Doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn
Dù nền kinh tế được đánh giá đã qua khỏi khó khăn, nhưng số doanh nghiệp phải đóng cửa và ngừng hoạt động vẫn chưa dừng lại.
Doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn
Dù nền kinh tế được đánh giá đã qua khỏi khó khăn, nhưng số doanh nghiệp phải đóng cửa và ngừng hoạt động vẫn chưa dừng lại.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa có báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2014, trong đó cho thấy dù nền kinh tế được đánh giá đã qua khỏi khó khăn, nhưng số doanh nghiệp phải đóng cửa và ngừng hoạt động vẫn chưa dừng lại.
Trong năm 2014, theo báo cáo này, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm trước.
Trong khi đó số doanh nghiệp khó khăn phải tạm dừng hoạt động lên tới 58.322 doanh nghiệp, tăng 14,5%, chưa kể có 9.501 doanh nghiệp đã chính thức hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động.
Tháng 12 khó khăn…
* Ông BÙI VĂN DŨNG (trưởng ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Cần hỗ trợ mạnh, thiết thực hơn.. Trong năm 2015, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tốt hơn, được tạo nhiều cơ hội hơn khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… sẽ được thực hiện với nhiều cơ chế tốt và thuận lợi hơn cho kinh doanh. Điều quan trọng là cần tổ chức thực hiện tốt để doanh nghiệp có thể nhận được hiệu ứng. Ngoài ra, các biện pháp cải cách thủ tục thuế, hải quan… đã được đẩy mạnh thì cần tiếp tục để tăng khả năng tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp cũng như sự phục hồi của nền kinh tế. |
Trong tháng 12-2014, thời điểm làm ăn khá sôi động trong năm nhưng theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước chỉ đạt 7.052 doanh nghiệp, giảm 9,2% so với tháng trước.
Ðặc biệt có đến hơn 8.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (cả đăng ký và không đăng ký). Trong đó, riêng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có thời hạn hoặc không đăng ký là 7.944 doanh nghiệp, tăng tới 30,2% so với tháng trước đó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Dũng, trưởng ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng nếu nhìn theo hướng lạc quan, dù số doanh nghiệp thành lập giảm nhưng số vốn đăng ký vẫn tăng 5,6% so với tháng trước, cho thấy đây là tín hiệu nhà đầu tư đang tìm kiếm quy mô lớn hơn hoặc họ vẫn có cơ hội kinh doanh và tìm được khả năng phát triển.
Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng vì số vốn đăng ký tăng chưa hẳn sẽ là số tiền nhà đầu tư thật sự sẽ đổ vào thị trường. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng chứng tỏ doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.
Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng trong bức tranh chung còn khó khăn, năm 2014 cũng có những “điểm sáng”, với 22.758 lượt doanh nghiệp tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.707 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký bổ sung được đưa vào nền kinh tế năm 2014 lên tới trên 1 triệu tỉ đồng. Số lao động dự kiến được tạo công việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 là 1.091.000 lao động, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Dù chưa thật sự thoát khỏi khó khăn nhưng xét trên quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 đã tăng hơn, cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhà đầu tư yên tâm có niềm tin và yên tâm hơn khi đầu tư mở rộng sản xuất” – báo cáo viết.
TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Ðại học Kinh tế quốc dân, cho rằng số liệu doanh nghiệp thành lập, phá sản phản ánh một phần tình hình kinh tế VN. “Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp vẫn chậm. Có thể một số doanh nghiệp từ rất khó khăn đã đỡ xấu hơn, nhưng khả năng phát triển mạnh thì chưa thấy…” – ông Anh nói.
Vùng Đông Nam bộ vẫn nhiều cơ hội
Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một số địa phương có tình hình khởi sắc hơn hẳn với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng và số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013, như: Bình Phước (số doanh nghiệp thành lập mới tăng 38,5%, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động giảm 5,8%), Nghệ An (tăng 13,1%, giảm 15,2%), Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng 9,2%, giảm 1,8%), Thái Bình (tăng 8,1%, giảm 16,3%)…
Trong đó, tại khu vực Ðông Nam bộ, quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải doanh nghiệp vẫn diễn ra mạnh mẽ khi số doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động đều tăng.
Theo báo cáo này, nếu so với mặt bằng chung, khu vực Ðông Nam bộ đang ở mức trung bình với khó khăn và cơ hội đều lớn. Các vùng còn lại, doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng khẳng định lĩnh vực “hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” hay “sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình”… lại có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS Phạm Thế Anh, điều này cho thấy lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người ít khó khăn nhất. Trong khi đó, lĩnh vực này chủ yếu là làm thuê, làm ăn nhỏ, được tập trung với mục đích chống đỡ giai đoạn khó khăn, chứ ít có cơ hội giúp làm chuyển biến tình hình.
Trong khi đó, một số ngành, lĩnh vực như nghệ thuật, vui chơi và giải trí, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản… vẫn trong quá trình tái cơ cấu, có tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng số lượng doanh nghiệp khó khăn, buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng có xu hướng tăng.
Giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn Sau loạt bài “Teo tóp doanh nghiệp tư” trên Tuổi Trẻ, ông Võ Minh Tuấn – vụ phó Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước – đã liên lạc với Công ty nhựa Sao Việt – đơn vị đang gặp khó khăn tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, yêu cầu doanh nghiệp này làm công văn gửi Vụ Tín dụng trình bày nhu cầu vốn và phương án kinh doanh có hiệu quả. Từ cơ sở đó, vụ sẽ triển khai cho các ngân hàng thương mại tiếp cận để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, những phản ánh của báo Tuổi Trẻ đã nêu lên được phần nào những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đây chỉ là những trường hợp đơn lẻ nhưng tôi thấy rất cần thiết nên đã chủ động liên lạc với họ để tìm hiểu khó khăn và hướng giải quyết. Tuy nhiên hiện nay còn có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tình cảnh tương tự, vì vậy chúng tôi sẽ có những phương án, chính sách hỗ trợ lâu dài” – ông Tuấn nói. Theo đó, ông Tuấn cho biết đối với các doanh nghiệp có đơn hàng tốt, mở rộng sản xuất và có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ được hỗ trợ tối đa. Và về lâu dài, nguồn quỹ hỗ trợ xuất phát từ ngân sách sẽ hiệu quả hơn là từ các ngân hàng thương mại. Và để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần có sự góp tay từ nhiều cơ quan quản lý. Ngoài ra, Phòng Thương mại và công nghiệp chi nhánh TP.HCM cũng đã liên lạc với Công ty Vĩnh Lộc Phát – một trong số các doanh nghiệp được phản ánh trong loạt bài – tìm hiểu nhu cầu vốn của doanh nghiệp để đưa ra phương án hỗ trợ. |