậm chí đình trệ hoặc quay về hướng âm. Ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng này đối với những thành phần khác nhau trong xã hội cũng nặng nhẹ khác nhau.
Xã hội và văn hóa
Nếu như hầu hết quốc gia đều lạc quan về đời sống vật chất của đại đa số người dân, thì đời sống tinh thần (kể cả những liên hệ gia đình, xã hội) lại là mối quan ngại sâu sắc ở mọi nơi. Văn hóa đại chúng sẽ phát triển, nhất là do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nhưng văn hóa hàn lâm sẽ mai một. Đó không phải là một viễn ảnh đáng lạc quan.
Sự chênh lệch giàu nghèo không những gây bất ổn xã hội mà còn có khuynh hướng khiến chính phủ tiêu ít tiền hơn cho giáo dục, y tế, chuyên chở công cộng (vì những người có thu nhập cao có thể tự trang trải những dịch vụ ấy, không cần đến nhà nước, và do đó không làm áp lực để nhà nước cung cấp). Tuổi thọ bình quân chắc chắn sẽ tăng (trừ vài trường hợp hãn hữu, như ở Nga) và chi phí cho y tế và bảo hiểm xã hội cũng tăng theo.
Mặt khác, hầu hết mọi xã hội đều có khuynh hướng “khoan dung” hơn: quyền phụ nữ, quyền những người tàn tật, những người đồng tính ngày càng được luật pháp công nhận.
cuối cùng là trách nhiệm
Trước viễn ảnh phác họa trên đây, trách nhiệm đối phó là ở nhà nước lẫn cá nhân mọi người dân.
• Trách nhiệm nhà nước
Trách nhiệm của nhà nước (như một cơ cấu thực thi nguyện vọng của toàn dân) có thể tóm tắt trong bốn điểm: ổn định và hài hòa, linh động và sáng tạo.
• Ổn định và hài hòa
Hiển nhiên, ổn định xã hội là cần thiết để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Nhưng nền móng của sự ổn định ấy phải được xây dựng từ sự hài hòa, đồng thuận của xã hội chứ không thể do áp đặt. Thu nhập càng chênh lệch thì xã hội càng căng thẳng, mầm mống bất ổn càng lớn mạnh.
Ổn định cũng có nghĩa là giảm biên độ biến động khi kinh tế trì trệ, tài chính khủng hoảng. Phải nhìn nhận rằng không thể nào triệt tiêu mọi sự cố bất trắc (mà nguồn gốc có thể do thiên tai, hoặc từ nước ngoài). Không nên để nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào bất cứ một nước nào, một sự phụ thuộc như thế sẽ có tính truyền dẫn, đưa những biến động từ nước ấy sang nước ta. Trong đầu tư cũng như trong bang giao quốc tế, nguyên tắc căn bản bao giờ cũng là đa dạng hóa, đa phương hóa.
• Linh động và sáng tạo
Sáng tạo chỉ có thể xuất phát từ cá nhân con người, và một môi trường xã hội và kinh tế thông thoáng là cần thiết để cá nhân phát huy sáng tạo và đồng hành với thế giới. Đặc biệt là những ứng dụng của công nghệ cao đòi hỏi tự do kinh doanh và sáng tạo cao. Những phát minh này có lẽ không cần sự tài trợ của nhà nước (nếu thị trường vốn là hiệu quả), song khó mà phát triển trong một môi trường mà quyền sở hữu trí tuệ không hợp lý, thiếu minh bạch và không được bảo đảm.
Trong một thế giới không ngừng thay đổi, một thử thách lớn là làm thế nào để thích ứng với những thay đổi ấy, nhất là dưới sức ép của lợi nhuận kinh tế ngắn hạn, để bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc. Một chính sách đúng đắn đòi hỏi những thảo luận sâu rộng, lọc lựa sáng suốt từ những nhà văn hóa, song cũng cần lắng nghe và thực thi những đề xuất chính đáng, dù đôi khi chúng có thể đi ngược lợi ích trước mắt của một thiểu số quyền lực. Cá nhân nhà lãnh đạo cần nhìn xa hơn nhiệm kỳ của mình, thậm chí thế hệ của mình.
Rõ ràng là mỗi quốc gia đều phải đối phó với những thử thách có tính sống còn như đã nói trên. Rủi thay, như nhiều học giả (Acemoglu, Robinson, và nhất là Fukuyama) đã phát giác, chất lượng thể chế ở hầu hết mọi nước, kể cả những nước phát triển, đều dưới tầm những thử thách thời đại. Lấy trường hợp nước Mỹ chẳng hạn. Chế độ tam quyền phân lập rạch ròi của nước ấy, dù có thể đã thích hợp vào một thời kỳ lịch sử nào đó, dường như hiện tê liệt trước những thử thách về khí hậu, về môi trường, về phân hóa xã hội. Đi tìm một thể chế mới có thể phải cần một cuộc cách mạng tự căn bản mà ít quốc gia nào sẵn sàng.
● Trách nhiệm cá nhân
Tất nhiên, không chỉ nhà nước là có trách nhiệm chuẩn bị cho tương lai, mọi người trong xã hội, tùy cương vị của mình, đều có bổn phận ấy. Một là, mỗi cá nhân phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, không ngừng trau dồi kỹ năng, sẵn sàng thay đổi ngành nghề để đáp ứng với nền kinh tế ngày càng nặng hàm lượng tri thức, khi mà nhu cầu lao động tay nghề cao ngày càng tăng và thay đổi. Hai là, mỗi người phải giữ gìn sức khỏe, nói chung là có một cuộc sống lành mạnh. Dù những tiến bộ y khoa sẽ giúp gia tăng tuổi thọ trung bình, mỗi người vẫn có trách nhiệm bảo dưỡng sức khỏe để tận hưởng tuổi hưu, và không gây gánh nặng cho gia đình và xã hội vì những bệnh tật do lối sống (như hút thuốc, nhậu nhẹt…). Ba là, không nên chỉ nương nhờ vào lương hưu, vào bảo hiểm xã hội, mà phải dành dụm đủ tiền (hoặc khôn ngoan đầu tư!) để an hưởng tuổi già.
Đó là viễn ảnh năm 2025, theo tôi.
(1) Xem Michael Hanlon, “The golden quarter,” Aeon, 3-12-2014 – Tyler Cowen, The Great Stagnation, NY: Penguin, 2014
(2) Đây là kết luận chính của một trong những cuốn sách quan trọng nhất năm nay, đó là cuốn Vốn ở thế kỷ 21 của Thomas Piketty.