16/11/2024

Chứng khoán thế giới lao đao vì giá dầu

Giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

 

Chứng khoán thế giới lao đao vì giá dầu

 

 

Giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

 

 

Chứng khoán thế giới  lao đao vì giá dầuMột nhân viên giao dịch tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) ngày 5.1 – Ảnh: Reuters
Giá dầu hôm qua tiếp tục giảm sâu hơn sau khi rơi xuống mốc thấp mới trong vòng 5 năm rưỡi qua vào ngày trước đó. Theo Reuters, giá dầu Brent giảm kỷ lục khi có thời điểm giao dịch với giá 51,23 USD/thùng vào ngày 6.1, còn giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên phá ngưỡng 50 USD/thùng kể từ tháng 4.2009, có lúc rơi đến mức 48,47 USD/thùng trước khi tăng lại vài chục xu.
 
 
Tổng thống Venezuela thăm Trung Quốc
Theo Reuters, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm qua đã đến Trung Quốc, chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài nhằm tìm kiếm hỗ trợ kinh tế trong tình trạng giá dầu liên tục giảm. Sản lượng dầu của Venezuela vào khoảng 3 triệu thùng/ngày, với 2,5 triệu thùng xuất sang Trung Quốc và Mỹ, và ông Maduro từng cho rằng chính Mỹ là thủ phạm khiến giá dầu chao đảo. Sau Trung Quốc, Tổng thống Venezuela sẽ đến một số quốc gia chưa nêu tên thuộc OPEC để bàn định phương pháp đối phó giá dầu.
 

Quan ngại về tình trạng dư thừa dầu càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga công bố dữ liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu đã đạt mức cao kỷ lục trong thời hậu Liên Xô, trung bình 10,58 triệu thùng/ngày vào năm 2014, theo Reuters. Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), đã lên đến mức cao nhất kể từ năm 1980, với sản lượng trung bình 2,517 triệu thùng/ngày trong năm 2014.

Hậu quả là thị trường chứng khoán trên toàn cầu hứng cú sốc trong những ngày đầu năm mới. Đầu tiên, giá dầu lao dốc khiến các cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng bị ảnh hưởng mạnh. Theo Reuters, cổ phiếu của Tập đoàn Seadrill giảm đến 10%, kế đến là Transocean (7%), Chevron (4%) và ExxonMobil (gần 3%). Ngay sau đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất một lúc 331,34 điểm, tương đương 1,9%, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015.
Chỉ số S&P 500 mất gần 38 điểm, tương đương 1,8% trong khi chỉ số Nasdaq mất 74 điểm, tức 1,6% giá trị. Cùng chung số phận với thị trường Mỹ, các thị trường châu Á đã chứng kiến 2 ngày mất điểm liên tiếp. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,4%, Nikkei (Nhật Bản) giảm 3%, mức giảm lớn nhất trong gần 10 tháng qua, trong khi Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,7%, xuống mức thấp kỷ lục trong 1 năm rưỡi.
Tại châu Âu, cổ phiếu chịu thêm sức ép từ tình trạng bất ổn chính trị của Hy Lạp, sau khi tờ Der Spiegel dẫn các nguồn tin từ chính phủ Đức nhận xét việc Athens rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro là “gần như không thể tránh khỏi” nếu các đảng cánh tả ở Hy Lạp thắng cử. Kết quả là giá đồng euro so với USD vào ngày 5.1 giảm đến mức thấp nhất trong 9 năm qua, khi giao dịch với tỷ lệ 1 euro đổi 1,1862 USD. Các chỉ số chứng khoán của khu vực cũng đồng loạt mất giá, với chỉ số DAX (Đức) giảm 3%, CAC40 (Pháp) giảm 3,3%, và FTSE 100 (Anh) giảm 2%. Rõ ràng là dưới tác động của giá dầu và tình hình chính trị bất ổn tại Hy Lạp, giới đầu tư buộc phải bán những tài sản rủi ro và chuyển sang lĩnh vực an toàn hơn như trái phiếu chính phủ.

 

 

Thu Miên