30/12/2024

Giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong hơn 10 năm

Đánh giá chung về CPI cả năm 2014, Tổng cục thống kê cho biết CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây

 

Giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong hơn 10 năm

 

Đánh giá chung về CPI cả năm 2014, Tổng cục thống kê cho biết CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây

 

 

 

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 10 năm gần đây – Nguồn: Tổng cục Thống kê – Ảnh: Hữu Khoa –  Đồ hoạ : V.Cường

Ngày 24-12, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2014 giảm 0,24% so với tháng trước và CPI năm 2014 (so với cuối năm 2013) chỉ tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm qua.

Đánh giá chung về CPI cả năm 2014, TCTK cho biết CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%.

Rất nhiều mặt hàng giảm giá

Theo TCTK, mặc dù là tháng cuối năm nhưng tháng 12-2014 chứng kiến hai nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,94%, đặc biệt là nhóm giao thông giảm tới 3,09%. Bên cạnh đó, có bốn nhóm hầu như không tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,08%), thuốc và dịch vụ y tế và giáo dục (tăng 0,03%), văn hoá, giải trí và du lịch (tăng 0,07%)…

Công khai tên đơn vị vận tải cố tình trục lợi

Hôm qua 24-12, báo Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm phản hồi của bạn đọc về bài viết giá cước vận tải “vô cảm” với giá xăng dầu. Hầu hết ý kiến bức xúc rằng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải không giảm giá cước hoặc chỉ giảm cho có, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng và địa phương rà soát, xử phạt nặng những đơn vị nào cố tình móc túi người tiêu dùng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành tiếp tục kiểm tra giá cước vận tải. Nếu đơn vị nào không giảm giá hoặc giảm nhỏ giọt thì cơ quan chức năng phải xử phạt tiền và tịch thu số tiền thu được vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các địa phương cũng nên công khai cho người dân biết tên các đơn vị vận tải cố tình không giảm giá cước, hoặc giảm không phù hợp với biến động giá xăng dầu.

L.THANH

Đánh giá lý do CPI tháng cuối năm 2014 giảm, TCTK khẳng định “chủ yếu do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh hai đợt” trong tháng khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09%, góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI, chưa kể giá gas trong nước được điều chỉnh giảm 13.000 đồng/bình từ ngày 1-12 do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Ngọc – vụ phó Vụ Thống kê giá, TCTK – cho biết tính chung cả năm, nhóm giao thông giảm tới 5,57%, kéo CPI cả năm giảm khoảng 0,5%.

Theo bản phân tích mà TCTK công bố, có rất nhiều mặt hàng, nhóm mặt hàng đã giảm giá.

Cụ thể, mặc dù vào mùa giáp hạt nhưng giá gạo không tăng do sản lượng dồi dào, các doanh nghiệp chưa mua lúa gạo dự trữ vì đã hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm 2014 trong khi chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Chỉ có một số mặt hàng như rau tươi tăng giá, trong khi hàng loạt mặt hàng được TCTK ghi nhận giảm giá như: thịt heo giảm 0,08%; thịt gia cầm khác giảm 0,96%; đường, bơ, sữa, pho mát giảm 0,1- 0,4%; một số loại quả tươi vào vụ như cam, chuối giá giảm 2-3%.

Đặc biệt, TCTK cho biết thực chất chỉ số giá điện sinh hoạt cũng giảm 0,07% so với tháng trước do nhu cầu dùng điện vào tháng này giảm. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng gồm sắt thép giảm nhẹ do giá phôi thép nhập khẩu giảm 5-10 USD/tấn và nhu cầu chững lại vào mùa mưa…

Không phải do sức cầu yếu?

Một số nhà kinh tế cho rằng CPI tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế yếu.

Tuy nhiên theo bà Đỗ Thị Ngọc, lo ngại này là không có cơ sở, bởi nếu nhìn vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước: năm 2014 ước tăng 6,5% (trong khi các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng 4,7%, 6,2% và 5,6%).

Tuy nhiên, TCTK cũng cho rằng ngoài các lý do như đã đề cập, CPI trong năm 2013 và 2014 tăng thấp còn do tâm lý bình tĩnh hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng. Người dân tính toán kỹ, cân nhắc hơn khi mua sắm nên người cung cấp hàng hoá cũng không dám tăng giá cao vào các dịp lễ, tết, các ngày lễ hội…

 “Lạm phát thấp như hiện nay là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế… Với người tiêu dùng, khi lạm phát thấp, chi phí sinh hoạt không tăng nhiều, khoản tiền thực từ tiết kiệm của họ thật sự có ý nghĩa hơn” – TCTK nhận định.

Tuy nhiên, TCTK cho rằng khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành… kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Cần cải thiện sức mua

Một trong những thành công được ghi nhận là trong các năm 2012 và 2013, VN đã kiểm soát được lạm phát, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với tháng 12-2013. Đây là mức tăng thấp kỷ lục, ngoài dự kiến và rất xa so với chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội là 7%.

Kiềm chế lạm phát thấp là điểm sáng, một thành tích nổi bật của năm 2014, đây là điều không thể phủ nhận. Việc lạm phát thấp là dấu hiệu tích cực và sẽ mang lại cho nền kinh tế nhiều lợi ích, đó là biểu hiện của sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhờ đó tình hình kinh tế – xã hội có những chuyển biến tích cực. Lạm phát thấp mang lại niềm vui cho người tiêu dùng; sự an tâm của các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường.

Chính phủ có dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn đang rất chậm hiện nay.

Tuy nhiên, lạm phát ở mức quá thấp sẽ có những hiệu ứng tác dụng phụ không mong muốn. Bản chất lạm phát quá thấp do tổng cầu chưa được cải thiện, bởi thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nguồn cầu của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của Chính phủ bị thu hẹp, đặc biệt khi giá xăng dầu thế giới lao dốc.

Tại VN, nguồn vốn của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào vốn vay các ngân hàng thương mại, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động đến hoạt động doanh nghiệp, việc làm, tăng trưởng kinh tế và tác động đến cả chính sách tài khoá, như giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Khó khăn của các doanh nghiệp cũng tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.

Chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung. Lạm phát quá thấp cũng kéo theo sức mua ì ạch, người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn khiến sản xuất ngừng trệ. Giới doanh nghiệp ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí.

Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo rằng kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định nhưng thấp cũng có thể gây tác hại.

Lạm phát thấp kéo theo lãi suất giảm, nhưng thực tế doanh nghiệp không thể tiếp cận được khoản vay do không đáp ứng được tiêu chuẩn của ngân hàng, trong khi phía ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Điều này khiến các doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn hơn về chuyện thiếu vốn.

Giảm được lạm phát thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững. Nếu lạm phát được kiềm chế ở mức hợp lý sẽ có lợi cho tăng trưởng, ngược lại lạm phát quá cao hoặc quá thấp sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho tăng trưởng.

TS NGÔ TRÍ LONG


CẦM VĂN KÌNH