Đức Maria, người mẹ đồng trinh

Trong bối cảnh của biến cố Nazareth, ta thấy có lời sấm của Tiên tri Isaia. “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, cưu mang một con trai và sẽ đặt tên cho Con Trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời hứa cổ xưa này đã hoàn toàn được ứng nghiệm trong biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

 Đức Maria, người mẹ đồng trinh

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật IV Mùa Vọng, 18/12/2011

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật IV và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, năm nay phụng vụ giới thiệu cho chúng ta bài mô tả cảnh sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Khi chiêm ngưỡng bức ảnh kỳ diệu mô tả Đức Trinh Nữ Hồng Phúc, vào giờ phút đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và nói lên lời đáp trả của mình, lòng chúng ta bừng cháy lên nhờ ánh sáng chân lý chiếu toả từ mầu nhiệm vẫn ngàn đời mới mẻ này. Tôi đặc biệt muốn suy nghĩ ngắn gọn về tầm quan trọng của sự đồng trinh nơi Đức Maria, đó là Mẹ cưu mang Đức Giêsu mà vẫn còn đồng trinh.

Trong bối cảnh của biến cố Nazareth, ta thấy có lời sấm của Tiên tri Isaia. “Này đây một trinh nữ trẻ tuổi sẽ thụ thai, cưu mang một con trai và sẽ đặt tên cho Con Trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời hứa cổ xưa này đã hoàn toàn được ứng nghiệm trong biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, không những Đức Trinh Nữ Maria thụ thai, mà ngài còn thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, nghĩa là bởi chính Thiên Chúa.

Hữu thể nhân văn bước vào đời trong dạ của Mẹ nhận lấy xương thịt từ Đức Maria, nhưng đời sống của Người hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa. Người là con người thật sự, được làm bằng bùn đất – chúng ta dùng biểu tượng của Sách Thánh -, nhưng lại đến từ trên cao, đến từ Trời xanh. Như thế, sự kiện Đức Maria mang thai mà vẫn còn đồng trinh là thiết yếu để hiểu được Đức Giêsu, và hiểu được đức tin của chúng ta, bởi vì sự kiện này chứng thực đây là sáng kiến của Thiên Chúa, và trên hết, sự kiện này mạc khải con người được mang thai là ai.

Như Phúc Âm đã nói: “Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con của Thiên Chúa” (Lc 1,35). Theo nghĩa này thì sự đồng trinh của Đức Maria và thần tính của Đức Giêsu bảo đảm cho nhau. Chính đây là điều đã tạo nên câu hỏi có một không hai, một câu hỏi quan trọng đến độ Đức Maria, “hết sức bối rối”, đã hỏi sứ thần: “Điều ấy xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến nam nhân?” (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ của mình, Đức Maria hết sức khôn ngoan. Đức Maria không hề nghi ngờ gì về quyền năng của Thiên Chúa, nhưng Mẹ muốn hiểu được rõ ràng hơn ý muốn của Thiên Chúa, để hoàn toàn thuận theo ý muốn của Ngài. Mầu nhiệm muôn trùng vượt xa Mẹ, thế nhưng, Mẹ đã hoàn toàn giữ được vị trí mà Chúa đã giao phó cho Mẹ trong lòng mầu nhiệm. Quả tim và tâm trí của Mẹ hoàn toàn khiêm nhường, và chính vì sự khiêm nhường có một không hai của Mẹ, nên Thiên Chúa đã chờ đợi tiếng “xin vâng” của người phụ nữ trẻ tuổi, để thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá và tự do của Mẹ. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria tác động đến chức năng làm mẹ và sự đồng trinh của Mẹ. Mẹ muốn tất cả trong con người Mẹ đều ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, và Thiên Chúa muốn cho Người Con, được Đức Maria sinh ra, hoàn toàn là món quà tặng của ân sủng Chúa ban.

Các bạn thân mến, sự đồng trinh của Đức Maria là độc nhất vô nhị và không thể nào được tái diễn; nhưng ý nghĩa thiêng liêng của sự đồng trinh liên hệ đến mỗi Kitô hữu là người thiết yếu liên kết với đức tin.Thật thế, tất cả những ai tin tưởng sâu xa vào tình yêu của Thiên Chúa đều đón tiếp Đức Giêsu vào trong tâm hồn mình qua tác động của Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi hy vọng tất cả anh chị em đều cảm nghiệm được mầu nhiệm này với niềm vui sâu xa trong tâm hồn.