27/11/2024

Nhà trường và nhà máy cùng dạy nghề

Hệ thống đào tạo nghề được đánh giá là một “công thức bí mật” giúp nước Đức đạt những thành tựu kinh tế đáng nể. Rất nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, học hỏi mô hình này.

 

Nhà trường và nhà máy cùng dạy nghề

 

Hệ thống đào tạo nghề được đánh giá là một “công thức bí mật” giúp nước Đức đạt những thành tựu kinh tế đáng nể. Rất nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, học hỏi mô hình này.

 


 

 

Thực tập sinh làm việc trong một nhà máy của Hãng Siemens tại Đức - Ảnh: Business Week
Thực tập sinh làm việc trong một nhà máy của Hãng Siemens tại Đức – Ảnh: Business Week

Trong bài phát biểu thông điệp liên bang năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama hết lời ca ngợi hệ thống đào tạo nghề của Đức.

“Nước Đức chú trọng đào tạo học sinh cấp III với kỹ năng tương đương như sinh viên đại học Mỹ. Ngay từ khi tốt nghiệp cấp III, các thanh niên Đức đã sẵn sàng làm việc” – ông Obama khẳng định.

Từ năm 2012, tờ báo kinh tế danh tiếng của Anh Financial Times mô tả mô hình đào tạo nghề của Đức là “tiêu chuẩn vàng” đối với các nước. Mới đây Thủ tướng Anh David Cameron cũng kêu gọi nước Anh học tập Đức.

Vừa học vừa làm

Mô hình “đào tạo kép” tạo cơ hội cho các sinh viên trường nghề được lập tức thực tập những lý thuyết mà họ học ở trường.

Họ cũng được sống trong môi trường lao động chuyên nghiệp thật sự, phát huy tinh thần trách nhiệm, thấm nhuần văn hóa của công ty.

Đối với các học viên, mỗi sai lầm ở nhà máy đều gây những tổn thất thật sự, do đó họ phải tự phát triển bản thân một cách nhanh chóng.

NPR, trang web của Đài truyền thanh quốc gia Mỹ, mới đây đưa câu chuyện về Robin Dittmar, 18 tuổi, sống ở thành phố Hamburg của Đức.

Dittmar từ nhỏ đã đam mê máy bay, thành tích học tập cấp III không giỏi đến mức giúp cậu theo đuổi ước mơ trở thành phi công, nhưng đủ để cậu xin vào thực tập tại Công ty Lufthansa Technik, chi nhánh của Hãng hàng không Lufthansa lớn nhất châu Âu.

Công ty này cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay trên phạm vi toàn thế giới. Tại nhà máy của Lufthansa Technik, Dittmar học những kỹ năng cơ bản như hàn và khoan.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó cậu bắt đầu được xử lý các thiết bị máy móc. Hai phần ba thời gian mỗi ngày của cậu dành cho công việc này. Một phần ba còn lại là những buổi học nghề cơ khí máy bay ở trường dạy nghề trong thành phố.

Trong suốt thời gian học nghề, Dittmar được Lufthansa Technik trả mức lương 1.000 USD/tháng, bằng 33% thu nhập khởi điểm của một thợ cơ khí có bằng cấp.

“Sau khi kết thúc giai đoạn thực tập và học nghề, tôi sẽ trở thành một thợ cơ khí máy bay giỏi. Tôi có thể làm việc bất cứ đâu trên thế giới” – Dittmar hào hứng khẳng định.

Trường hợp của Dittmar là điển hình của mô hình đào tạo nghề tại Đức. Sau khi tốt nghiệp cấp III, các học sinh không muốn vào đại học sẽ đăng ký học một công việc cụ thể tại trường dạy nghề. Họ chỉ đến trường hai ngày mỗi tuần để học lý thuyết nghề và các môn cơ bản khác như ngoại ngữ và kinh tế.

Phần thời gian còn lại là các buổi thực tập tại công ty. Quá trình học nghề và thực tập kéo dài từ 2-4 năm, tùy vào các ngành nghề cụ thể. Công ty trả cho học viên mức lương bằng 1/3 thu nhập của người lao động có tay nghề.

Vai trò của doanh nghiệp

Các công ty Đức không coi việc nhận thực tập sinh là trách nhiệm xã hội, là điều cần làm để giúp đỡ các thanh niên học kém ở trường cấp III.

“Chúng tôi làm như vậy bởi chúng tôi cần người lao động có kỹ năng” – tạp chí The Atlantic dẫn lời một giám đốc nhân sự của Deutsche Bank ở Berlin khẳng định. Bởi các công ty Đức không chỉ dạy kỹ năng cho học viên mà còn đào tạo họ để trở thành những người lao động tự chủ, sáng tạo, có thể xử lý các vấn đề bất ngờ.

Từ học viên, các công ty có thể lựa chọn tuyển dụng những người lao động xuất sắc. Những người trẻ cũng thấy cơ hội nghề nghiệp rộng mở đối với họ. Hãng Siemens cho biết 80% thực tập sinh của hãng ở lại với công ty và được ký hợp đồng lao động lâu dài.

Theo số liệu của Chính phủ Đức, khoảng 60% học sinh Đức sau khi tốt nghiệp cấp III lựa chọn con đường như Dittmar. Có tới 90% học sinh hoàn thành quá trình học nghề một cách thành công.

Hệ thống “đào tạo kép” của Đức đào tạo tới 1,5 triệu người mỗi năm, từ thợ làm bánh, thợ cơ khí, thợ mộc cho đến đầu bếp và người chế tạo đàn violin.

Và hệ thống của Đức cũng rất linh hoạt. Các học sinh sau khi đăng ký học nghề mà cảm thấy không phù hợp hoàn toàn có thể quay trở lại nhà trường, học một nghề khác, đăng ký thực tập tại một công ty khác.

Đối với người lao động Đức, học tập và làm việc là quá trình kéo dài cả đời người. Với hệ thống ưu việt này, cũng dễ hiểu tại sao tỉ lệ thất nghiệp ở nước Đức năm 2014 chỉ hơn 5,6%. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Đức chỉ là 7,5%, thấp nhất châu Âu.

Trong khi đó, tại các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Hi Lạp, gần 50% người dưới 25 tuổi không có việc làm. Đức vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu không mấy khó khăn.

Các nhà kinh tế Đức khẳng định dù chi phí đào tạo nghề của quốc gia này rất lớn, nhưng hệ thống “đào tạo kép” đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của nền kinh tế Đức. 


HIẾU TRUNG