HS đánh nhau: Nữ bằng ngôn ngữ, nam bằng hành động
Sáng 24-12, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ÐH Sư phạm TP.HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”.
HS đánh nhau: Nữ bằng ngôn ngữ, nam bằng hành động
Sáng 24-12, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ÐH Sư phạm TP.HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”.
Chương trình có sự tham dự của hơn 30 đại biểu đến từ các tỉnh, thành.
Bà Lê Thị Thảo, trưởng phòng công tác học sinh – sinh viên Sở GD-ĐT Đắk Lắk, tại hội thảo - Ảnh: H.HG. |
“Tháng 11 này tỉnh chúng tôi mới xảy ra hai sự cố, đầu tháng một học sinh lớp 9 đâm chết bạn trong trường và cuối tháng học sinh lớp 5 dùng cây đánh chết một học sinh lớp 6. Nguyên nhân của vụ việc thì công an đang điều tra nên tôi không thể nói gì thêm. Vì vậy, chúng tôi đến với hội thảo trong tâm thế đầy trăn trở và lo lắng.
Trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng bạo lực học đường vẫn diễn ra” – bà Lê Thị Thảo, trưởng phòng công tác học sinh – sinh viên Sở GD-ÐT Ðắk Lắk, than thở.
Theo bà Thảo, đặc điểm dân cư ở Ðắk Lắk khá phức tạp nhưng một số trường vẫn chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh: “Ðến trường giáo viên chỉ có dạy rồi về, việc giáo dục học sinh giao cho Ðoàn trường hay nhà trường hay ai đó không cần biết. Thậm chí có giáo viên chủ nhiệm còn bảo: 100 điểm thi đua của tôi đấy, trừ bao nhiêu thì trừ.
Ngay cả Bộ GD-ÐT cũng chưa quan tâm nhiều đến công tác này. Thời gian gần đây, Bộ GD-ÐT có rất nhiều hội nghị nhưng chỉ tập trung vào chuyên môn, không có hội nghị nào về giáo dục đạo đức – tư tưởng cho học sinh cả”.
Nữ bằng ngôn ngữ, nam bằng hành động
Hầu hết đều chơi trò chơi bạo lực Kết quả khảo sát của ThS Đinh Anh Tuấn cho thấy: “ngoài giờ học 18,4% học sinh chơi game ở tiệm Internet và 24,8% chơi game ở nhà và hầu hết chơi những trò chơi bạo lực. Học sinh chơi game có tỉ lệ gây bạo lực bằng hành động cao hơn học sinh không chơi game. Những hình ảnh đẫm máu trong game dưới con mắt các em sẽ dần trở nên bình thường. Lứa tuổi các em hay bắt chước hành vi và nhiều khi không có sự phân biệt rạch ròi giữa mạng ảo và đời sống thực. 80,4% học sinh nhận định bạo lực học đường bị ảnh hưởng từ game online, phim ảnh bạo lực”. |
Ông Phạm Hữu Khương, chánh thanh tra Sở GD-ÐT Ninh Thuận, phát biểu: “Xét đến vấn đề bạo lực học đường, chúng ta hãy nhìn lại chất lượng giáo dục, phải chăng ta vẫn còn thiếu cái gì đó, sót cái gì đó nên mới dẫn đến tình trạng như hôm nay.
Tôi cho rằng việc “đo” chất lượng giáo dục phổ thông hiện chưa đúng và chưa đủ. Không thể chỉ “đo” trong nhà trường mà phải “đo” cả ngoài nhà trường. Cái học sinh cần đạt không chỉ là học lực, hạnh kiểm mà việc giáo dục học sinh phải thay đổi hẳn về “chất”, bậc phổ thông phải dạy người nhiều hơn dạy chữ.
Ở bậc đại học thì ngược lại. Cần nghiêm túc xem lại việc giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh”.
ThS Ðinh Anh Tuấn, trưởng khoa tâm lý – giáo dục và công tác xã hội ÐH Quy Nhơn, đã làm một cuộc khảo sát với 496 học sinh tám trường THCS và THPT trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Ông cho biết: “Nữ sinh sử dụng bạo lực bằng ngôn ngữ nhiều hơn nam sinh (82,1% so với 50,3%), còn nam sinh sử dụng bạo lực bằng hành động nhiều hơn nữ sinh. Gần đây nữ sinh thực hiện các hành vi bạo lực có xu hướng tăng, thậm chí đóng vai trò thủ lĩnh”.
Theo ông Tuấn: “Lứa tuổi học sinh trung học có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, nhu cầu thể hiện “cái tôi” rất cao, một bộ phận các em thể hiện theo khuynh hướng tiêu cực. Tình trạng xúc phạm và đánh nhau ở học sinh THCS nhiều hơn hẳn THPT. Học sinh THCS cũng là nạn nhân bị bạo lực bằng hành động nhiều hơn THPT.
Theo một số giáo viên, học sinh lớp 8, lớp 9 kiềm chế cảm xúc rất kém dễ bộc phát hành vi bạo lực. Học sinh THCS hiếu động, nghịch ngợm nên các em cũng bị giáo viên đánh nhiều hơn THPT. Hành động bạo lực nghiêm trọng như đe doạ, đánh nhau hoặc sử dụng hung khí tấn công bạn học tập trung cao ở những học sinh mà gia đình có vấn đề như: bố mẹ thường xuyên cãi nhau, ly hôn, bố/mẹ mất hoặc không sống chung với bố mẹ.
Có ý kiến giáo viên cho rằng học sinh có hoàn cảnh trên hoặc là thu mình trầm lặng (nên dễ bị bắt nạt) hoặc tính khí cộc cằn, nóng nảy dễ bộc phát hành vi bắt nạt bạn. So với các nhóm khác thì những hình thức bạo lực nghiêm trọng chiếm tỉ lệ cao ở những học sinh mà bố mẹ để cho các em tự do. Ðặc biệt, có hai trường hợp học sinh đánh thầy cô đều rơi vào đối tượng học sinh này”.
Ông Tuấn đưa ra nhận định: “Việc phụ huynh không quan tâm quản lý con cái đã góp phần làm gia tăng bạo lực học đường”.
Giá như…
TS Phạm Văn Khanh, phó giám đốc Sở GD-ÐT Tiền Giang, kể lại câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở Tiền Giang cách đây ít ngày: ba học sinh một trường THPT vướng vào mối tình tay ba: B và C cùng yêu cô gái là A. Các em không đánh nhau nhưng có sự bạo lực về ngôn ngữ.
Trong lần gặp tay ba, C nói: tôi yêu A lâu rồi, không thể thiếu A trong cuộc đời, đề nghị B nhường A lại cho tôi. B nói: bạn yêu A như thế nào, tôi còn yêu A hơn như thế. C đã tuyên bố: tôi nói lần cuối, nếu B không nhường A cho tôi hoặc A bỏ tôi mà đi thì tôi sẽ nhảy xuống sông chết cho hai người coi.
Và C nhảy xuống sông chết thật. C là con út trong gia đình, học rất giỏi. Nếu có sự tham vấn tâm lý kịp thời thì chắc sự việc đau lòng không xảy ra.
Tại hội thảo, đa số đại biểu đều đề nghị: phải gấp rút thành lập các trung tâm tham vấn tâm lý trong mỗi trường phổ thông. Bên cạnh đó, phải bổ sung biên chế giáo viên tư vấn trong trường phổ thông chứ hiện nay chưa có.
Bà Lê Thị Thảo phát biểu: “Tôi mong muốn và tha thiết mong muốn Bộ GD-ÐT hãy cụ thể bằng văn bản (về biên chế giáo viên tư vấn trong trường phổ thông – NV) chứ không phải chỉ nói vài lời trong điều lệ trường học. Chúng tôi cũng tích cực tham mưu nhưng không đủ cơ sở để thành lập tổ tư vấn. Cả tỉnh chỉ có 10 trường/gần 1.000 trường có cán bộ tư vấn. Những trường này làm rất tốt, họ nắm bắt rất nhanh và kịp thời giải quyết những khúc mắc của học sinh”.
Học sinh ngại đến phòng tư vấn Cách đây mấy năm, tôi được đi tham quan học tập ở Singapore, đến một trường phổ thông tôi thấy họ có phòng hướng dẫn làm kế hoạch. Cứ tưởng phòng đó dành cho giáo viên, không ngờ họ bảo đó là phòng tham vấn tâm lý, hướng nghiệp và cả phương pháp học tập. Ngoài giáo viên biên chế có trình độ chuyên môn lĩnh vực tham vấn, họ còn có cả một nhóm chuyên gia bên ngoài nhà trường hỗ trợ hoạt động này. Phòng hướng dẫn làm kế hoạch tiếp đón mọi đối tượng học sinh cả giỏi, cả dở. Các em đàng hoàng đến phòng này và đến một cách tự nhiên chứ không phải lén lút, sợ các bạn biết như ở ta. Ở ta học sinh rất ngại đến phòng tham vấn tâm lý vì bước vào đó là các bạn xầm xì có vấn đề gì về tâm lý – tâm thần. Theo tôi, học sinh ngày nay cần được chăm sóc, giáo dục từ ba giáo viên: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và giáo viên tâm lý. |