Bạo động bùng phát ở Mỹ
Thành phố Berkeley, bang California (Mỹ), đang trở thành “chiến trường” xung đột mới sau khi cảnh sát tại đây bị chỉ trích quá hăng hái trấn áp biểu tình.
Bạo động bùng phát ở Mỹ
Thành phố Berkeley, bang California (Mỹ), đang trở thành “chiến trường” xung đột mới sau khi cảnh sát tại đây bị chỉ trích quá hăng hái trấn áp biểu tình.
|
Trong khi cảnh sát tại thành phố Oakland vài tuần qua liên tục hứng chỉ trích do nương tay trước người biểu tình, khiến nhiều kẻ thừa cơ phá hoại được dịp đập phá và hôi của, thì cách tiếp cận cứng rắn hơn của các đồng nghiệp tại Berkeley càng khiến tình hình trên đường phố tệ hơn.
Ít nhất 1.000 người ngày 8.12 đã xuống đường diễu hành tại Berkeley trong đêm thứ 3 liên tiếp, làm tắc nghẽn giao thông tại đường cao tốc liên bang số 80 trong hơn 1 giờ. Chưa dừng lại ở đó, một số người đã tràn ngang đường ray, chặn đầu một đoàn tàu của tập đoàn đường sắt Amtrak trong đêm.
Những người biểu tình còn ném gạch đá về phía cảnh sát và đe dọa sẽ chiếm đóng Toà thị chínhBerkeley. Tổng cộng có hơn 150 người đã bị bắt ở California, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình vốn âm ỉ trên khắp nước Mỹ trong nửa tháng qua sau khi toà án quyết định không truy tố 2 cảnh sát da trắng về cái chết của 2 công dân da đen tại Ferguson, bang Missouri và thành phố New York. Tuy nhiên, bạo động ở Berkeley đã bộc phát vào đêm 6.12, sau khi một cuộc biểu tình do sinh viên Đại học California ở Berkeley tổ chức có sự tham gia của những kẻ quá khích.
Kết quả là kính cửa sổ một loạt các cửa hiệu ở khu trung tâm bị đập nát, một số người ném gạch đá về phía cảnh sát, và lực lượng an ninh đã nhanh chóng phản công bằng cách bắn đạn hơi cay, sử dụng dùi cui giải tán đoàn người đang hăng máu.
Bạo động bùng phát ở Mỹ và cảnh sát bị cáo buộc đã quá hăng hái trấn áp biểu tình- Ảnh: AFP |
Theo trang tin San Jose Mercury News, thậm chí một vài phóng viên cũng trúng đòn của cảnh sát khi đang đưa tin tại hiện trường. Trong khi đó, biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra tại thủ đô Washington và thành phố New York. Tại Washington, nhiều người biểu tình đã nằm giữa một con đường cách Nhà Trắng vài khu nhà, gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm, theo CNN.
Trong một động thái nhằm xoa dịu dư luận, Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman ngày 8.12 tuyên bố sẽ tìm cách điều tra mọi trường hợp công dân không vũ trang chết dưới họng súng của cảnh sát tại bang này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder công bố một loạt các điều chỉnh đối với lực lượng tư pháp liên bang nhằm làm gương cho cảnh sát tiểu bang khi xử lý các đối tượng, theo đó loại bỏ các yếu tố như màu da, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân… trong quá trình điều tra.
Tổng thống Barack Obama hôm qua cũng lên tiếng khẳng định ông ủng hộ các cuộc biểu tình nhưng với điều kiện chúng diễn ra một cách ôn hoà.
Thụy Miên