11/01/2025

Thịt trâu nhập khẩu ‘đội lốt’ thịt bò

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, có khoảng 10.000 tấn thịt trâu nhập từ Ấn Độ, Úc… vào VN, nhưng trên thị trường, hầu như có rất ít cơ sở bày bán thịt trâu mà chủ yếu là thịt bò.

 

Thịt trâu nhập khẩu ‘đội lốt’ thịt bò

 

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, có khoảng 10.000 tấn thịt trâu nhập từ Ấn Độ, Úc… vào VN, nhưng trên thị trường, hầu như có rất ít cơ sở bày bán thịt trâu mà chủ yếu là thịt bò.

 

 

3 gói hàng thịt trâu trên đường vận chuyển từ Hà Nội đi Phú Thọ để bán thành thịt bò, bị thu giữ sáng 9.12
Ba gói hàng thịt trâu trên đường vận chuyển từ Hà Nội đi Phú Thọ để bán thành thịt bò, bị thu giữ sáng 9.12 – Ảnh: M.Q

 

Sáng 9.12, tại chợ Đồng Xuân, chúng tôi quan sát được một xe tải mang biển số 19L-60… có chuyển một số gói hàng nghi thịt trâu đông lạnh lên xe. Trong vai người mua hàng, chúng tôi tiếp cận hỏi mua, người lái xe đồng ý cho xem 3 gói hàng và cả 3 gói đều ghi rõ là thịt trâu, nhưng phần ghi nơi xuất xứ cũng đều bị xé mất góc. Một lúc sau, khi lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có mặt, người lái xe vội vàng lên xe bỏ chạy.

Cuộc rượt đuổi “thịt trâu”

Chúng tôi tiếp tục bám theo đoàn kiểm tra của QLTT (đội 13) đuổi theo và dừng được chiếc xe trên tại số 79 Hồng Hà (Hà Nội). Chủ xe và người lái xe thừa nhận số hàng trên không có hóa đơn, chỉ có một phiếu giao hàng không có chữ ký. Chủ xe cho biết, số hàng này được lấy từ kho đông lạnh tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) của Công ty An Việt giao cho một người chuyên làm tiệc cưới tại TP.Việt Trì (Phú Thọ) tên là Hồng. Liên lạc với số của người phụ nữ tên Hồng (số điện thoại 0164…), bà này cho biết đặt mua số hàng trên nhưng là thịt bò đông lạnh của một công ty có địa chỉ tại 888/77B Lạc Long Quân, Hà Nội. Tiếp tục đi tới địa chỉ này thì đây là địa chỉ “ma”.

 

 
 

Ông Đoàn Mạnh Dương, Tổng giám đốc Công ty Tân Đại Dương, mặc dù đã hẹn làm việc với đoàn công tác của Ban 389 vào sáng 9.12 nhưng đã đột ngột từ chối làm việc và đề nghị làm việc riêng với lãnh đạo Ban 389 và “chỉ làm việc với báo chí qua văn bản”.

 

 

Như vậy, cũng đã xác định được một bằng chứng cho thấy lượng thịt trâu do một số công ty nhập về đã được bán thành thịt bò. Theo ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả – NV), các đối tượng liên quan trong vụ vận chuyển số hàng này đã cố tình gian lận thương mại. Bước đầu, cơ quan chức năng đã có những cơ sở cho rằng có hàng ngàn tấn thịt trâu được bán với mác “thịt bò” cho các cơ sở, nhà hàng ăn uống, vỉa hè, cỗ cưới, thức ăn cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, các nhà máy.

Rơi mác thịt trâu, dán mác thịt bò

Trả lời Báo Thanh Niên chiều qua (9.12), ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 (QLTT Hà Nội), cho biết bước đầu cơ quan này cũng đã xác định ngoài Công ty An Việt, có một công ty khác đã cung ứng, bán thịt trâu với mác là thịt bò cho nhiều công ty (chủ yếu các công ty nước ngoài tại các khu công nghiệp) để phục vụ bữa ăn công nhân.

Chúng tôi tìm đến một địa chỉ nhập khẩu lớn thịt trâu vào VN là Công ty TNHH XNK thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương tại 315 Trường Chinh, Hà Nội. Theo số liệu của hải quan cung cấp, công ty này nhập khẩu số lượng thịt trâu rất lớn, chủ yếu từ Ấn Độ, khoảng 1.000 – 2.000 tấn/năm với giá nhập trung bình 1.940 USD/tấn (khoảng trên 40.000 đồng/kg). Trong 5 hóa đơn gần nhất (đầu tháng 12.2014) bán cho 5 doanh nghiệp: Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh (mua 380 kg), Công ty TNTM và đầu tư Âu Việt (280 kg), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tâm Trí (380 kg), Công ty cổ phần rau an toàn (400 kg) với giá chỉ khoảng 49.000 đồng/kg và Công ty cổ phần thương mại và hợp tác đầu tư Hà Nội mua nhiều nhất (15.000 đồng/kg với tổng giá trị 819 triệu đồng, giá 54.000 đồng/kg). Điều bất thường là giá mua trong những hóa đơn này chênh lệch không đáng kể so với giá nhập.

Đặc biệt, ông Trần Văn Khuê, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và hợp tác đầu tư Hà Nội, không thừa nhận đã mua hàng của Công ty Tân Đại Dương (hóa đơn chỉ ghi tên người bán hàng). Một cán bộ của công ty này cho biết, Công ty Tân Đại Dương chỉ là công ty nhập khẩu về phân phối, bán lại cho các công ty, đơn vị khác và hoàn toàn không biết lượng thịt trâu của công ty này bán đi đâu, dưới hình thức nào.

Nếu tính giá nhập khẩu thịt trâu chỉ khoảng 40.000 đồng/kg theo hồ sơ của hải quan nhưng bán thành thịt bò với giá 200.000 đồng/kg, người kinh doanh thu lợi rất lớn. Hơn nữa, theo cách thức vận chuyển hàng như PV Báo Thanh Niên chứng kiến sáng 9.12, mặt hàng này đã không được bảo quản đúng quy định (dưới 18 độ C), khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này.

 

Thịt trâu nhập khẩu vào bếp thành thịt bò

Ngày 4.12, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế – PA81, Công an Hà Nội kiểm tra nhà bếp của hai đơn vị cung cấp suất ăn tập thể cho công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long. Kết quả tất cả các món ăn gọi là “thịt bò” trong suất ăn của hàng ngàn công nhân thực chất là thịt trâu nhập khẩu. Mở rộng việc kiểm tra, nhóm công tác trên đã phát hiện tại kho đông lạnh trong khu công nghiệp Quang Minh (H.Mê Linh, Hà Nội) của Công ty An Việt có tới 3.000 thùng thịt trâu, theo kế hoạch sẽ cung cấp cho các bếp ăn tập thể của công nhân dưới dạng thịt bò. Tổng số hàng thịt trâu ở kho của công ty này, theo kiểm đếm ban đầu có 40 tấn nhưng không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng, một số hộp bao bì đã bị xé rách hoặc tẩy xóa.

 

Mạnh Quân