10/01/2025

Thất bại của Quốc dân đảng và vấn đề biển Đông

Giới phân tích cho rằng kết quả bầu cử vừa qua ở Đài Loan sẽ tác động lớn tới quan hệ Đài – Trung và tình hình biển Đông trong vài năm tới.

 

Thất bại của Quốc dân đảng và vấn đề biển Đông

 

 

Giới phân tích cho rằng kết quả bầu cử vừa qua ở Đài Loan sẽ tác động lớn tới quan hệ Đài – Trung và tình hình biển Đông trong vài năm tới.

 

 

 DPP được cho là sẽ có lợi thế trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016 - Ảnh: Reuters
DPP được cho là sẽ có lợi thế trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016 - Ảnh: Reuters

Hồi cuối tuần, cựu Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc Lưu Tinh Tùng tuyên bố tại một hội thảo do Hoàn Cầu thời báo tổ chức rằng nước này “không bao giờ từ bỏ việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, nếu điều đó cần thiết” và “Dù ai có quyền lực chính trị ở Đài Loan thì con đường duy nhất là duy trì sự phát triển quan hệ hòa bình giữa 2 bên bờ eo biển và cuối cùng đưa đến tái thống nhất”.

Theo các chuyên gia, những tuyên bố của một sĩ quan cấp cao mang hàm thượng tướng tại sự kiện do một tờ báo giàu ảnh hưởng của Trung Quốc như Hoàn Cầu thời báo đã thể hiện sự sốt ruột và căng thẳng của Bắc Kinh sau thất bại nặng nề của Quốc dân đảng (KMT) trước đảng Dân tiến (DPP) trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua tại Đài Loan.

Với sự lãnh đạo của ông Mã Anh Cửu và KMT ở Đài Loan, quan hệ giữa 2 bên bờ eo biển được cải thiện rõ rệt với nhiều thỏa thuận hợp tác về thương mại, du lịch… Ngược lại, DPP luôn chủ trương chống Bắc Kinh và quyết liệt đòi “độc lập thật sự” cho Đài Loan.

Theo chuyên gia Robert Manning tại Trung tâm an ninh quốc tế Brent Scowcroft (Mỹ), với chiến thắng vừa qua, DPP có thể sẽ tạo được đà để tiếp tục qua mặt KMT trong cuộc bầu cử lãnh đạo mới năm 2016. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi KMT tuyên bố “cải tổ mạnh mẽ” sau thất bại vừa qua nhưng rốt cuộc vẫn gần như giữ nguyên những gương mặt cũ trong chính quyền.

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu - Ảnh: Reuters 

Nếu vị thế cầm quyền ở Đài Loan thật sự đổi chủ trong năm 2016 thì đây sẽ là “cơn ác mộng” cho Bắc Kinh, theo phân tích của ông Manning đăng trên chuyên trang The National Interest.

Trong giai đoạn cầm quyền của DPP và nhà lãnh đạo Trần Thủy Biển (2000 – 2008), quan hệ Đài Bắc – đại lục “căng như dây đàn”. Lúc đó, ông Trần giải tán một ủy ban về vấn đề thống nhất còn Trung Quốc ra luật chống ly khai, hợp thức hóa chính sách cho phép sử dụng “các biện pháp phi hòa bình” để ngăn chặn Đài Loan độc lập. Do đó, nếu DPP trở lại thì các thỏa thuận hợp tác lâu nay có nguy cơ bị hủy bỏ còn kỳ vọng về đối thoại chính trị coi như tiêu tan.

Theo nhiều nguồn tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vô cùng chú trọng vào việc bắt đầu đối thoại về chính trị với Đài Loan từ năm 2020 và coi đây là bước đệm quan trọng để tiến tới thống nhất theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Ảnh hưởng đến biển Đông

Chuyên gia Manning suy đoán trong trường hợp xấu nhất thì Đài Loan sẽ trở thành điểm nóng an ninh đáng quan ngại nhất ở châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2016. Bản thân Chủ tịch Tập từng tuyên bố sẽ không dung thứ cho việc Đài Loan đòi độc lập, theo CNA. Nếu con đường đối thoại bị chặn và quan hệ hai bên bờ eo biển xấu đi thì giải pháp quân sự, hoặc chí ít là đe dọa quân sự, sẽ được xem xét và Mỹ sẽ không thể ngồi yên.

Viễn cảnh như vậy sẽ vừa có lợi lại vừa bất lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Theo Manning và một số chuyên gia phương Tây, trong mắt Trung Quốc, Đài Loan luôn là mục tiêu được ưu tiên hơn. Do đó, khi tình hình trở nên căng thẳng, có thể nước này sẽ tạm chuyển phần lớn nguồn lực khỏi biển Đông, giảm bớt các hành động gây quan ngại và có một số nhượng bộ nhất định để tránh chịu áp lực từ 2 hướng.

Khi quan hệ Trung – Đài trở nên căng thẳng, có thể Bắc Kinh sẽ tạm chuyển phần lớn nguồn lực khỏi biển Đông, giảm bớt các hành động gây quan ngại – Ảnh: Độc Lập

Đây sẽ là cơ hội để các bên khác yêu cầu Trung Quốc cam kết tuân thủ các thỏa thuận và quy tắc có tính ràng buộc đối với biển Đông. Tuy nhiên, sẽ có bất lợi là dư luận quốc tế cũng lại tập trung chú ý vào Đài Loan nên các bên cần đề cao cảnh giác trước mọi hành vi “lén lút”.

Một nhân tố khác cũng không thể bỏ qua là chủ trương của DPP. Ngày 8.12, báo mạng WantChinaTimes dẫn lời Chủ tịch đảng Thái Anh Văn tuyên bố nếu trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2016, DPP sẽ phát triển Ba Bình thành căn cứ cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo quốc tế. Đây là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của VN nhưng hiện bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp và chủ trương trên rõ ràng vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Song song đó, DPP tuyên bố vấn đề biển Đông phải được giải quyết thông qua cơ chế đa phương và cực lực phản đối việc Đài Loan – đại lục gác lại bất đồng, cùng hợp tác về vấn đề biển Đông để “ứng phó bên ngoài một cách thống nhất”.

Theo tờ Taiwan News, DPP lập luận rằng “đối thoại song phương không giải quyết được vấn đề tranh chấp mà còn gửi sai thông điệp tới cộng đồng quốc tế”.

Văn Khoa