08/01/2025

Gọi vốn tư nhân vào hạ tầng

Trước tình trạng hàng loạt dự án hạ tầng xếp hàng chờ vốn, hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT) đang được TP.HCM và một số địa phương đưa ra nhằm kêu gọi nguồn vốn tư nhân tham gia vào hạ tầng.

 

Gọi vốn tư nhân vào hạ tầng

Trước tình trạng hàng loạt dự án hạ tầng xếp hàng chờ vốn, hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT) đang được TP.HCM và một số địa phương đưa ra nhằm kêu gọi nguồn vốn tư nhân tham gia vào hạ tầng.

 

 

Hợp đồng BT đang được triển khai xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) với kỳ vọng tạo sức lan tỏa kéo nhà đầu tư vào dự án này – Ảnh: Đình Dân

Mới đây, đại diện UBND TP.HCM đã ký kết hợp đồng BT cho một chủ đầu tư bất động sản với trị giá hợp đồng hơn 8.000 tỉ đồng, đồng thời tiếp tục xem xét ký BT với một tập đoàn khác.

Kỳ vọng vực dậy khu đô thị “đóng băng”

Khác với nhiều năm trước, những ngày này khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) bắt đầu manh nha thành hình với những công trình xây dựng đường sá, nhà cao tầng đang ngày đêm thi công.

“Có hơn 6.000 công nhân đang làm việc trên công trường. Chúng tôi đã giải ngân hơn 7.000 tỉ đồng vào đây, cày từng mỏm đất mong vực dậy khu đô thị để hoang bao năm nay thành một khu đô thị kiểu mẫu” – ông Trần Bá Dương, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, một trong những chủ đầu tư tại khu đô thị này, bày tỏ tâm huyết.

Chỉ cách đây mấy ngày UBND TP.HCM đã ký kết hợp đồng BT dự án bốn tuyến đường chính, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Theo đó, để đổi lấy khoảng 80ha đất xây dựng khu đô thị với biệt thự, nhà cao tầng, khách sạn năm sao thì chủ đầu tư này sẽ phải xây dựng bốn tuyến đường chính kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với khu vực quận 1 và các vệ tinh lân cận. Tổng vốn thực hiện hợp đồng BT này lên đến 8.265 tỉ đồng.

Nhận thấy tiềm năng khu này nên chủ đầu tư tiếp tục đóng trực tiếp bằng tiền mặt vào ngân sách thành phố số tiền 800 tỉ đồng để được giao 11 lô đất thuộc khu chức năng số 6 phía bắc đường Mai Chí Thọ trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích hơn 20ha, để xây dựng một khu đô thị khác mang tên thương mại Sala.

Trong thời điểm này UBND TP.HCM cũng đang xem xét đề xuất của Tập đoàn Vingroup về đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số tuyến đường bị ngập tại TP.HCM cũng theo hình thức BT.

Cụ thể Vingroup đề xuất cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây dựng tuyến đường ven sông từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui bên dưới dạ cầu Sài Gòn và mở rộng đường Ung Văn Khiêm.

Được biết, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm thuộc giai đoạn 2 của dự án thành phần cầu đường Bình Triệu 2, nhiều năm qua không triển khai được do thiếu vốn và không có nhà đầu tư nên các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Ngô Tất Tố nằm trong danh sách những điểm ngập nước nặng tại TP.HCM.

Theo Vingroup, việc thực hiện nhiều tuyến đường dưới hình thức BT sẽ là một giải pháp cho tình trạng các dự án “đắp chiếu” kéo dài nhiều năm qua.

Theo số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, vừa qua thành phố đã xây dựng một danh mục lên đến 26 dự án trong lĩnh vực giao thông đầu tư theo hình thức BT, BOT hoặc BOT kết hợp BT với tổng mức đầu tư ước tính trên 92.000 tỉ đồng.

Giải pháp tình thế

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng hình thức BT hiện nay chủ yếu dưới dạng đổi đất lấy hạ tầng nhằm giải quyết bài toán vốn trong thời điểm ngân sách eo hẹp như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Thành lưu ý vấn đề then chốt khi ký hợp đồng BT giữa chính quyền với nhà đầu tư là năng lực tài chính của chủ đầu tư đến đâu, đồng thời giá trị đất được định giá như thế nào, và cơ chế giao dự án là cơ chế xin cho hay cơ chế đấu thầu?

“Thường các dự án theo hình thức BT chỉ giao cho một chủ đầu tư nên giá trị đất đó không biết là định giá như thế nào, đồng thời chủ đầu tư ít bị ràng buộc với tính khả thi của dự án”.

Ông Thành chỉ ra rằng khi nhà đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, để đảm bảo dự án khi đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả thì những cơ chế như PPP (công – tư), BOT đảm bảo hơn vì gắn lợi ích của nhà đầu tư với tính khả thi của dự án.

Trong khi đó, theo ông Lâm Nguyên Khôi – phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, việc ký BT cho Đại Quang Minh vào khu Thủ Thiêm kỳ vọng tạo cú hích, sức lan toả kéo các nhà đầu tư khác đầu tư vào đây.

“Điều đặc biệt là dự án Thủ Thiêm gần như không sử dụng tiền ngân sách để đền bù mà chủ yếu đi vay, từ đó TP đề xuất Chính phủ cho cơ chế lựa chọn nhanh nhà đầu tư để hoàn vốn nhanh cho ngân hàng” – ông Khôi nói.

Thiếu quỹ đất sạch

Trong thời điểm hiện nay, theo ông Lâm Nguyên Khôi, TP không có đất sạch để làm đổi đất lấy hạ tầng mà chủ yếu là đất chưa đền bù.

“Hiện nay cũng có vài dự án kêu gọi BT nhưng chưa có đất sạch nên nhà đầu tư vẫn chần chừ”, ông Khôi nói.

Riêng trong lĩnh vực giao thông cũng có một số đơn vị đang tham gia đăng ký BT làm đường vành đai hai nối cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái trên xa lộ Hà Nội và cả đường từ đây đến Gò Dưa. TP đang sử dụng các quỹ đất hai bên đường để mời gọi nhà đầu tư nhưng vẫn chưa chọn được nhà đầu tư.

ĐÌNH DÂN