08/01/2025

Amiăng trắng độc hay không độc ?

Đó là vấn đề nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tranh luận tại Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học về tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người – biện pháp quản lý phù hợp” diễn ra hôm qua (10.12) tại Hà Nội.

 

Amiăng trắng độc hay không độc ?

 

 

Đó là vấn đề nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tranh luận tại Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học về tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người – biện pháp quản lý phù hợp” diễn ra hôm qua (10.12) tại Hà Nội.

 

 

Amiăng trắng độc hay không độc ?
Tấm lợp fibro xi măng được dùng phổ biến tại các vùng nông thôn, miền núi – Ảnh: Đan Hạ

 

Hội thảo do Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức.

WHO: chất độc gây nhiều loại ung thư

 

 
 

WHO rất quan tâm vấn đề sử dụng amiăng do đây là chất rất độc, hơn cả thuốc lá, có thể gây ra gánh nặng y tế cho thế giới. Tương lai con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nếu không ngừng sử dụng amiăng ngay bây giờ

 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế)

 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) dẫn hàng loạt các kết quả nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tất cả các loại amiăng, kể cả amiăng trắng được coi là chất ít độc nhất, đều gây ra ung thư phổi, thanh quản, trung biểu mô, buồng trứng, bụi phổi…

Để phòng tránh các nguy cơ ung thư do amiăng, chỉ có cách duy nhất là ngừng sử dụng vật liệu này vì không có bất cứ ngưỡng an toàn. Bà Huyền cho biết, ít nhất có 107.000 người chết hằng năm do ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trong nghề nghiệp. Amiăng là một trong những chất độc nguy hiểm nhất, chiếm 1/2 nguyên nhân số người tử vong do ung thư nghề nghiệp. Bên cạnh đó, có khoảng 400 ca tử vong mỗi năm do sử dụng các sản phẩm có chứa chất này. Hiện đã có 54 quốc gia cấm sử dụng tất cả các chất amiăng, đặc biệt là các nước EU. Tuy nhiên, ước tính trên thế giới vẫn có khoảng 125 triệu người đang tiếp xúc với amiăng tại nơi làm việc, chưa kể số lượng người sử dụng sản phẩm có vật liệu này.

Bà Huyền phân tích, amiăng xâm nhập vào cơ thể thông qua các đường hô hấp, ăn uống… thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 40 năm sau khi phơi nhiễm, nên rất khó để theo dõi, đánh giá hết mức độ nguy hiểm. Hiện chỉ còn duy nhất amiăng trắng được khai thác sử dụng phổ biến ở mức trên 2 triệu tấn/năm, nhiều nhất ở các nước Nga (1 triệu tấn), Trung Quốc (0,44 triệu tấn), Brazil (0,31 triệu tấn)…

VN cũng từng sử dụng phổ biến các loại amiăng nhưng đến nay chỉ cho phép dùng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng, cụ thể là sản xuất tấm lợp fibro xi măng. “WHO rất quan tâm vấn đề sử dụng amiăng do đây là chất rất độc, hơn cả thuốc lá, có thể gây ra gánh nặng y tế cho thế giới. Tương lai con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nếu không ngừng sử dụng amiăng ngay bây giờ”, bà Huyền khuyến cáo.

 

Amiăng trắng độc hay không độc ?

Amiăng trắng độc hay không độc ?
Sản xuất tấm lợp fibro xi măng trong nhà máy – Ảnh: Đan Hạ

 

Chuyên gia xây dựng: không độc

Ngược với quan điểm của WHO, tiến sĩ David Bernstein, chuyên gia về độc học hô hấp được Bộ Xây dựng mời từ Thụy Sĩ, cho rằng không thể lẫn lộn các loại amiăng với nhau do amiăng trắng không có khả năng gây ung thư như amiăng nâu và xanh. Không thể coi amiăng trắng là nguyên nhân gây ra các bệnh, do có kết cấu không bền nên khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị đào thải từ 3 – 15 ngày. Tiến sĩ David Bernstein còn dẫn các nghiên cứu, báo cáo khoa học của nhiều học giả trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 để chứng minh việc WHO “đánh đồng amiăng trắng với các loại khác là thiếu căn cứ”.

PGS-TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, cho biết thế giới hiện có hai luồng ý kiến, một bên cho rằng amiăng trắng có thể gây ung thư, cần cấm sản xuất, sử dụng và luồng ý kiến ngược lại. “Có trên 50 nước đã cấm sản xuất, sử dụng amiăng trắng, dân số các nước này tương đương 16% dân số thế giới. Như vậy, còn đến 84% dân số thế giới còn lại (khoảng 6,03 tỉ người) vẫn sản xuất và sử dụng amiăng trắng, chiếm đa số, trong đó có VN”, ông nói.

 

 
 

Có trên 50 nước đã cấm sản xuất, sử dụng amiăng trắng, dân số các nước này tương đương 16% dân số thế giới. Như vậy, còn đến 84% dân số thế giới còn lại (khoảng 6,03 tỉ người) vẫn sản xuất và sử dụng amiăng trắng, chiếm đa số, trong đó có VN

 

PGS-TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng

 

 

Cũng tại hội thảo, TS Lê Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng, công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tình hình sức khỏe người lao động trực tiếp tại xưởng sản xuất tấm lợp amiăng trắng ở VN. Theo đó, không có trường hợp nào mắc bụi phổi amiăng, ung thư, mà mới chỉ có tổn thương màng phổi. Bên cạnh đó, có tỷ lệ khá cao công nhân trực tiếp sản xuất mắc một số bệnh viêm mũi, họng, xoang, thanh quản mãn tính. Các bệnh về mắt, dạ dày, thận… cũng xuất hiện nhưng tỷ lệ không cao. Theo TS Hằng, tại xã Tân Trịnh, H.Quang Bình, Hà Giang là nơi có nhà máy sản xuất tấm lợp xi măng amiăng trắng, phần lớn các hộ dân đều sử dụng tấm lợp này nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư trong các năm qua không cao hơn các xã lân cận.

Đến từ Brazil, một nước sản xuất và sử dụng amiăng phổ biến từ đầu thế kỷ 20 tới nay, GS-TS-BS Ericson Bagatin cho biết có đến 60% nhà ở Brazil sử dụng tấm lợp có chứa chất này. Nhưng vấn đề rủi ro sức khỏe của người dân với chất amiăng “vẫn còn đang bàn luận”.

Chưa tìm được vật liệu thay thế

Bàn đến vật liệu thay thế, PGS-TS Bạch Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, nói từng có nhiều loại vật liệu được đề xuất như sợi khoáng, sợi thủy tinh, sợi hóa học, sợi thép, cao su nhân tạo, xenlulo… thậm chí cả giấy gia công chuyên dụng. Tuy nhiên, đến nay giá thành các loại vật liệu này khá cao so với amiăng trắng, để thay thế là rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh ở VN.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng “cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ, không bên nào đưa ra được các bằng chứng thuyết phục”. Do vậy, trước mắt vẫn sản xuất, sử dụng bình thường. “Cấm hay không cấm amiăng trắng còn phụ thuộc vào quá trình xem xét, tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, nhà khoa học đề xuất với Chính phủ. Nếu cấm thì cũng có lộ trình cụ thể”, ông Nam nói.

TS Lê Hồng Tịnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng luật Doanh nghiệp vừa ra đời không cấm sản xuất vật liệu amiăng trắng nên người dân không cần lo lắng. Nếu có cấm cũng sẽ phải trình ra Quốc hội để sửa luật Doanh nghiệp.

 

Nhẹ, bền, giá rẻ…

Ở VN, amiăng trắng được dùng trong tấm lợp fibro xi măng; má phanh ô tô, găng tay, quần áo chống cháy dùng cho lính cứu hỏa, áo chống đạn… Ở Nga và một số nước châu Âu không thuộc EU còn dùng amiăng trắng sản xuất ống dẫn nước sinh hoạt. Ở châu Á, Singapore và Đài Loan từng cấm sử dụng amiăng trắng nhưng nay đã cho dùng trở lại.

Amiăng trắng ở VN chủ yếu được sử dụng trong các loại tấm lợp, bắt đầu sản xuất từ năm 1963 tại Đồng Nai và TP.HCM. Đến nay, có hơn 40 cơ sở sản xuất fibro xi măng với công nghệ ướt truyền thống là chủ yếu. Hơn 50 năm qua, loại vật liệu này đã trở nên quen thuộc với người dân, nhu cầu sử dụng khoảng 80 – 90 triệu m2/năm (60% nhu cầu vật liệu lợp), sử dụng nhiều ở vùng nông thôn, miền núi (70% dân số trong nước dùng). Với ưu điểm nhẹ, bền, giá rẻ nên dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tiêu dùng vẫn là 100 triệu m2/năm.

 

 

PGS-TS Lương Đức Long cho biết sợi amiăng trắng được nhiều nước cho phép xuất nhập khẩu. Sợi này có các tính năng tốt: độ bền cơ học, tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu môi trường kiềm, cách điện, khó thủy phân, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ. Trên thế giới thống kê được khoảng hơn 3.000 sản phẩm có sử dụng amiăng trắng, ứng dụng trong các ngành vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ô tô, ngành hàng không, dược, dầu mỏ và hạt nhân, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may…

 

Lê Quân