10/01/2025

Bị đòi phí vì quên đóng tài khoản

Không ít người sử dụng thẻ ngân hàng gặp phải tình huống trên vì nghĩ tiền không còn trong tài khoản cũng đồng nghĩa tài khoản đó không còn giá trị, mà quên yêu cầu đóng tài khoản.

 

Bị đòi phí vì quên đóng tài khoản

 

Không ít người sử dụng thẻ ngân hàng gặp phải tình huống trên vì nghĩ tiền không còn trong tài khoản cũng đồng nghĩa tài khoản đó không còn giá trị, mà quên yêu cầu đóng tài khoản. 

 

 

 

Khi không còn sử dụng, khách hàng cần phải đóng tài khoản – Ảnh: T.L

Chị Mai Thị Nhài (TP.HCM) vừa có thư phản ảnh đến Tuổi Trẻ cho biết năm 2012 có sử dụng một dịch vụ vay tiêu dùng của Sacombank, thông qua hình thức thẻ tín dụng rút tiền mặt một lần, trên thẻ có ghi chữ Family.

Chị vay tổng cộng 15 triệu đồng nhưng khi rút chỉ được 14,8 triệu đồng, ngân hàng (NH) trừ 200.000 đồng phí lưu hành thẻ.

Khi chị Nhài thanh toán hết số tiền cuối cùng thì NH lại gửi tin nhắn thông báo phải đóng thêm 200.000 đồng nữa, chị thắc mắc thì được giải thích số tiền chị cần đóng lần cuối cùng chưa tính lãi của số dư.

Chị không hiểu tính lãi của số dư là gì, với lại chỉ có 200.000 đồng nên đóng cho khỏi rắc rối. Khi đóng xong 200.000 đồng cuối cùng, chị hỏi thì được nhân viên NH cho biết thẻ trả hết nợ rồi nên có thể bỏ đi.

Bẵng đi một năm sau, vào ngày 24-12-2014 chị Nhài lại nhận được tin nhắn của Sacombank yêu cầu chị thanh toán 200.000 đồng.

Chị Nhài thắc mắc vì sao thẻ đó đã không giao dịch gần một năm nay và chị đã hoàn thành nghĩa vụ với NH về khoản nợ mà bây giờ phải đóng thêm 200.000 đồng?

Sau khi kiểm tra thông tin, đại diện Sacombank cho biết tháng 12-2012 chị Nhài mở thẻ tín dụng Family của Sacombank để vay 15 triệu đồng. Lúc này NH đã thu 200.000 đồng phí duy trì thẻ trong một năm (12-2012 đến 12-2013) theo như điều khoản quy định, vì vậy khách hàng chỉ rút được 14,8 triệu đồng.

Tháng 12-2013, trong thông báo giao dịch có yêu cầu khách hàng đóng 200.000 đồng phí duy trì thẻ trong năm tiếp theo và khách hàng đã đóng phí này.

Đến tháng 5-2014, khách hàng tất toán khoản vay nhưng không nói rõ yêu cầu thanh lý thẻ. Vì vậy, đến tháng 12-2014, NH tiếp tục gửi thông báo giao dịch yêu cầu khách hàng đóng phí duy trì thẻ trong năm tiếp theo.

Thực tế, không ít người sử dụng thẻ NH gặp phải tình huống như chị Nhài do chỉ nghĩ đơn giản tiền không còn trong tài khoản cũng đồng nghĩa tài khoản đó không còn giá trị, mà quên mất bước yêu cầu đóng tài khoản.

Theo đại diện phòng thẻ của HD Bank, khi không sử dụng, khách hàng cần phải đóng tài khoản (tài khoản thẻ/tài khoản thanh toán…) bởi nếu không sử dụng mà vẫn để tài khoản hoạt động sẽ bị trừ phí (nếu tài khoản còn tiền).

Thông thường ở các NH, sau thời gian 12 tháng không phát sinh giao dịch, không có số dư, tài khoản sẽ tự động chuyển sang trạng thái không hoạt động. Khi đó muốn kích hoạt lại, chủ tài khoản phải đến NH làm thủ tục mở lại. Khi muốn đóng tài khoản giao dịch, khách chỉ cần cầm theo chứng minh nhân dân đến quầy thực hiện thủ tục đóng tài khoản, chủ tài khoản rút số dư nếu còn tiền.

Theo Sacombank, để tránh những trường hợp phát sinh giao dịch không mong muốn như chị Nhài, khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng thẻ thì có thể đến điểm giao dịch để được hướng dẫn thủ tục thanh lý thẻ và đóng tài khoản.

Trong khi đó, theo chị Mai Thị Nhài, ban đầu chị có nhu cầu vay tiền mặt thì được NH tư vấn hình thức vay qua thẻ, chị không được tư vấn kỹ việc sử dụng thẻ cũng như các chi phí phát sinh liên quan đến thẻ.

“Thậm chí khi hoàn tất khoản vay, nhân viên NH cũng không tư vấn tôi thủ tục đóng tài khoản mà chỉ nói có thể bỏ thẻ đi. Những người đồng nghiệp của tôi cũng rơi vào trường hợp như vậy” – chị Nhài nói.


N.BÌNH