10/01/2025

Tổn thương mắt do đái tháo đường

Không như biến chứng tim mạch thường được các bác sĩ lưu ý định kỳ và đều đặn mỗi khi bệnh nhân (BN) đến khám, biến chứng mắt trên thực tế không được hoặc quá chậm trễ trong theo dõi và chăm sóc một cách hệ thống.

 

Tổn thương mắt do đái tháo đường

 

Không như biến chứng tim mạch thường được các bác sĩ lưu ý định kỳ và đều đặn mỗi khi bệnh nhân (BN) đến khám, biến chứng mắt trên thực tế không được hoặc quá chậm trễ trong theo dõi và chăm sóc một cách hệ thống. 

 

 

Cần khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường - Ảnh: N.C.T.
Cần khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường – Ảnh: N.C.T.

Biến chứng trên mắt của đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh võng mạc (võng mạc là mô nằm tận sau hốc mắt, rất nhạy với ánh sáng) và phù hoàng điểm (hoàng điểm là hõm nhỏ trên võng mạc, nơi nhìn thấy rõ nhất).

Ngoài ra còn có tăng nhãn áp (cườm nước) và đục thủy tinh thể (cườm khô). 

Ít quan tâm đến mắt

Việc chậm sàng lọc bệnh mắt sau khi biết mắc bệnh ĐTĐ làm tăng số người có bệnh võng mạc nặng. Có rất nhiều BN từ lúc biết bệnh ĐTĐ đến khi được khám sàng lọc lần đầu tiên để đánh giá biến chứng mắt có thể đến chục năm, vì vậy nhiều BN đã có bệnh võng mạc tiến triển.

Những người được sàng lọc trong vòng sáu tháng sau khi được chẩn đoán ĐTĐ đã có 2,3% bị bệnh võng mạc nặng, và nếu hơn ba năm mới được khám mắt thì tỉ lệ này tăng thêm gấp đôi.

Những khảo sát cho thấy có 67,5% người ĐTĐ type 2 không có bệnh lý võng mạc, 20,3% có sang thương cơ bản ở một mắt, 9,4% sang thương cơ bản ở hai mắt và 2,8% là bệnh mắt nặng phải đến bác sĩ nhãn khoa giải quyết.

Bác sĩ nhãn khoa khám có thể phát hiện những dấu chứng như phù mạch máu võng mạc, những mạch máu rò rỉ nổi bật trên nền võng mạc nhợt nhạt (thay vì hồng hào) có những vệt mỡ hoặc sẹo ở dịch kính, thấy những bất thường mạch máu như mạch máu bị nghẽn hay bị phình to ở một vài vị trí (gọi là vi phình mạch) và hư hại thần kinh.

Sẹo võng mạc có thể làm một phần võng mạc bong ra khỏi nhãn cầu đe dọa thị lực nghiêm trọng. Người bệnh có thể nhìn thấy những đốm máu nhỏ lơ lửng là dấu hiệu đầu tiên trước khi xuất huyết xảy ra cần được can thiệp cấp cứu. Thậm chí cả khi không còn thấy hiện tượng này và thị lực đã cải thiện nhiều, chảy máu mắt vẫn có thể tái phát.

Một tỉ lệ nhỏ BN ĐTĐ bị phù hoàng điểm, khoảng 3-6%, nhưng rất nhiều người trong số họ không được phát hiện hoặc phát hiện muộn. Đây là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất. Trong tổng số người bệnh phù hoàng điểm đến khám tại chuyên khoa mắt, 3/4 là do ĐTĐ gây hư hại mạch máu vùng hoàng điểm. 

Hiện đã có khá nhiều phương pháp điều trị bệnh võng mạc và phù nề hoàng điểm. Do vậy để giảm số trường hợp không được điều trị, ngăn chặn đúng lúc giảm thị lực hay mù lòa, cách tốt nhất là khám mắt định kỳ để được phát hiện sớm.

Khảo sát mới đây tại một bệnh viện ở TP.HCM, chỉ 47% BN đi khám mắt trong 1-2 năm gần đây, 29% bị bệnh võng mạc, 6% phù hoàng điểm. Trong số 6% phù hoàng điểm này chỉ gần 40% biết mình có bệnh, tức được thăm khám và chẩn đoán. Điều này cho thấy biến chứng mắt liên quan đến ĐTĐ ở nước ta quá ít được quan tâm.

Ai là người có nguy cơ biến chứng mắt?

Người mắc ĐTĐ nhiều năm, kiểm soát đường huyết và huyết áp kém, có bệnh thận do ĐTĐ, hút thuốc lá, tăng mỡ máu là những đối tượng có nguy cơ bị bệnh lý võng mạc.

Càng có nhiều yếu tố vừa đề cập, bệnh võng mạc càng nặng nề. Thế nên điều chỉnh tất cả những yếu tố trên ngay từ khi mới mắc ĐTĐ là điều kiện tiên quyết để dự phòng biến chứng mắt.

Để nhanh chóng cải thiện chất lượng chăm sóc người có biến chứng võng mạc, đặc biệt là phù hoàng điểm, rất cần sự hiểu biết và hợp tác của người bệnh. Nhân viên y tế nên tăng cường giáo dục về biến chứng mắt để BN đồng thuận đi khám mắt định kỳ vì nhiều người bệnh cho rằng mắt không làm sao thì cần gì phải đi khám.

Việc khám mắt rất đơn giản, mỗi hai năm người bệnh nên khám soi đồng tử một lần. Khi có dấu hiệu bất thường sẽ được chụp hình võng mạc hoặc chụp OCT (chụp cắt lớp cho hình ảnh ba chiều về võng mạc, hoàng điểm) thích hợp.

Những người bệnh võng mạc tiến triển cần can thiệp với laser quang đông hay chích yếu tố tăng trưởng vào mắt mới phải khám mắt mỗi 3-6 tháng. Rất cần sự hỗ trợ của cấp quản lý để xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể nhằm tăng nhận thức hiểu biết cho người bệnh lẫn nhân viên y tế và mạng lưới chăm sóc đôi mắt người bệnh ĐTĐ.

 

BS LÊ TUYẾT HOA