08/01/2025

Siết chính sách xe công để giảm lãng phí

Chỉ cần nhìn vào việc mua sắm, trang bị xe công cho các cơ quan công quyền, người có chức vụ thì có thể thấy rõ đây là một mảng đang hết sức lãng phí, có tiêu cực.

 

Siết chính sách xe công để giảm lãng phí

 

Chỉ cần nhìn vào việc mua sắm, trang bị xe công cho các cơ quan công quyền, người có chức vụ thì có thể thấy rõ đây là một mảng đang hết sức lãng phí, có tiêu cực. Người dân và công luận rất bức xúc.

 

 


 

 


 
Xã hội và các chuyên gia có thể dễ dàng đưa ra được những kết quả tích cực nếu thực hiện cơ chế khoán cho việc sử dụng ôtô trong các cơ quan công quyền, kể cả về mặt ngân sách cũng như về mặt nhân lực, tổ chức bộ máy và về sự đồng thuận trong xã hội

Vừa rồi Quốc hội họp nói rất nhiều về nợ công, tình trạng ngân sách – tài chính quốc gia đang hết sức khó khăn. Thậm chí, khi xem xét việc nâng lương cho người lao động cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần và cuối cùng đành phải quyết là chỉ nâng lương cho một nhóm đối tượng có thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, việc siết lại tiêu chuẩn chính sách trong mua sắm và sử dụng xe công, không để tình trạng lãng phí như hiện nay là cần thiết.

Tốn kém, lãng phí…

Chỉ tính tới thời điểm hết năm 2013, cả nước đã có gần 37.000 ôtô công đang được sử dụng (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước), tổng nguyên giá hơn 20.000 tỉ đồng.

Riêng năm 2013 số xe mua mới gần 1.500 chiếc với số tiền gần 1.400 tỉ đồng. Phân tích sâu hơn, xe phục vụ chức danh lãnh đạo gần 1.000 chiếc, xe phục vụ công tác chung gần 25.000 chiếc. Thật là những con số không nhỏ! Số xe công của nước ta khá lớn so với các nước trong khu vực.

Một thực tế đáng quan tâm là hiện tượng mua xe công vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận mua xe chuyên dùng chưa chặt chẽ. Việc quản lý trong quá trình sử dụng xe rất hình thức, lỏng lẻo, tốn kém. Chi phí cho việc mua sắm, sử dụng phụ tùng, xăng dầu và những chi tiêu khác khá lớn trong điều kiện ngân sách khó khăn.

Thực tế số cây số, lượng xăng dầu sử dụng được kê khai, nếu tính tổng trong một đời xe công thường gấp vài lần xe cùng loại của tư nhân ngoài xã hội. Việc sử dụng xe công vào việc riêng, sai đối tượng, sai mục đích, việc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc với các chức danh không đúng tiêu chuẩn vẫn diễn ra thường xuyên trong phạm vi toàn quốc.

Với số xe như trên cần phải có bộ máy quản lý, lái xe ở trong các cơ quan công quyền cũng là một sự cồng kềnh, tốn kém, bất hợp lý.

Về mặt thể chế, mua sắm, sử dụng xe công đang được quy định tại quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.

Xem lại quyết định này trong bối cảnh đã phân tích ở trên, thấy rằng thực tiễn đang đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản mang tính đột phá, khắc phục cho được tình trạng bao cấp tràn lan, tình trạng lạm dụng cơ chế chính sách, sự tốn kém lãng phí, kể cả hiện tượng cơ hội thực dụng, “tham nhũng mềm” trong việc mua sắm, sử dụng xe công.

Cần phải siết lại tiêu chuẩn chính sách trong việc mua sắm xe công, không để tình trạng mua sắm tràn lan như hiện nay. Việc siết lại này là khả thi vì thực tế phương tiện giao thông công cộng trong xã hội đang rất phát triển, các nhu cầu đi lại được đáp ứng thuận lợi.

Thay vì sử dụng xe công, có thể thuê mướn hoặc sử dụng các loại xe khách công cộng hiện có. Nếu thực hiện nghiêm việc này sẽ tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm nhiều ngàn tỉ đồng và cũng để cho quan chức, “công bộc” được gần dân, thân dân hơn.

Nếu không có giải pháp đột phá, xoay chuyển thì việc lãng phí, tốn kém, lạm dụng vẫn diễn ra hằng ngày xoay quanh việc mua sắm, trang bị và sử dụng xe công, chẳng ngân sách nào chịu nổi và người dân, công luận cũng không chấp nhận.

Khoán từ cấp thứ trưởng

Cần phải khẳng định các chức danh ở trung ương từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, còn ở địa phương các chức danh chủ tịch HĐND, UBND và bí thư tỉnh ủy trở lên, do đặc thù công việc cũng như yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, cần phải tiếp tục thực hiện chế độ được sử dụng thường xuyên một ôtô trong thời gian công tác như quy định hiện nay.

Riêng về giá mua tối đa cũng cần phải khống chế ở mức hợp lý. Theo tôi, mức cao nhất cũng không nên vượt quá 1 tỉ đồng, mức giá trung bình 700-800 triệu đồng là phù hợp.

Riêng với cấp thứ trưởng và tương đương, cấp phó ở các tỉnh, thành phố nên xóa bỏ hẳn cơ chế bố trí xe đưa đón (những người này theo quy định hiện hành chỉ được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc và đi công tác). Tôi muốn nói thêm đối với đối tượng cấp phó ở tỉnh, thành phố, việc bố trí xe sai chế độ chính sách tương đối phổ biến.

Vừa qua, Chính phủ đã thực hiện cơ chế thí điểm khoán trong việc sử dụng xe đối với những đối tượng này. Đây là chủ trương rất hay nhưng đáng tiếc không có sự hưởng ứng trong số các “công bộc” thuộc diện này.

Người ta hay nhắc đến ông phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, là người đầu tiên và cũng là duy nhất thực hiện cơ chế khoán.

Còn những người khác thì vô cảm. Rồi chủ trương này lại rơi vào quên lãng. Người ta lại đua nhau đòi mua sắm xe sang, hơi cũ một tí đã đòi đổi xe mới và chiếm dụng trong suốt thời gian công tác như xe riêng, chỉ phục vụ cho cá nhân và gia đình người đó. Xã hội, dân thấy cả, biết cả và cũng rất bức xúc.

Theo tôi, để xóa bỏ việc bố trí xe cho những người này cũng cần có cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe cho họ. Kinh phí khoán ở đây là khoán trong việc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc (đi công tác vẫn sử dụng xe công). Ta có thể dễ dàng tính được mức khoán phù hợp.

Theo tôi, chỉ nên ở mức tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng là có thể chấp nhận được ở cả hai phía (phía cơ quan nhà nước, ngân sách cũng như phía người được hưởng chế độ, tiêu chuẩn). Và chắc chắn dư luận, người dân cũng sẽ đồng thuận.

Một lực cản ở đây cần nói tới là khi tham gia chủ trương, quyết sách này, những người trực tiếp điều hành và thể hiện ý kiến, quan điểm ở các bộ giúp cho Thủ tướng, lại là các vị thứ trưởng và tương đương. Dễ hiểu, sự đồng thuận qua kênh hành chính chính thức sẽ không cao vì họ chính là những người ký các văn bản tham gia góp ý. Do vậy cần phải có một sự dũng cảm, quyết tâm và quyết đoán trong việc quyết định cơ chế này.

TS LÊ HỒNG SƠN (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp)