06/01/2025

Vũ khí của Nga ở Bắc cực

Di sản vũ khí kế thừa từ thời Chiến tranh lạnh cho phép Nga chuẩn bị kỹ lưỡng trước khả năng xảy ra chiến tranh ở Bắc cực.

 

Vũ khí của Nga ở Bắc cực

 

 

Di sản vũ khí kế thừa từ thời Chiến tranh lạnh cho phép Nga chuẩn bị kỹ lưỡng trước khả năng xảy ra chiến tranh ở Bắc cực.

 

 

Tàu ngầm lớp Akula hoạt động liên tục trong lòng biển Bắc Băng Dương
Tàu ngầm lớp Akula hoạt động liên tục trong lòng biển Bắc Băng Dương

Suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô dành một phần lớn ngân sách quốc phòng để chuẩn bị cho khả năng xung đột tại Bắc cực, cả trên biển, trong lòng đại dương lẫn trên không.

Nhiều loại vũ khí từ thời đó vẫn được duy trì đến nay, mang lại lợi thế đáng gờm cho Moscow. Dưới đây là 5 hệ thống nằm trong kho vũ khí dành cho “mặt trận” Bắc cực, theo tạp chí National Interest, trong trường hợp nổ ra nguy cơ xung đột.

Tàu phá băng

Loại tàu quan trọng nhất và không thể thay thế cho các cuộc hành trình đến Bắc cực là tàu phá băng. Nga đang nắm trong tay hạm đội tàu phá băng uy lực nhất thế giới, gồm 37 chiếc, chưa tính 4 chiếc đang đóng và 9 chiếc đã được lên kế hoạch.

Mặc dù con đường đến Bắc cực trở nên dễ dàng hơn trước đây nhờ tình trạng ấm lên toàn cầu, hiện tượng băng trôi theo hướng bất thường khiến tàu phá băng trở thành vũ khí lợi hại nhất cho các mục tiêu quân sự lẫn dân sự.

Cả tàu chiến lẫn tàu khai thác thương mại đều cần sự hỗ trợ của tàu phá băng khi hoạt động tại vùng biển này. Trong tương lai gần, Nga là nước được trang bị tốt nhất để trở thành “người bảo hộ” tại các tuyến hành trình nguy hiểm ở Bắc cực.

 

Tàu phá băng 50 Let của hải quân Nga  - Ảnh: Russia Army
Tàu phá băng 50 Let của hải quân Nga  – Ảnh: Russia Army

 

Nước này hiện có 4 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, có tầm hoạt động đủ sức hỗ trợ các sứ mệnh viễn chinh của quân đội xuyên suốt Bắc cực. Hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga vừa kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trong tuần qua. Theo ITAR-Tass, Liên Xô trình làng tàu phá băng hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Lenin vào ngày 9.12.1959.

Thành viên được bổ sung gần đây nhất vào hạm đội là chiếc 50 Let Pobedy, tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay. Đến năm 2017, dự kiến Nga sẽ hạ thủy chiếc Baltiysky Zavod, tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới, chiếc đầu tiên của lớp tàu phá băng thế hệ mới nhất LK-25. Ngoài ra, Nga cũng sở hữu nhiều tàu phá băng chạy nhiên liệu thường cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Trong khi đó, Mỹ hiện chỉ có 5 tàu phá băng các loại, còn Canada có khoảng 6 tàu tương tự.

Tàu ngầm hạt nhân Akula

Đôi lúc, cách tốt nhất khi đối mặt với biển băng khổng lồ là tránh đụng đầu với nó. Hải quân Mỹ, Anh và Liên Xô chen chúc với nhau dưới lòng biển Bắc cực trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi các tàu ngầm Liên Xô và tàu ngầm NATO liên tục phát hiện vị trí của nhau. Tàu ngầm Nga có đầy kinh nghiệm hoạt động tại vùng biển phía bắc, đồng thời nhận được sự hỗ trợ xuyên suốt từ các căn cứ thời Liên Xô dọc theo vành đai Bắc cực, như trên quần đảo New Siberian, đảo Kotelny ở Bạch Hải…

Tàu ngầm tấn công hạt nhân hàng đầu của Nga lâu nay vẫn là Akula, “quái vật” của lòng biển, mang theo kho vũ khí khổng lồ. Akula được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, phù hợp loại ngư lôi 53 hoặc tên lửa SS-N-15 Starfish, 4 ống phóng ngư lôi 650 mm dành cho ngư lôi loại 65 hoặc tên lửa SS-N-16 Stallion.

Ngoài ra nó còn mang theo từ 1 – 3 bệ phóng tên lửa phòng không SA-N-10 Igla-M (khai hỏa khi tàu nổi), các tên lửa hành trình RK-55 Granat. Dù được chế tạo trong thập niên 1980, Akula có thể hoạt động hiệu quả trong vai trò chống tàu ngầm (cả trong điều kiện dưới tầng băng hoặc hoạt động xa bờ).

Trong số 9 tàu ngầm Akula đang hoạt động, Hạm đội phương Bắc nắm giữ 6 chiếc và thường xuyên triển khai dưới lớp băng dày.

Siêu tiêm kích MiG-31

Thậm chí trong trường hợp băng hoàn toàn biến mất, điều kiện tại Bắc cực sẽ khiến các nhóm tác chiến tàu sân bay gặp trở ngại lớn, làm tăng tầm quan trọng của máy bay chiến đấu có căn cứ trên bộ.

Nằm phục sẵn và nhanh chóng xuất kích từ các căn cứ dọc theo vành đai Bắc cực, siêu tiêm kích MiG-31 Foxhound có thể giúp không quân Nga kiểm soát vùng trời rộng lớn. Là máy bay đánh chặn siêu âm, MiG-31 được thiết kế để săn tìm và tiêu diệt máy bay ném bom của Mỹ trong trường hợp đối phương tìm cách chọc thủng mạng lưới phòng không của Liên Xô.

So với đời máy bay trước là MiG-25, MiG-31 được trang bị ra đa hiện đại hơn và có khả năng di chuyển linh hoạt hơn.

Tất nhiên, MiG-31 khó địch lại các đời máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 và 5 của Mỹ, nhưng do thiếu căn cứ, chúng hầu như chẳng thể nào xuất hiện ở vùng trời Bắc cực. MiG-31 có thể đạt đến vận tốc mach 2,83 (2.993km/giờ) nếu ở độ cao 20.421m, với bán kính tác chiến khoảng 1.450 km.

Hải quân và không quân Nga hiện có tổng cộng khoảng 200 chiếc MiG-31 và nước này đang tiến hành khôi phục, cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các căn cứ không quân tại Bắc cực.

Máy bay ném bom Tu-95/Tu-142

Tu-95 Bear là một trong những máy bay chiến đấu cổ nhất vẫn còn được sử dụng đến nay. Giống như oanh tạc cơ B-52 của Mỹ, Tu-95 Bear hoạt động trong môi trường chiến lược khác xa với tầm nhìn của các kỹ sư chế tạo vào thập niên 1950. Tuy nhiên, cũng như B-52, Tu-95 đã chứng tỏ tầm bay hết sức linh hoạt và các phiên bản khác của nó được Nga dùng cho mục đích tuần tra biển từ lâu. Chiếc Tu-95 và phiên bản trên biển Tu-142 được đặt tại các căn cứ lạnh giá ở Bắc cực, nơi cách xa các căn cứ trên đất liền và hoạt động của tàu sân bay bị vô hiệu hóa.

Ở phiên bản Tu-95, Bear có thể mang theo tên lửa hành trình đối hạm và đối đất. Trong khi đó, phiên bản hải quân Tu-142 có thể triển khai các sứ mệnh chống tàu ngầm. Với bán kính tác chiến lên đến 4.800km, Bear vượt xa tầm bay của các chiến đấu cơ trên bộ lẫn trên tàu sân bay, cho phép nó hoạt động tự do mà không bị phe địch đánh chặn. Nga dự định sẽ tiếp tục khai thác Bear thêm vài thập niên nữa.

Lực lượng đặc biệt

Bắc Băng Dương thiếu những vùng đất đai rộng lớn và cộng đồng dân cư quá ít ỏi. Khí hậu khắc nghiệt tại đây khiến những hòn đảo lớn nhất trong khu vực không có người sinh sống.

Trong điều kiện này, bộ binh hoặc các binh đoàn thiết giáp hoàn toàn chẳng khả thi. Thay vào đó, cần có những lực lượng đặc biệt cơ động và thiện chiến, và các đội quân đặc biệt của Nga từ lâu đã chuẩn bị cho các trận chiến tương lai ở Bắc cực.

Thời Chiến tranh lạnh, các đội đặc nhiệm tinh nhuệ Spetsnaz đã được huấn luyện để tấn công các cứ điểm NATO tại Na Uy, quần đảo Faroe (Đan Mạch), Iceland và những nơi khác. Trong vài năm gần đây, Nga bắt đầu đẩy mạnh công tác huấn luyện các đội đặc nhiệm cho địa hình Bắc cực.

Thụy Miên