27/11/2024

Cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình

Tại hội thảo “Bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho VN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức hôm qua 12.12 ở Hà Nội, một số chuyên gia đã đưa ra cảnh báo cụ thể.

 

Cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình

 

 

Tại hội thảo “Bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho VN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức hôm qua 12.12 ở Hà Nội, một số chuyên gia đã đưa ra cảnh báo cụ thể.

 

 

Phải tìm giải pháp nâng cao năng suất lao động - Ảnh: Ngọc Thắng

 

GS.Kennichi Ohno, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản – Giám đốc Dự án Diễn đàn phát triển VN, lo ngại: “Có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ VN đang rơi, hoặc đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TNTB). Tôi không quan tâm là thời điểm khẳng định VN đã ở trong bẫy TNTB hay chưa mà điều tôi quan tâm là Chính phủ VN làm gì để vượt qua tình trạng này và thực tế, chưa rõ những chính sách cụ thể nào được đưa ra”.

Nhiều triệu chứng

 

 
 

VN đang tăng trưởng mà không nhờ đổi mới, sáng tạo. Động lực làm ăn, kinh doanh vẫn nhờ quan hệ, trục lợi… Có nhiều chính sách được đưa ra, kể cả trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ nhưng kết quả không như mong đợi và như vậy, về dài hạn khó có tăng trưởng bền vững

 

Bà Đặng Thu Hoài, Phó ban Chính sách dịch vụ công – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

 

 

Theo vị GS này, từ năm 2008, khi VN được công nhận là đã gia nhập các nước có TNTB thấp, trong 6 năm qua, đã nổi lên những “triệu chứng” của bẫy TNTB. “Sau một thời gian tăng trưởng liên tục 8 – 9% thì tăng trưởng của VN mấy năm qua đã chậm hẳn lại, một sự chững lại quá sớm dễ làm nảy sinh các vấn đề xã hội. Thứ hai, hiệu quả sản xuất của VN đã rất kém do năng suất lao động thấp. Mức tăng lương cao hơn tăng năng suất đang đặt ra nguy cơ VN mất đi lợi thế lao động rẻ. Đây là 2 dấu hiệu nguy hiểm”, ông Ohno nói.

Cũng theo GS Ohno, một dấu hiệu đáng lo ngại nữa là tăng trưởng kinh tế của VN nhiều năm qua và hiện nay vẫn do đầu tư dẫn dắt. Thế nhưng, chỉ số ICOR (chỉ số đo lường hiệu quả về vốn đầu tư, được tính theo công thức số đơn vị vốn đầu tư phải bỏ ra để có 1 đơn vị sản lượng) tăng lên. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực kinh tế chính của VN chứ không phải từ doanh nghiệp (DN) nội địa. Sự tăng trưởng về xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

“Một điều dễ thấy là vị trí xếp hạng về kinh tế, về cạnh tranh của VN rất trì trệ, nhiều chỉ số, thứ hạng của VN trong rất nhiều năm đã không  tăng thậm chí còn bị giảm”, ông Ohno nhận xét và dẫn chứng trong bảng xếp hạng “Doing Business” của WB, năm 2006, vị trí năng lực cạnh tranh của VN là 99 thì đến năm 2014, VN vẫn ở vị trí này.

“Với hàng loạt dấu hiệu như vậy, nếu như VN không có những thay đổi quan trọng nào về chính sách thì coi như đã rơi vào bẫy (TNTB) rồi”, ông Ohno khẳng định. Không những thế, ông còn cho rằng VN thiếu cả ý chí và khả năng thúc đẩy công nghiệp hóa so với nhiều nước châu Á và châu Phi. “Các chính sách đào tạo nghề, phát triển DN vừa và nhỏ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ yếu; các chính sách nâng cao năng suất, đổi mới hầu như không tồn tại. Chính phủ có vẻ cũng chú ý lắng nghe nhưng ít hành động. Nếu không có gì thay đổi chắc chắn VN sẽ rơi vào bẫy TNTB, trên thực tế, bẫy TNTB đã bắt đầu”, ông nói thêm.

Sẽ phục hồi ?

 

 
 

Dù quan điểm khác nhau về việc VN đã rơi vào bẫy TNTB hay chưa, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng để tránh bẫy TNTB, VN phải tìm được giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển DN tư nhân, nâng cao được năng suất lao động, tạo ra những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế đồng thời giải quyết được những vấn đề yếu kém do tăng trưởng những năm trước đem lại.

 

 

Thừa nhận những cảnh báo của GS Kennichi Ohno là “rất xác đáng”, bà Đặng Thu Hoài, Phó ban Chính sách dịch vụ công – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đánh giá các yếu tố cho thấy VN khó thoát bẫy đã khá rõ ràng: động lực tăng trưởng của VN hiện rất yếu, không bền vững. “VN đang tăng trưởng mà không nhờ đổi mới, sáng tạo. Động lực làm ăn, kinh doanh vẫn nhờ quan hệ, trục lợi… Có nhiều chính sách được đưa ra, kể cả trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ nhưng kết quả không như mong đợi và như vậy, về dài hạn khó có tăng trưởng bền vững”, bà Hoài nói. Tuy nhiên, bà Đặng Thu Hoài dự báo thời gian tới, VN sẽ hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, có những chuyển động, cải cách lớn để thực hiện các hiệp định thương mại với EU, Hàn Quốc, hiệp định TPP thì có khả năng kéo dài thời gian hoặc tránh rơi vào bẫy TNTB.

Trong khi đó, đề cập đến câu hỏi: “VN đã rơi vào bẫy TNTB hay chưa?”, nhiều chuyên gia kinh tế đã có những quan điểm khác nhau. Bà Victorya KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, khẳng định: “VN chưa rơi vào bẫy” do mới thoát khỏi nhóm nước thu nhập kém và vẫn có thời gian để nỗ lực, phát triển lên trình độ cao hơn. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, cũng đồng quan điểm này. Ông này cho rằng triển vọng phát triển của VN “không quá tồi và sẽ phục hồi” cùng với sự phục hồi kinh tế ở Mỹ và khu vực đồng euro và các bước tiến trong việc khắc phục những yếu kém trong hệ thống ngân hàng nội địa. “Tuy nhiên, việc VN có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, tức là cao hơn tăng trưởng do ADB dự báo còn phụ thuộc nhiều vào quá trình cải cách DN nhà nước, cải cách hệ thống tài chính – ngân hàng và đầu tư công. Nếu VN không làm được điều này thì việc rơi vào bẫy TNTB là điều chắc chắn”, ông Tomoyuki Kimura khuyến cáo.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định: “Ta hãy còn sĩ diện khi nói thẳng vào vấn đề này. Theo tôi là chúng ta đã rơi vào bẫy TNTB rồi”. GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, thì cho rằng chưa thể nói VN rơi vào bẫy TNTB vì VN mới đang ở mức TNTB thấp, các khảo sát, đánh giá về “nước dính bẫy TNTB” là với các nước đã có TNTB cao. Nhưng ông cũng cho rằng tình hình kinh tế hiện nay là trì trệ, cần phải sớm thoát ra, nếu không, vẫn kéo dài khoảng 15 năm nữa thì nguy hiểm.

Mạnh Quân