26/11/2024

Khai thông tiềm năng ASEAN

Liệu 10 quốc gia với văn hoá, truyền thống, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau có thể cùng bắt tay mở rộng tiềm năng chung của họ không? Đó là câu hỏi khiến các thành viên ASEAN trăn trở trong mấy thập niên qua.

 

Khai thông tiềm năng ASEAN

 

Năm 2015 là cột mốc cực kỳ quan trọng với ASEAN, đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng kinh tế chung sau nhiều năm ấp ủ. Trong bài viết dành riêng cho Thanh Niên, 2 chuyên gia hàng đầu Kishore Mahbubani và Fraser Thompson phân tích sâu về tiềm năng và thách thức trong quá trình nhất thể hóa và liên kết kinh tế khu vực.

Khai thông tiềm năng ASEAN - ảnh 1Lãnh đạo các nước ASEAN đặt mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 - Ảnh: Aarabianbusiness.com

Liệu 10 quốc gia với văn hoá, truyền thống, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau có thể cùng bắt tay mở rộng tiềm năng chung của họ không? Đó là câu hỏi khiến các thành viên ASEAN trăn trở trong mấy thập niên qua. Nhìn vào tầm nhìn táo bạo đang trở thành sự thật của lãnh đạo các nước trong khu vực thì có thể thấy câu trả lời là “Được”.

Mục tiêu ban đầu là tìm cách giảm hàng rào thuế quan giữa các thành viên nhưng dần dần nỗ lực này đã biến thành một kế hoạch phát triển quy mô lớn cho một thị trường mở năng động với 600 triệu dân và một khu vực sản xuất có thể cạnh tranh trực tiếp với những nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Một khi đi vào hoạt động, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ biến đổi Đông Nam Á và vai trò của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế lớn thứ 7

Tiềm năng kinh tế của ASEAN rất ấn tượng. Nếu gộp lại, các thành viên của khối gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và VN sẽ tạo thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Hơn nữa, giao thương quốc tế của ASEAN gần như tăng gấp 3 lần trong thập niên qua và dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn đang chảy vào khu vực, khi nhiều công ty đa quốc gia hy vọng sẽ tận dụng cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu cũng như vị trí chiến lược của một khu vực nằm giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Từ nền tảng này, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) ước tính rằng nếu được thực hiện đầy đủ và thông suốt, kế hoạch AEC sẽ khai thông mạnh mẽ sự lưu thông của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người, giúp ASEAN giành được thị phần sản xuất toàn cầu lớn hơn và các thành viên có thể đạt GDP hằng năm từ 280 – 625 tỉ USD trước năm 2030.

Một phần của thành quả tăng trưởng đó xuất phát từ việc khuyến khích các công ty khu vực mở rộng ra ngoài thị trường nội địa. Bằng các biện pháp đẩy mạnh hiệu quả và giảm chi phí cho xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ sẽ tới được tay hàng triệu khách hàng mới. Điều này có thể đẩy mạnh tiêu thụ ở Đông Nam Á, dẫn đến một vòng tăng trưởng vô cùng tích cực.

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cản trở ASEAN trở thành một thị trường thống nhất. Theo khảo sát của MGI, những hạn chế về đầu tư nước ngoài và quyền sở hữu, sự bất nhất về tiêu chuẩn và quy định cũng như thủ tục hải quan rườm rà, không hiệu quả là những rào cản lớn nhất cần giải quyết.

Mặt khác, do mặt bằng lương ở Trung Quốc đang tăng lên, các nền kinh tế Đông Nam Á cảm thấy họ cần nắm bắt cơ hội để trong thời gian ngắn có thể trở thành “công xưởng mới của thế giới”. Tuy nhiên, lao động rẻ không phải chìa khóa cạnh tranh lâu dài về thế mạnh sản xuất. Điều cốt lõi là một số thành viên ASEAN cần tập trung hiện đại hóa thiết bị, quy trình và xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để nâng cao năng suất. Họ cần gia tăng và duy trì đầu tư để rút ngắn cách biệt lớn về cơ sở hạ tầng với các thành viên còn lại cũng như giảm chi phí vận chuyển và hậu cần.

Một hướng đi nữa cho cộng đồng kinh tế chung của ASEAN là biến tính đa dạng trở thành lợi thế. Các đối tác bên ngoài có thể sử dụng lao động rẻ, lành nghề ở quốc gia này, hưởng lợi từ ngành sản xuất trung gian ở những thành viên khác, đồng thời tiếp cận một trong những trung tâm tài chính và trung chuyển tiên tiến nhất của thế giới. Dù các thành viên đôi khi có thể phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần nhưng đến cùng thì thế mạnh riêng của từng nước vẫn sẽ bổ sung cho nhau.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần gấp rút khắc phục ngay là bản thân nhiều doanh nghiệp tại các nước ASEAN vẫn còn rất mù mờ về những lợi ích mà cộng đồng chung mang lại, theo khảo sát của MGI. Vì thế, chính phủ các nước cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng sang các thị trường láng giềng theo đường chính ngạch và minh bạch. Để làm được điều này, gỡ bỏ các rào cản về hành chính cũng đóng vai trò rất quyết định.

Đến nay, nhiều nước vẫn sử dụng hạn chế về đầu tư và rào cản thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa trước áp lực cạnh tranh. Giờ đây, các thành viên ASEAN phải lựa chọn giữa chủ nghĩa bảo hộ hay tái khẳng định cam kết về một cách tiếp cận cởi mở hơn. Dù lựa chọn thứ hai chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kẻ thắng người thua nhưng nó có thể kích thích sự tăng trưởng năng suất chung của khu vực.

Ảnh: Project SyndicateẢnh: ProjectSyndicate
Ông Kishore Mahbubani hiện là Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore. Trong giai đoạn 1971 – 2004, ông làm việc trong Bộ Ngoại giao Singapore, từng giữ các trọng trách đại diện thường trực của Singapore tại LHQ và Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 1.2001 và tháng 5.2002.

  

Fraser Thompson hiện là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, thường xuyên có nhiều bài phân tích đăng trên các ấn phẩm học thuật và kinh doanh hàng đầu thế giới. Ông từng giữ vai trò tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và là giảng viên tại Đại học Oxford (Anh).  Khai thông tiềm năng ASEAN - ảnh 3 Ảnh:  Onpurpose.uk.com

Kishore Mahbubani – Fraser Thompson 
Văn Khoa (chuyển ngữ) – © Project Syndicate