26/11/2024

Xăng dầu giảm sâu, nhà xe lãi đậm

Giá xăng dầu giảm sâu, theo quy luật, sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác giảm theo. Thế nhưng cước vận tải neo giá đã khiến nhiều mặt hàng tiếp tục trì hoãn việc giảm giá.

 

Xăng dầu giảm sâu, nhà xe lãi đậm

 

Giá xăng dầu giảm sâu, theo quy luật, sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác giảm theo. Thế nhưng cước vận tải neo giá đã khiến nhiều mặt hàng tiếp tục trì hoãn việc giảm giá.

 


 

 

Nguồn: dựa trên số liệu của hãng taxi – Dữ liệu: Hồng Quý – Đồ hoạ: Việt Anh
Nhiều hãng xe khách vẫn chưa chịu hạ giá theo mức giảm giá xăng (ảnh chụp tại bến xe Miền Đông, TP.HCM chiều 26-12) – Ảnh: Hữu Khoa

Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều nhà xe hiện đang lãi rất “đậm”.

Trong khi mọi ánh mắt đang dồn về các hãng vận tải, xem ra những người trong cuộc này khá chậm chạp và có giảm cũng chỉ mang tính chất đối phó.

Giá cước 13.000 đồng/km, taxi vẫn lãi

Ông Dương Tiến Thự, giám đốc Hợp tác xã vận tải du lịch 27-7 với thương hiệu taxi cùng tên, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 39% tổng các loại chi phí tạo nên giá thành, cùng với khấu hao, sửa chữa, nhân công, bảo hiểm, lệ phí…

Còn ông Tạ Long Hỷ – chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, phó giám đốc Công ty Vinasun – cho biết xăng dầu chiếm dưới 30% tổng chi phí tạo giá thành.

Từ ngày 1-1-2015, ngành đường sắt giảm giá cước

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa yêu cầu các công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Sài Gòn giảm 10% giá vé tất cả loại chỗ trên những đoàn tàu Thống Nhất kể từ ngày 1-1-2015 đến hết 1-2-2015.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các công ty xây dựng lại giá cước vận chuyển hàng hoá theo hướng giảm giá trên nhiều chặng do biến động giảm giá dầu diesel thời gian qua.

Cụ thể, giảm 5% cước phổ thông nguyên toa đối với hàng hóa xếp ở các ga khu vực phía Bắc (từ ga Vinh trở ra) vận chuyển vào phía Nam đi quá ga Đà Nẵng.

Giảm 10% cước phổ thông nguyên toa đối với mặt hàng ximăng vận chuyển trong khu vực tính từ ga Đà Nẵng trở ra phía Bắc và giảm 20% cước phổ thông nguyên toa đối với mặt hàng container vận chuyển từ ga Hải Phòng đến ga Đồng Đăng và ngược lại.

M.TRƯỜNG

Sở dĩ có sự khác nhau về tỉ trọng xăng dầu trong giá thành, theo ông Thự, do cơ cấu giá thành của mỗi hãng taxi có khác nhau, chủ yếu do chi phí bộ máy nhân lực vận hành, phí mua bến bãi và phương pháp quản lý tài sản, quản lý tài xế làm đội lên.

“Bộ máy nhiều hãng lớn cồng kềnh, tiền bỏ ra mua những chỗ tốt để khai thác và tiền hao phí phụ tùng do không quản lý được khiến giá thành đội lên” – ông Thự phân tích.

Mức cước của taxi 27-7 loại xe năm chỗ thời điểm tháng 7-2014 là 15.500 đồng/km đầu tiên, nay giảm còn 15.000 đồng/km, giảm 3,2%.

Xe loại bảy chỗ giảm từ 16.500 đồng/km đầu tiên còn 15.500 đồng/km, tương đương giảm 6%.

Ông Thự cho biết đang dự kiến tiếp tục giảm giá cước. Theo tính toán của ông, với mức giá sau khi giảm như vậy tính ra hãng vẫn lãi khá.

“Nếu quản lý tài sản và tài xế tốt, giảm những loại chi phí mua chỗ, các hãng taxi vẫn cứ lãi dù giá có giảm xuống khoảng 10.000 đồng/km”.

Vị này cũng cho biết thêm một số hãng taxi nhỏ muốn giảm giá thêm cho khách song e ngại đụng chạm với các thành viên lớn trong hiệp hội nên vẫn lấn cấn, chờ đợi thêm.

Về phần Vinasun, ông Hỷ cho biết đang lên kế hoạch từ giờ tới cuối tháng 12 sẽ giảm cước taxi, với mức giảm 500 đồng/km cho tất cả dòng xe.

Trước đó từ ngày 14-11, Vinasun đã giảm 500 đồng/km, đưa cước xe bốn chỗ xuống 16.000 đồng/km đầu tiên và cước xe bảy chỗ đời mới xuống mức 18.000 đồng/km.

Nếu tính từ mức giá vào đầu tháng 7, khi xăng dầu đạt đỉnh cao, cước của Vinasun cho xe bốn chỗ giảm được 3,03%, xe bảy chỗ đời mới giảm được 2,7%.

“Việc giảm giá cước lúc này phải tính toán rất khó khăn, nhất là khi chi phí lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đóng cho hàng chục ngàn người trong bộ máy sẽ tăng theo mức lương tối thiểu mới sẽ áp dụng” – ông Hỷ phân bua.

Còn ông Thự nhận định với xăng dầu vẫn ở ngưỡng thấp như hiện nay, cước taxi thời gian tới có thể xuống tới mức 13.000 đồng/lít cho kilômet đầu tiên với xe bốn chỗ, 14.000 đồng/lít với xe bảy chỗ.

“Đó là mức giá hợp lý với tất cả hãng taxi và tất cả vẫn có lãi ở ngưỡng này” – ông Thự khẳng định.

Nếu áp dụng mức giá này cho những hãng lớn, tính ra cước sẽ giảm được 21,2% cho xe năm chỗ, 24,3% cho xe bảy chỗ so với thời xăng còn ở đỉnh cao đầu tháng 7. Trong khi đó từ ngày 7-7, khi xăng ở mức “đỉnh” 25.640 đồng/lít tới nay còn 17.880 đồng/lít, xăng dầu đã giảm được 30,2%.

Nếu xăng dầu chiếm 39% giá thành như ông Thự tính và lấy mức giá ông Thự cho là tất cả không lỗ làm giá thành giả định là 13.000 đồng/lít, xăng dầu chiếm khoảng 5.070 đồng cho mỗi kilômet xe chạy. Nay giá xăng đã giảm 30,2%, tính ra con số này giảm 1.531 đồng cho mỗi kilômet xe chạy.

Trong khi đó trên thị trường, mức cước taxi chỉ giảm 500 đồng cho mỗi kilômet xe chạy. Như vậy các hãng đang lãi thêm phần chênh lệch là 1.031 đồng.

So với tháng 7-2014, giá xăng dầu hiện giảm 30,2% nhưng giá cước taxi của Vinasun chỉ giảm 3,03% – Ảnh: Hữu Khoa

Xe khách dửng dưng

Theo khảo sát của chúng tôi vào ngày 25-12, hầu hết quầy bán vé tại bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ nguyên mức giá từ nhiều tháng trước đó.

Phía trước quầy vé của Công ty TNHH vận tải & DVTM Phi Hiệp, bảng niêm yết của hãng xe này được ký từ ngày 5-5-2014 với mức giá vé giường nằm 400.000 đồng/vé chặng TP.HCM – Đà Nẵng vẫn áp dụng tới thời điểm này.

Tương tự, nhân viên bán vé của Công ty TNHH Chín Nghĩa cũng thông báo giá vé ghế ngồi tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi là 290.000 đồng/vé và giường nằm là 340.000 đồng/vé, được áp dụng từ ngày 9-6.

Trước một quầy vé xe tuyến TP.HCM – Kon Tum, giá vé được niêm yết từ ngày 14-6-2014 là 330.000 đồng/vé, vẫn áp dụng tới nay không có thay đổi gì.

Nói về giá vé bình chân như vại của các hãng xe trong bến, ông Thượng Thanh Hải – phó giám đốc bến xe Miền Đông – cho biết theo bảng xây dựng giá vé của các hãng xe, chi phí xăng đầu chiếm hơn 30%.

Tuy nhiên thường các hãng xe không thể thay đổi giá vé ngay sau khi có biến động về giá xăng mà phải mất 10-15 ngày.

Trong thời gian này các hãng xe phải dò xét đối thủ cạnh tranh, cân đối lại thu – chi để xây dựng giá và chờ cơ quan chức năng phê duyệt mới đưa ra áp dụng.

Theo ông Hải, thời gian qua có 90/220 doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá vé, hầu hết giảm giá vé 5-10% tùy từng tuyến đường.

Nguồn: dựa trên số liệu của hãng taxi – Dữ liệu: Hồng Quý – Đồ hoạ: V.Cường

Vận tải hàng hoá:  khách có tiếng nói

Trong khi hạ giá cước hay không là chuyện một chiều, do hãng taxi và vận tải hành khách quyết định thì với vận tải hàng hoá, khách hàng ít nhiều có tiếng nói hơn.

Đó là thừa nhận của đa số ông chủ hãng xe vận tải hàng hoá tại TP.HCM khi được hỏi về việc giảm giá cước theo giá xăng.

Ông Lê Ngọc Biện, giám đốc Công ty vận tải Nam Đại Triển tại TP.HCM, cho biết trong các hợp đồng vận tải với khách hàng lớn đều có sẵn điều khoản điều chỉnh cước mỗi khi xăng biến động quá 10% nên giá xăng giảm như vừa qua, đương nhiên hãng phải điều chỉnh cho khách.

“Vừa rồi chúng tôi đã điều chỉnh giảm giá cước vận tải hàng từ xưởng tới kho cho khách hàng Vinamilk theo điều khoản như vậy. Các khách hàng khác không quy định trước vẫn yêu cầu và chúng tôi phải giảm” – ông Biện cho biết.

Theo tính toán của ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, trong cơ cấu giá thành vận tải, xăng dầu chiếm 30-35%.

“Giờ giá xăng dầu giảm, hiệp hội cũng đã khuyến cáo các thành viên xem xét điều chỉnh giá xuống cho phù hợp. Một số đơn vị đã giảm giá 5-7% so với trước.

Thực tế cước vận tải do thị trường điều chỉnh là chính bởi nếu không giảm, khách sẽ tìm mối khác.

Ngược lại có những vùng hiếm xe kinh doanh hoặc địa hình khó khăn, hãng vận tải áp giá cao hơn” – ông Quản nói.

Nếu theo cách tính giá thành của ông Quản nêu ra, với xăng dầu chiếm 30-35%, mỗi container hàng có thể giảm một khoản tiền đáng kể.

Lấy ví dụ giá cước 2.650.000 đồng/container Công ty giao nhận vận tải Ánh Tuyết đang áp cho Công ty Timatex VN việc chở hàng cao su từ cảng Cát Lái về Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM, giá cước tương ứng có thể phải giảm được 240.000 đồng/container, tương ứng việc xăng giảm 30,2%.

“Hồi tháng 7, Ánh Tuyết tăng giá cho chúng tôi với lý do xăng dầu tăng. Đến bây giờ xăng dầu giảm nhiều song đơn vị này vẫn không hề giảm đồng nào.

Chúng tôi dự tính hết tháng 12 này sẽ ký hợp đồng với hãng vận tải khác để có mức giá hợp lý hơn” – ông Nguyễn Minh Sang, đại diện Timatex VN, cho biết.

Nhiên liệu giảm giúp giá vé máy bay giảm 15-17%

Theo các công ty kinh doanh xăng dầu hàng không, giá xăng máy bay (Jet A1) tính đến ngày 18-12 chỉ còn khoảng 80,786 USD/thùng, giảm 15,62 USD/thùng so với giá trung bình của tháng 11-2014 (90,406 USD/thùng).

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này đã giảm 35%.

Tính toán của Cục Hàng không VN cho thấy giá nhiên liệu giảm sẽ làm giá vé máy bay giảm 15-17% so với năm 2013.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP), cho biết năm 2014 hãng chỉ có lời trong hai tháng 6-7, các tháng còn lại là lỗ và huề vốn nên việc giá nhiên liệu giảm chỉ giúp giá vé trung bình của ba tháng cuối năm 2014 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo ông Phạm Ngọc Minh – tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), việc giảm giá nhiên liệu đã giúp tình hình kinh doanh trong quý 4-2014 của hãng có lãi chút ít so với quý 3-2014.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Khánh, giám đốc điều hành Vietjet Air, cho biết hãng đã chuyển phần thuận lợi vì giá xăng dầu để thêm vào lượng vé giá thấp trong các chương trình khuyến mãi, bán vé giá rẻ của hãng.

Tuy các hãng đều khẳng định sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2015, nhưng sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của các đường bay và mức giá mà các đối thủ công bố.

LÊ NAM

HỒNG QUÝ – MẬU TRƯỜNG