11/01/2025

Cộng đồng kinh tế ASEAN: chưa ra mắt đã “đắt hàng”

Thông qua đẩy mạnh đầu tư, Nhật Bản đang phát đi một tín hiệu rõ ràng sẽ cạnh tranh với các cường quốc hàng đầu khác để giành lợi thế tại thị trường chung ASEAN – thành lập vào cuối năm 2015.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN: chưa ra mắt đã “đắt hàng” 

 

Thông qua đẩy mạnh đầu tư, Nhật Bản đang phát đi một tín hiệu rõ ràng sẽ cạnh tranh với các cường quốc hàng đầu khác để giành lợi thế tại thị trường chung ASEAN – thành lập vào cuối năm 2015. 

 

 

 

Cây cầu Neak Loeung dài nhất Campuchia bắc qua sông Mekong - một dự án nhận viện trợ 101 triệu USD từ chính phủ Nhật - Ảnh: Phnompenh Post

Asia Nikkei Reviews cho biết trong tuần này, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ bay đến Campuchia và Lào để tìm cách mở rộng quan hệ với 2 quốc gia này – nơi cũng là mục tiêu thắt chặt quan hệ của Trung Quốc.

Dự báo Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane sẽ “đánh” vào thoả thuận thiết lập các đường bay thẳng từ Nhật sang Campuchia và Lào để thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.

Đồng thời, chương trình nghị sự của ông ở Campuchia cũng đánh dấu sự kiện hoàn tất cây cầu Neak Loeung bắc qua sông Mekong – dự án nhận viện trợ 101 triệu USD của chính phủ Nhật.

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến giành quyền thống trị khu vực sẽ càng quyết liệt hơn khi Đông Nam Á hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN gồm 10 quốc gia với tổng dân số hơn nửa tỉ người.

Campuchia và Lào chỉ là 2 nước nhỏ nằm trong chiến lược dài hạn của các công ty Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy lợi nhuận từ mảng thị trường tăng trưởng nhanh Đông Nam Á.

Theo Tổ chức ngoại thương Nhật Bản, đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đạt 8,2 tỉ USD trong 3 quý đầu năm 2014 – chiếm hơn 1/10 tổng lượng đầu tư của Nhật ra nước ngoài.

Trong khi đó, Campuchia có truyền thống nhận viện trợ từ Trung Quốc, nước này cũng đổ không ít tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng của Lào – vốn đóng góp một phần trọng yếu vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, cho phép Trung Quốc tiếp cận với Thái Lan và xa hơn nữa.

Bắc Kinh gọi giai đoạn này là “thập kỷ kim cương” cho việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN, mục tiêu đẩy mạnh thương mại song phương từ 444 tỉ USD của năm 2013 lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020, theo báo cáo gần đây nhất công bố trên các phương tiện truyền thông.

Tháng trước, Trung Quốc đã giành được các dự án xây dựng đường sắt dài 867km ở Thái Lan.

Trong khi đó Hàn Quốc – cũng lăm le thị trường Đông Nam Á – phủ nhận tin tức truyền thông rằng nước này đã thất bại trong đàm phán xây dựng đường sắt Thái. Họ cho biết vẫn đang thương thuyết với Bangkok về những dự án khả thi.


CHÂU LUÂN (Theo Asia Nikkei reviews)