26/11/2024

Tự thân xoay xở

Để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp tư nhân mày mò đổi mới công nghệ, bỏ tiền túi ra nước ngoài thuê chuyên gia, xoay xở tìm thị trường mới…

 

Tự thân xoay xở

Để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp tư nhân mày mò đổi mới công nghệ, bỏ tiền túi ra nước ngoài thuê chuyên gia, xoay xở tìm thị trường mới…

Sản xuất bóng đèn y tế tại nhà xưởng của Công ty Thành Nhân TNE (Dĩ An, Bình Dương) - Ảnh: Đình Dân
Sản xuất bóng đèn y tế tại nhà xưởng của Công ty Thành Nhân TNE (Dĩ An, Bình Dương) – Ảnh: Đình Dân

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phải nản lòng bởi các thủ tục hành… là chính, chưa kể các chính sách hỗ trợ dù có cũng ít đến với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không đủ sức đầu tư

Ông Thái Tuấn Chí, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, cho rằng để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có một con đường là đổi mới công nghệ nhằm đẩy giá trị gia tăng cao lên.

Tuy nhiên để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức đầu tư máy móc thiết bị từ sản xuất đến nghiên cứu, đầu tư cho con người… nên họ rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước cả về vốn lẫn sự đơn giản hóa trong thủ tục hành chính.

“Mỗi dự án làm việc với các chuyên gia nước ngoài để nhận được tư vấn về chiến lược thương hiệu, sản phẩm… có thể cạnh tranh với hàng ngoại chi phí đều trên 100.000 USD/dự án, nhưng địa phương cũng như các bộ, ngành chưa có chính sách gì hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Chí nói.

Theo ông Chí, lẽ ra đối với những doanh nghiệp quyết tâm đổi mới công nghệ, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho chậm nộp thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay dài hạn, kinh phí thuê chuyên gia quốc tế để đào tạo đội ngũ khoa học công nghệ…

Ông Nguyễn Cảnh Hà, giám đốc Công ty Hoa Thiên Lý (Q.1, TP.HCM), cho biết từng sản xuất đế giày nhưng gần đây đã cho nước ngoài thuê lại nhà xưởng, còn máy móc vẫn đóng trong kho.

Thời điểm này có cơ hội làm ăn mới trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cũng muốn mở lại nhà xưởng nhưng việc tiếp cận vốn là vô cùng khó.

“Khi gõ cửa ngân hàng, họ đòi phải có bất động sản để thế chấp, nhưng sau cơn khủng hoảng doanh nghiệp vừa và nhỏ làm gì còn tài sản để thế chấp” – ông Hà nói.

Trong khi đó ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), cho biết dù chiếm đến 70% về số lượng với khoảng 600 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực da giày, nhưng tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 800 triệu USD, bằng một nửa so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 30%.

“Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân có công nghệ thiết bị, thiết bị chỉ ở mức trung bình và lạc hậu. Chẳng hạn rất khó tìm thấy loại máy may các chi tiết phức tạp, chính xác trị giá 30.000-50.000 USD/máy của khối doanh nghiệp này do họ quá ít vốn và không nhận được hỗ trợ từ chính sách” – ông Kiệt nói.

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Đưa cho chúng tôi xem những sản phẩm đèn tiểu phẫu ánh sáng lạnh vừa ra lò, ông Trần Quang Minh, giám đốc Công ty Thành Nhân TNE, cho biết đây là một trong những loại đèn đòi hỏi kỹ thuật cao, trước đây trong nước chủ yếu phải nhập khẩu.

Sau khi nghiên cứu thị trường, công ty đã quyết định nhập dây chuyền sản xuất theo công nghệ châu Âu để làm thêm các sản phẩm bóng đèn kỹ thuật cao và nhắm tới cả thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, điều ông Minh bức xúc là những lô hàng xuất khẩu đi Indonesia và Philippines vẫn còn nằm kho chờ thủ tục hành chính.

Theo ông Minh, để tìm được đối tác tại thị trường Philippines và Indonesia, doanh nghiệp đã mất cả năm trời mang sản phẩm đi chào hàng, thuyết phục đối tác… Nhưng sau khi đối tác nước ngoài đồng ý nhập, doanh nghiệp này lại mất quá nhiều thời gian xin giấy phép chứng nhận chất lượng, rồi giấy phép trong lĩnh vực y tế…

“Các thủ tục lòng vòng khiến lô hàng này đã nằm ở đây 5-6 tháng vẫn chưa xuất đi được. Rất khó khăn các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tìm được đối tác phân phối lớn từ nước ngoài nhưng thay vì nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong nước, chúng tôi lại bị làm khó…” – ông Minh bức xúc.

Trong khi doanh nghiệp nội bị làm khó đủ kiểu, doanh nghiệp FDI lại nhận được ưu ái từ các chính sách hỗ trợ.

Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết dù chỉ chiếm khoảng 10% trong số 2.000 doanh nghiệp ngành nhựa đang hoạt động, nhưng các doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm tỉ lệ áp đảo về kim ngạch xuất khẩu nhờ năng lực vốn và đặc biệt là được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp FDI được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định (máy móc thiết bị), không phải nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu nếu có thành tích xuất khẩu, được miễn thuế VAT khi mua máy móc thiết bị xây dựng làm tài sản cố định mà VN chưa sản xuất được…

Chưa hết, các doanh nghiệp FDI còn được hưởng thêm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có kim ngạch xuất khẩu trên 50% tổng doanh thu…

 

Níu chân nhau tự giảm sức cạnh tranh

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang nhận được rất nhiều ưu đãi và chính điều đó càng làm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phải sống vật vã, không cạnh tranh nổi cả trong lẫn ngoài nước.

Đó là ý kiến của chuyên gia Wendy Werner – giám đốc phụ trách chương trình thương mại và cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á – Thái Bình Dương, người gần đây đã có những khuyến nghị với Chính phủ VN về cải cách DN. Bà khẳng định: “Khối DNTN hiện có năng suất lao động thấp và đầu tư rất ít cho nghiên cứu và phát triển (R&D)”.

* Đó là một vòng luẩn quẩn mà DNTN chưa thể thoát?

– Đúng vậy. Năng suất thấp và ít đầu tư R&D khiến hầu hết DNTN Việt vẫn ở quy mô rất nhỏ và chưa đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu, chưa thể hòa nhập chuỗi sản xuất toàn cầu, chấp nhận bám lấy khối FDI, làm nhà cung cấp trong phạm vi nội địa cho họ.

Do thiếu cầu nối với chuỗi giá trị toàn cầu, DNTN chỉ phát triển manh mún, không tạo được sức mạnh cho mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng một nền công nghiệp phụ trợ năng động cũng là cản trở lớn khiến DNTN không thể tăng sức cạnh tranh và bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

* DNTN bị lơ là do sự ưu tiên đang dành cho đối tượng khác?

– DNNN đã chứng tỏ họ dùng vốn kém hiệu quả hơn khối DNTN song vẫn được ưu ái và chiếm lấy vị thế lớn trong nền kinh tế VN. Cải cách khối DNNN, do vậy, là một yêu cầu bức thiết để cải thiện sức cạnh tranh, năng suất và tăng trưởng của cả nền kinh tế. Gần đây cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc cải cách DNNN, chẳng hạn cổ phần hóa. Song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. 

* Vậy là DN trong nước vô hình trung lại níu chân nhau?

– Khối DNTN khó đạt được quy mô lớn do hầu hết vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, do nguồn cầu trong nước giảm sút và do phải chơi cùng sân nhưng bất bình đẳng với khối DNNN. Do vậy, khối DN trong nước, một thời từng là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đã không thể vượt qua được khó khăn những năm gần đây.

Bằng chứng là số DN trong nước đóng cửa đã tăng 9% trong 10 tháng của năm 2014, trong khi số DN lập mới giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, theo báo cáo mới công bố giữa tháng 12 của Ngân hàng Thế giới, khối FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của kinh tế VN với việc đóng góp xấp xỉ 20% GDP, chiếm 2/3 xuất khẩu máy móc và tạo ra 1/4 việc làm tính trong khối DN.

* Theo bà, VN cần làm gì để thúc đẩy phát triển DNTN?

– Các nước thành công trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn lên tình trạng thu nhập cao đã cho thấy một thực tế: chính phủ không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc minh bạch hóa và có thể dự đoán được, đi đôi với việc giảm thủ tục và chi phí cho kinh doanh.

Nhờ đó họ đã tạo được một tầng lớp doanh nhân đẳng cấp quốc tế, những người có khả năng gầy dựng và phát triển doanh nghiệp thành công, qua đó tạo ra việc làm, mở ra thị trường, cạnh tranh và đổi mới không chỉ trong nước họ mà còn cả trên bình diện quốc tế. Từ đó DN mới có thể tự tin và đầu tư dài hạn, đi đôi với đầu tư mạnh mẽ cho R&D.

Trong đó, DNTN đóng vai trò quan trọng, có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc tham gia hoạch định chính sách bởi họ chính là đối tượng thực thi và gắn bó với các chính sách, cải cách…

HỒNG QUÝ thực hiện