08/01/2025

Nhập than sau khi xuất ồ ạt

Theo thông tin từ Bộ Công thương, VN đang phải ký hàng loạt các hợp đồng nhập khẩu than, trong khi những năm qua, và ngay cả hiện nay, chúng ta ồ ạt xuất than.

 

Nhập than sau khi xuất ồ ạt

 

 

Theo thông tin từ Bộ Công thương, VN đang phải ký hàng loạt các hợp đồng nhập khẩu than, trong khi những năm qua, và ngay cả hiện nay, chúng ta ồ ạt xuất than.

 

 

Mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh
Mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đặc biệt, trong khi xuất đi các loại than chất lượng cao, thì nay VN đang phải nhập về loại than chất lượng thấp mà giá cả cao hơn.

 

 
 

Chúng ta đang phải trả giá cho những năm xuất khẩu than ồ ạt. Đáng buồn là chúng ta vẫn đang khai thác ở những chỗ dễ khai thác để xuất khẩu như các mỏ than ở Quảng Ninh. Xuất thì dễ nhưng nhập về thì khó khăn vì thiếu nguồn nhập, giá đắt, phải đầu tư lớn

 

Ông Nguyễn Thành Sơn
Giám đốc Ban Quản lý các dự án khai thác than đồng bằng sông Hồng (Vinacomin)

 

 

Cụ thể, Vinacomin (Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN) đã ký 10 biên bản ghi nhớ, 1 hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Úc; công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 thỏa thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Úc với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.

Mua cứ mua, bán vẫn bán

Thực tế từ năm 2011, VN đã bắt đầu nhập than với số lượng ban đầu là 9.500 tấn rồi con số này đã tăng chóng mặt. Năm 2013, chúng ta đã phải nhập khẩu than đá với số lượng khá lớn và mặt hàng này đã được đưa vào nhóm “cần nhập khẩu” trong bảng thống kê nhập khẩu hằng tháng của liên bộ: Công thương – Kế hoạch – Đầu tư – Tài chính.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, từ tháng 1 – 11.2014, VN đã nhập khẩu trên 2,8 triệu tấn than đá trị giá 338 triệu USD, tăng 44,7% về giá và 40,2% về lượng nhập so với cùng kỳ năm 2013 (năm 2013 nhập 2 triệu tấn than đá, trị giá 234 triệu USD). Khả năng trong năm nay, VN sẽ nhập trên 3 triệu tấn than là khá rõ ràng. Một quan chức của Vinacomin cho biết đến năm 2016, VN sẽ nhập khoảng 6 – 7 triệu tấn than mỗi năm. Số lượng nhập than sẽ tăng dần qua các năm đến năm 2020, VN sẽ nhập khẩu khoảng 35 triệu tấn than, tới năm 2030 là khoảng 135 triệu tấn.

Trong khi đó, tới giờ phút này số lượng xuất khẩu than thực tế vẫn rất lớn. 11 tháng qua, Vinacomin đã xuất đi 6,8 triệu tấn than đá, đạt kim ngạch 506 triệu USD, giảm 40,1% về lượng và 37,9% về kim ngạch so với năm 2013. Đó là chưa kể than xuất lậu, được nhiều báo cáo đánh giá, bằng khoảng 10% lượng xuất khẩu chính ngạch.

“Chúng ta đang phải trả giá cho những năm xuất khẩu than ồ ạt. Đáng buồn là chúng ta vẫn đang khai thác ở những chỗ dễ khai thác để xuất khẩu như các mỏ than ở Quảng Ninh. Xuất thì dễ nhưng nhập về thì khó khăn vì thiếu nguồn nhập, giá đắt, phải đầu tư lớn”, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án khai thác than đồng bằng sông Hồng của Vinacomin nhận xét.

Cảnh báo nhưng “bịt tai” không nghe

Nhưng việc nhập khẩu than đã được cảnh báo là không dễ dàng. Về nguồn than, các nước đều có xu hướng siết lại. Về phương tiện: tàu, bến cảng… phải đầu tư lớn.

 

 
 
Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than VN đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ đã đánh giá nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao: năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, VN sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.
 

 

Ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất than – khoáng sản VN, cho biết các loại than VN nhập về mấy năm nay và cả trong thời gian tới là loại than rất xấu vì các nước không chịu bán mỏ tốt cho chúng ta. Giá bán cũng rất đắt đỏ. Ngay cả việc liên doanh hay mua mỏ để khai thác ở nước ngoài cũng rất viển vông vì họ không đời nào chịu bán cho nước khác những mỏ tốt.

Điều này được ông Nguyễn Thành Sơn thừa nhận khi cho biết do nhập khẩu than rất khó khăn nên hiện nay, tập đoàn nào cũng phải tự lo cho mình mà không trông chờ gì vào Vinacomin. Ông Sơn nói: “VN đang quan tâm mua mỏ khai thác ở Indonesia, Úc, Nga… nhưng thực sự, rất không đơn giản vì ngay như Úc, để khai thác, mang than về được, phải đầu tư xây dựng cả đường bộ, đường sắt, mỏ, cảng… vô cùng tốn kém. Còn Nga thì quá xa xôi, phải vận chuyển từ đông Siberi về, chi phí rất đắt”. Ông Sơn cũng cho biết những khó khăn này đã được ông và nhiều chuyên gia kinh tế khác cảnh báo nhưng những người có trách nhiệm đã “bịt tai” không nghe.

Theo Vinacomin và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu về địa chất đánh giá, các mỏ than vùng đồng bằng sông Hồng (vùng này bao trùm các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên) có trữ lượng rất lớn. Có nơi công bố 200 tỉ tấn, có nơi cho là 100 tỉ tấn. Đây có thể là lối thoát cho tình trạng thiếu than sau này. Ông Nguyễn Trọng Khiêm cũng nói: “Bể than Quảng Ninh có trữ lượng lớn nhưng không còn có thể khai thác nhiều ở đó được. Thay vào đó phải xúc tiến nhanh dự án than đồng bằng sông Hồng. Không gì bằng của nhà trồng được”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Sơn, những nghiên cứu mới nhất cho thấy, trữ lượng chỉ khoảng 30 tỉ tấn và chỉ có thể khai thác tối đa 10 tỉ tấn. “Nhưng có khai thác được hay không, tôi cho là ít nhất phải mất hơn 10 năm nữa. Việc xin giấy phép, làm thủ tục thăm dò, khai thác mỏ mấy năm qua và hiện nay là cực kỳ khó khăn. Chúng tôi đã phải mất 4 năm để xin giấy phép ở Hưng Yên nhưng vừa rồi lại bị bỏ và lại đang phải xin giấy phép thăm dò, khai thác ở tỉnh Thái Bình, không biết bao giờ xong”, ông Sơn nói. Theo ông, ngay cả xin được giấy phép ở Thái Bình thì phải mất 10 năm mới bắt tay vào khai thác và mỗi năm cũng chỉ khai thác được 1 – 3 triệu tấn/than.

 

Hậu quả không đầu tư công nghệ

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Việc nhập khẩu than của một nước mạnh về xuất khẩu than như VN là nghịch lý. Đáng lẽ ra, hàng chục năm xuất khẩu than, VN phải đầu tư công nghệ khai thác sâu, quy hoạch thăm dò, tính toán nguồn than để sản xuất được than chất lượng tốt, chứ không để bây giờ phải nhập khẩu. Lâu nay ngành than chủ yếu khai thác các mỏ lộ thiên. Chỗ nào dễ thì khai thác hết, còn mỏ khó thì không đầu tư khai thác sâu. Đó là hậu quả của cơ chế nhiệm kỳ ở các doanh nghiệp nhà nước”.

Theo TS Hoàng Thọ Xuân, không thể biện hộ cho việc VN không khai thác được than chất lượng tốt nên phải nhập để trộn với than trong nước bán cho các nhà máy nhiệt điện, bởi ngành than không chịu nghiên cứu, đầu tư công nghệ tiên tiến để khai thác các mỏ sâu mà chỉ khai thác các mỏ lộ thiên, chất lượng thấp. Ngoài ra, nguồn than chất lượng tốt VN khai thác được cũng dành để xuất khẩu. Trong khi trữ lượng của than là cái không thể tái tạo. Ngành than cũng bất cập trong việc cân đối cung cầu, nên mới xảy ra chuyện vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu.

N.T.Tâm

 

Mạnh Quân