09/01/2025

Bất chấp rủi ro, hàng triệu thanh thiếu niên vẫn di cư tìm việc

Thay vì chỉ “dọa” trẻ em, thanh thiếu niên về nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, cần hướng dẫn và giúp đỡ các em di cư tìm việc an toàn.

 

Bất chấp rủi ro, hàng triệu thanh thiếu niên vẫn di cư tìm việc

 

 

Thay vì chỉ “dọa” trẻ em, thanh thiếu niên về nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, cần hướng dẫn và giúp đỡ các em di cư tìm việc an toàn. Đây là một khuyến nghị của tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) trong báo cáo về tình trạng mua bán người trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mà World Vision vừa công bố hôm nay, 17.12

 

 

Lãng phí hàng triệu đô la?

Năm 16 tuổi, Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), người dân tộc Thái, sống tại một huyện miền núi thuộc tỉnh Yên Bái, quyết định rời làng đi tìm việc. Được một người đàn ông rủ đi làm trên thành phố Yên Bái với một công việc tốt, Thanh đồng ý không chút nghi ngờ, nhưng rồi sau đó đã bị đưa sang tỉnh Lào Cai, rồi bị mang qua biên giới và bị bán vào một nhà chứa ở Trung Quốc.

Bất chấp rủi ro, hàng triệu thanh thiếu niên vẫn di cư tìm việc - ảnh 1Vì mưu sinh, nhiều thanh thiếu niên đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người – Ảnh: World Vision 

Sau một tháng, Thanh may mắn được cứu thoát và trở về Việt Nam, nhưng cuộc sống của Thanh đã rẽ sang một ngã khác. Sức khỏe và tinh thần em suy sụp, phải nằm viện điều trị nhiều ngày bệnh viêm phụ khoa và viêm thận.

Theo World Vision, trong suốt 15 năm qua, những câu truyện tương tự đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Bất chấp nhiều nguy cơ, thanh thiếu niên từ Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam vẫn tiếp tục rời quê hương đi tìm việc tại những nước láng giềng khá giả hơn. Khi tới nơi, công việc được hứa hẹn thường chẳng bao giờ thành hiện thực. Thay vì thế, các em bị ép làm những việc mình không muốn. Các công việc này thường đi kèm với điều kiện làm việc không tốt, bị bạo hành và bị bóc lột.

World Vision nhận định thực trạng này vẫn đang tiếp diễn, bất chấp hàng triệu USD đổ vào công tác phòng chống buôn người tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông trong suốt một thập kỷ qua. Theo World Vision, không có bằng chứng nào đáng kể cho tới nay chỉ ra được ảnh hưởng rõ rệt của hàng loạt những nỗ lực phòng chống mua bán người. Những tiếp cận nhằm chấm dứt hoạt động mua bán người, tới nay, hầu hết được xây dựng dựa trên các giả định.

“Nếu vẫn gửi được tiền, rủi ro chỉ là yếu tố phụ”

Kết quả nghiên cứu được World Vision công bố hôm nay (17.12) cũng cho thấy, hơn 1/3 trẻ em và thanh thiếu niên từng di cư tìm việc ít nhất một lần từng bị bóc lột như bị tăng giờ làm, hoặc bị chủ nơi làm thuê khống chế do nợ nần, bị giữ lương, bị lạm dụng cả về thể chất và tinh thần, hoặc phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra gần 60% trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam được hỏi cho biết từng nghe nói tới nạn mua bán người và nhận thức được nguy cơ bị mua bán; 28% từng làm việc trong các môi trường nguy hiểm (thường trong lĩnh vực xây dựng); 22% cho biết các em hiếm khi có thời gian rảnh để làm những việc cá nhân hoặc tới những nơi mình muốn.

Tuy nhiên, đại đa số trẻ em và thanh thiếu niên được phỏng vấn cho biết các em vẫn có thể gửi tiền về nhà. Theo World Vision, đây chính là mấu chốt vấn đề. Đối với nhiều bạn trẻ di cư đi làm, tiền là vấn đề tối quan trọng. Nếu vẫn có thể gửi tiền về nhà, các em cho rằng mình đã thành công; những rủi ro, nguy hiểm chỉ là yếu tố phụ.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi khẳng định, với các bằng chứng từ thực tế, rằng công tác phòng chống mua bán người chỉ dựa trên nâng cao nhận thức là không đủ. Thanh thiếu niên sẽ tiếp tục di cư tìm việc. Đây là lúc các cơ quan liên quan cần chuyển trọng tâm sang làm thế nào để giúp các em di cư tìm việc an toàn”, ông John Whan Yoon, Quản lý Chương trình Chấm dứt Mua bán người khu vực Mê Kông của World Vision, cho biết.

Đại diện World Vision cũng cho hay, hoạt động chống mua bán người trong khu vực đã được chuyển từ việc “dọa” thanh thiếu niên về các mối nguy hiểm của tình trạng này sang trang bị cho các em kiến thức về di cư an toàn, nếu các em quyết định tìm việc tại các nước khác.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, World Vision đã thành lập hàng loạt các “CLB Thanh thiếu niên di cư an toàn” tại Yên Bái, Quảng Trị và Quảng Nam. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, hàng trăm thanh thiếu niên từng đi làm ăn xa và phụ huynh được gặp gỡ trao đổi các kiến thức về về di cư tìm việc an toàn như cần tìm hiểu thông tin kỹ trước khi quyết định đi làm, cần mang theo giấy tờ tùy thân và không đưa cho chủ lao động giấy tờ gốc, thường xuyên liên lạc với người thân và bạn bè, địa chỉ và đường dây nóng các em có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, mỗi năm có không dưới 70.000 người Việt rời quê hương đi tìm việc, và khoảng 400.000 lao động hiện đang có mặt tại 40 nước trên toàn thế giới.

Nên tạo điều kiện giấy tờ để bảo vệ thanh, thiếu niên lao động hợp pháp

Theo nghiên cứu “Tình trạng Dễ bị tổn thương: Mua bán người trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông” do World Vision thực hiện, những cảnh báo về nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người không ngăn cản được làn sóng di cư tìm việc tại các nước lân cận của 3 – 5 triệu người từ Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam mỗi năm. 

Theo World Vision, cần có các hệ thống cho phép các thủ tục làm hộ chiếu và giấy phép lao động được thuận lợi với giá rẻ và nhanh chóng. Nếu điều này được thực hiện, sẽ có nhiều thanh thiếu niên có được các giấy tờ quan trọng này nhằm bảo vệ bản thân và cho phép họ làm việc hợp pháp tại các nước khác. Các nước tiếp nhận người lao động nhập cư cũng nhờ vậy, có thể thống kê được số lao động, bất kể là công dân ở đâu, và đảm bảo quyền lao động hợp được áp dụng cho tất cả.

 

Cẩm Nguyên