10/01/2025

Nỗi sợ mang tên “sổ ghi đầu bài”

Tại các trường THCS, THPT điểm thi đua tuần, tháng, học kỳ được tính từ điểm trong sổ theo dõi của sao đỏ hoặc giám thị và điểm trong sổ ghi đầu bài. Cũng chính từ đó đã xuất hiện nỗi sợ mang tên sổ ghi đầu bài.

 

Nỗi sợ mang tên “sổ ghi đầu bài”

 

Tại các trường THCS, THPT điểm thi đua tuần, tháng, học kỳ được tính từ điểm trong sổ theo dõi của sao đỏ hoặc giám thị và điểm trong sổ ghi đầu bài. Cũng chính từ đó đã xuất hiện nỗi sợ mang tên sổ ghi đầu bài.

 

 

 

 

Sổ ghi đầu bài – nỗi ám ảnh của không ít học sinh và giáo viên – Ảnh: Như Hùng

Sổ ghi đầu bài có phần đánh giá xếp loại của giáo viên bộ môn và như đã nói, đánh giá đó được tính vào thi đua tuần, tháng, học kỳ của lớp. Khi học sinh không học bài cũ, không chuẩn bị bài, mất trật tự trong lớp, vệ sinh lớp chưa sạch là giáo viên sẽ trừ điểm, ghi tên học sinh vào sổ.

Cuối tuần trong tiết sinh hoạt lớp, tổ trưởng – lớp trưởng sẽ tổng kết, nêu ra nguyên nhân bị trừ điểm, học sinh vi phạm và giáo viên chủ nhiệm là người xử lý. Nếu vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, vi phạm các lần tiếp theo thì tuỳ mức độ mà giáo viên chủ nhiệm sẽ xử lý như: hạ hạnh kiểm, phạt trực nhật, lao động, mời phụ huynh, đình chỉ học…

Vì vậy học sinh rất sợ bị ghi tên vào sổ ghi đầu bài, giáo viên chủ nhiệm cũng rất ái ngại khi lớp bị trừ điểm, khi đó thi đua lớp sẽ hạ và ảnh hưởng trực tiếp đến thi đua của giáo viên.

Trò phản kháng

Về phía học sinh khi bị ghi tên vào sổ thì thường lên gặp thầy cô, xin và hứa sẽ không tái phạm, mong thầy cô tha thứ. Nhiều giáo viên sẵn sàng tha thứ, nhưng nhiều người nghiêm khắc không chấp nhận. Thế là có học sinh quý có học sinh ghét. Mà ghét là nhiều hơn, vì bản thân học sinh đó bị xử lý kéo theo cả lớp ảnh hưởng, vô hình trung là nhiều học sinh lớp đó không có thiện cảm với thầy cô. Mà khi không có thiện cảm thì học sinh thường tỏ ra khó bảo, có những phản ứng nhất định.

Tôi đã chứng kiến một cô giáo dạy hoá khi vào lớp kiểm tra bài cũ học sinh không thuộc, nhiều học sinh nói chuyện, cô liền ghi tên vào sổ ghi đầu bài, trừ đến 3/10 điểm. Đương nhiên lớp đó thi đua tuần bị xếp cuối, giáo viên chủ nhiệm lên lớp mắng, kỷ luật học sinh, còn học sinh thì buồn chán, tụm năm tụm ba nói giáo viên “chỉ tại bà hoá nên bọn mình khổ”.

Thế là từ tiết dạy sau, cô hỏi rất ít học sinh phát biểu, không khí lớp học rất trầm, có học sinh trở thành “nhờn thuốc” cô giảng kệ cô, cô mắng kệ cô, không nói gì, không tập trung.

Học sinh mong cho nhanh hết giờ, giáo viên không có hứng để giảng, thành ra giờ học không có kết quả cao. Chưa kể học sinh tinh nghịch vì ghét giáo viên còn bày trò để trêu chọc như tô phấn vào ghế ngồi của giáo viên, cả lớp nói đồng thanh, trả lời đồng thanh khiến giáo viên căng thẳng, phân tâm và nhiều khi nổi nóng.

Cô đối phó

Sổ ghi đầu bài cũng là nỗi ám ảnh đối với giáo viên chủ nhiệm. Để tránh việc một số ít học sinh vi phạm kỷ luật ảnh hưởng tới thành tích chung của lớp, đồng thời có cơ sở để “xử” những học sinh này, nhiều giáo viên chủ nhiệm có “sáng kiến” lập một cuốn sổ theo dõi riêng của lớp.

Hằng tuần giáo viên đưa cuốn sổ đó cho cán bộ lớp giữ, hết tiết học mang lên để thầy cô nhận xét, nếu học sinh nào vi phạm yêu cầu thầy cô ghi vào sổ riêng đó để giáo viên xử lý, còn sổ ghi đầu bài giáo viên nhận xét tốt và cho điểm cao để không ảnh hưởng đến lớp.

Không ít giáo viên bộ môn bất ngờ với “sáng kiến” này, người đồng ý thì cho rằng giáo viên chủ nhiệm với tập thể lớp có tội gì đâu mà để bị ảnh hưởng, thôi thì ghi vào sổ này ai làm người đó chịu cũng chẳng mất gì, mà giữ được tình cảm giữa đồng nghiệp với nhau.

Ai không đồng ý thì nhất quyết không chịu, chỉ nhận xét và ký vào sổ ghi đầu bài để giáo viên có trách nhiệm đôn đốc, để học sinh thật sự cố gắng. Vậy là giữa giáo viên với giáo viên lại không bằng lòng với nhau, giáo viên chủ nhiệm cho rằng giáo viên bộ môn không ủng hộ mình, không hiểu nỗi khổ khi làm chủ nhiệm.

Còn giáo viên bộ môn cho rằng mình thực hiện đúng quy chế, giáo viên chủ nhiệm quá ham thành tích, không có biện pháp giáo dục thích hợp nên làm như vậy.

Sổ ghi đầu bài đang có một “quyền lực” khiến giáo viên, học sinh và ngay cả lãnh đạo nhà trường cũng phải kiêng nể. Thiết nghĩ việc thi đua là cần thiết nhưng hãy xét lại phương pháp vận dụng và cách giải quyết cho hợp lý, đừng để có nỗi sợ mang tên “sổ ghi đầu bài”.

“Trừ nhiều điểm thế chết chị”

Có giáo viên chủ nhiệm thấy lớp bị trừ điểm thi đua đã tìm gặp giáo viên bộ môn hỏi thăm và gửi gắm: “Em trừ nhiều điểm thế chết chị, cuối năm sao chị đạt được chiến sĩ thi đua, lớp sao được tập thể xuất sắc, học sinh nào vi phạm em cứ trừ thẳng vào điểm số cá nhân, đừng trừ vào điểm lớp, nếu không chị cực lắm”.

Nhiều giáo viên bộ môn vì tình cảm đồng nghiệp thông cảm, nhưng nhiều giáo viên không đồng ý vì cho rằng làm thế sẽ không quản được lớp, không giáo dục được học sinh.

TÂM PHÚC