29/12/2024

Rối loạn tâm thần sau bạo lực học đường

Sau khi Thanh Niên ngày 25.12 đăng bài Dửng dưng với bạo lực học đường, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh chính con cái họ cũng là nạn nhân của tình trạng này, dẫn đến rối loạn tâm lý.

 

Rối loạn tâm thần sau bạo lực học đường

 

 

Sau khi Thanh Niên ngày 25.12 đăng bài Dửng dưng với bạo lực học đường, nhiều phụ huynh tiếp tục phản ánh chính con cái họ cũng là nạn nhân của tình trạng này, dẫn đến rối loạn tâm lý.

 

 

 

 

Rối loạn tâm thần sau bạo lực học đường
Bị đánh chỉ vì… học giỏi
Một phụ huynh tên H. nói: “Năm trước, cháu tôi học lớp 8 ở một trường THCS tại TP.HCM. Ở trường cháu học rất giỏi và được chọn đi thi học sinh (HS) giỏi cấp quận. Nhưng sau khi thi về, cháu bị khoảng 10 nữ sinh ép đánh ngay tại cầu thang trường chỉ vì tội… dám học giỏi. Sau đó, vì quá sợ hãi, cháu đã phải nghỉ học, không dám đến lớp. Cha mẹ gặng hỏi, cháu mới nói rõ sự tình và cháu phải nghỉ học gần 2 tháng trời. Mọi người khuyên cách mấy cháu cũng không dám đi học, luôn có cảm giác lo sợ, mất ngủ…”.
Phụ huynh này phải đưa con đi gặp bác sĩ tâm thần và nhờ một chuyên gia tư vấn tâm lý giúp đỡ. Trong thời gian con nghỉ học, cha mẹ HS phải thuê nhiều giáo viên dạy các môn: toán, lý, hoá, văn… ngay tại nhà. Đến thi học kỳ, nhà trường phải tổ chức cho HS này thi riêng một mình. “Cuối cùng, chúng tôi phải tìm cách chuyển trường cho cháu, cháu mới dám đi học lại”, phụ huynh này ngậm ngùi kể lại.
Một phụ huynh khác cho biết: “Con tôi chỉ mới học lớp 3 nhưng vào lớp cũng phải theo phe này hoặc phe kia, nếu không theo thì sẽ bị đánh. Bây giờ tôi không biết phải làm sao trước trường hợp này, vì bạn học đe doạ con tôi là nếu méc giáo viên hoặc cha mẹ sẽ bị đánh nặng hơn”.
Ngày 19.12 vừa qua, một vụ việc gây chấn động dư luận xảy ra tại H.Tân Trụ, Long An khi một HS lớp 9 bị bạn học đánh đến chấn thương sọ não chỉ vì tội “không cho coi bài kiểm tra học kỳ môn toán”.
Phần “chìm” rất đáng sợ
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM, nhận định: “Những vụ bạo lực học đường bị phát hiện chỉ là bề nổi, các vụ bạo lực học đường đang âm thầm, hoặc chưa bị phát hiện mới thực sự đáng lo ngại”. Bác sĩ Quang còn nêu ra 2 trường hợp bạo lực học đường rất đáng thương mà ông từng thăm khám. Một HS lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn Q.Bình Thạnh bị 2 HS cùng lớp câu kết với 2 đối tượng ngoài trường khoảng 17, 18 tuổi đe doạ, buộc phải nộp tiền để “đổi lấy sự yên thân”. Lúc đầu chỉ là 5.000 – 10.000 đồng, sau số tiền phải nộp tăng dần. Vì vậy, HS này phải về xin cha mẹ ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, với lý do đóng tiền học, sinh hoạt… Sự việc kéo dài 5, 6 tháng, khi cha mẹ HS thấy con xin tiền nhiều lần, lấy làm lạ nên gặp giáo viên hỏi thì được cho biết trường hay lớp không yêu cầu nộp những khoản tiền như HS thường xin cha mẹ. Tìm hiểu, cha mẹ HS này tá hoả khi biết con bị bạn học bắt nạt và đe doạ nếu nói với cha mẹ hay giáo viên sẽ bị đánh.
Trường hợp thứ hai là một nữ sinh 12 tuổi (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) đột nhiên bỏ học 5, 6 ngày. “Gia đình tìm hiểu mới biết cháu bị nhóm “đầu gấu” bên ngoài đánh, dụ dỗ đi chơi, sau đó còn yêu cầu cháu phải chu cấp tiền. Khi cháu nói rằng không có tiền thì nhóm này yêu cầu phải tự đi kiếm tiền đưa cho chúng, thậm chí chúng còn ép cháu quan hệ tình dục”, thạc sĩ, bác sĩ Quang cho biết thêm.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Quang, những HS bị bạn học và đối tượng bên ngoài đe doạ, đánh đập… thường chịu nhiều hậu quả tai hại, ảnh hưởng đến học tập, đời sống. Các em sẽ luôn có cảm giác sợ hãi, không chịu đến trường, lo lắng, mất ngủ, tìm cách đối phó, lâu dài sẽ bị stress, rối loạn tâm thần, học hành sa sút…
Tiến sĩ Phạm Văn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, kiêm Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý và giáo dục tỉnh Tiền Giang, khuyến nghị: “Cha mẹ nên quan tâm đến con cái. Nếu thấy các em có biểu hiện lạ, cần điều tra tìm hiểu từ con mình. Nếu phát hiện con bị đe doạ hoặc bắt nạt, cần phối hợp với nhà trường, công an địa phương trong trường hợp bị các đối tượng “đầu gấu” bên ngoài trường đe doạ. HS khi bị đe doạ bằng bạo lực, cần báo với giáo viên và phụ huynh”.
Nên thông báo ngay với nhà trường
Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.4 cho rằng HS bị bạn học bạo hành bằng vũ lực hoặc xúc phạm bằng cách chửi mắng, cần phải báo cho giáo viên hoặc ban giám hiệu. HS chỉ cần âm thầm mật báo hoặc viết giấy gửi giám thị, giáo viên. Chẳng hạn “bạn A bạo hành, đánh bạn B…”
(B có thể là chính người viết thư). Nhà trường sẽ căn cứ vào đó, tự tìm hiểu. Làm theo kiểu này giống như trường tự phát hiện vụ việc chứ không phải do HS bị bạo hành mách lại thầy cô. “Đây là cách mà trường tôi làm rất hiệu quả, các em không cần phải ra mặt tố giác mà giám thị vẫn phát hiện được HS gây ra bạo lực và có biện pháp chấn chỉnh. Về phần phụ huynh, nếu con mình bị bạo hành trong trường hoặc ngoài trường, cần phải báo ngay với trường để trường nắm tình hình và có hướng giải quyết. Nếu phụ huynh không báo, không hợp tác sẽ khiến cho tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng”, vị hiệu trưởng này khuyên.
Tương tự, ông Trần Đức Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), cho biết: “Nếu xảy ra mâu thuẫn trong nhà trường, HS cần phải báo ngay cho giám thị, giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, nhà trường còn có lực lượng cán bộ lớp, đội sao đỏ thường xuyên báo với giáo viên mỗi khi phát hiện các mâu thuẫn. Phụ huynh cũng cần báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để bàn cách giải quyết. Không nên lẳng lặng bỏ qua hoặc tự giải quyết thay nhà trường”.

Minh Luân