Khôn khéo để bảo vệ chủ quyền
Tên ông Trần Văn Truyền được lặp đi lặp lại trong ý kiến của cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) tại cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 6-12.
Khôn khéo để bảo vệ chủ quyền
Tên ông Trần Văn Truyền được lặp đi lặp lại trong ý kiến của cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) tại cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 6-12.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa phải) tiếp xúc cử tri – Ảnh: Việt Dũng |
Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quyết tâm, quyết liệt tìm ra nhiều “ông Trần Văn Truyền” khác.
Không có vùng cấm, không nhân nhượng
Cử tri Nông Quang Lập nhận xét trong chống tham nhũng cứ nói là hạn chế, nhưng không nêu ra được tại sao hạn chế. Ông Lập đề nghị cần trả lời rõ là việc ông Truyền bổ nhiệm 60 lãnh đạo (Thanh tra Chính phủ) trước khi về hưu có tiêu cực, đút lót không? Đề nghị Ban Bí thư kiểm tra xem ông Truyền có còn đủ tư cách đảng viên không?
Cử tri TRẦN VIẾT HOÀN (nguyên giám đốc khu di tích Phủ chủ tịch):
Chống tham nhũng như ở Trung Quốc và Singapore Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu phát biểu về tệ tham nhũng đã làm hả lòng hả dạ cử tri chúng tôi. Nhân dân chúng tôi trông chờ hơn nữa vào các đại biểu sẽ góp phần quyết định vào việc đánh gục loại giặc nội xâm đang làm khổ dân, làm điêu đứng đất nước, làm mất thanh danh, uy tín của đảng, Nhà nước. Tôi mạo muội xin được đề xuất: trong cuộc chống giặc nội xâm của ta cũng nên học cách truy quét bọn tham nhũng ở Trung Quốc và cũng nên chú ý đến cách của Singapore. Ở Singapore, một ông bộ trưởng nhận của một nhà buôn Indonesia quà biếu bảy vé máy bay để đưa người nhà đi du lịch, ông này sau đó bị phát hiện và bị xử tù bốn năm. Có người hỏi sao xử nặng thế, ông Lý Quang Diệu – nguyên thủ tướng Singapore – trả lời: “Tham nhũng, hủ bại sẽ làm suy đồi đảng cầm quyền của chúng ta, nếu không trừng trị nghiêm sẽ làm cho đảng sụp đổ”. |
“Chúng tôi họp chi bộ và thảo luận thì thấy ông Truyền không còn đủ tư cách người đảng viên nữa, cần phải khai trừ. Mong các đồng chí tích cực hơn để tìm ra nhiều Trần Văn Truyền khác nữa” – ông Lập bày tỏ.
Còn cử tri Bùi Văn Lăng bức xúc: “Ông Truyền nguyên là tổng thanh tra, người đứng đầu tham mưu chống tham nhũng mà như vậy, tức ông Truyền là người canh đền lại tự tay mình đốt đền. Những câu hỏi xung quanh vụ ông Truyền vẫn chưa được giải đáp hết. Có phải chúng ta vẫn sợ rút dây động rừng, ném chuột vỡ mất bình quý hay không?”.
Phúc đáp ý kiến cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước không thay đổi, không có vùng cấm và không bao giờ nhân nhượng, tuy kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nhưng chống tham nhũng cũng phải đảm bảo ổn định chính trị để phát triển.
“Vừa rồi có chuyện nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có mấy cái nhà rồi các thứ gì đấy, rồi tranh thủ trước khi về hưu đề bạt các thứ, chúng ta đã công khai, đăng lên báo cả kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Phải làm đúng pháp luật, đúng quy định của Đảng và Nhà nước, không để bị lợi dụng. Bây giờ không thận trọng, một sự việc này lại suy ra bao nhiêu các thứ, rồi bảo hỏng hết thì thật là nguy hiểm. Việc nào phải đi việc đấy. Tập trung vào xử lý cho nghiêm” – Tổng bí thư giải thích.
Trong vụ việc này, Tổng bí thư thừa nhận là việc kiểm tra, công bố kết quả hơi lâu, Ban Bí thư cũng thúc giục rất nhiều. Ngay cả việc có khai trừ Đảng ông Truyền hay không thì cũng đang trong quá trình xem xét.
Để cảnh tỉnh, răn đe
Cử tri Nguyễn Minh Trung cho rằng kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã làm được rất nhiều việc quan trọng, điển hình như kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất công tâm, khách quan, chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, cử tri hài lòng.
“Tuy nhiên, cử tri vẫn chưa đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm với ba mức phiếu. Đưa ra ba mức, các đại biểu Quốc hội rất khó đánh giá, đã tín nhiệm rồi còn cao với thấp. Cử tri thấy rằng lấy phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm là tốt nhất” – ông Trung bày tỏ.
Cử tri Nguyễn Văn Hồi thì phê bình các đại biểu Quốc hội họp hành không nghiêm túc, dẫn đến tình trạng “xem tivi nhiều hôm thấy hội trường vắng đến hơn 1/3”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện trình độ, trí tuệ đối với những công việc chung, với những vấn đề đại sự quốc gia. “Các bác, các đồng chí theo dõi rất kỹ, thậm chí là các đại biểu vắng họp thế nào, đại biểu ngủ gật ra sao, ai phát biểu hay ai phát biểu dở…” – ông nhận xét.
Liên quan đến chuyện đại biểu Quốc hội vắng họp nhiều, Tổng bí thư giải thích rằng do Quốc hội nước ta chỉ có 1/3 đại biểu là chuyên trách, còn lại là đại biểu giữ các trọng trách quan trọng, có nhiều công việc cần phải giải quyết. Tuy vậy, Tổng bí thư nói sẽ báo cáo lại Quốc hội để yêu cầu các đại biểu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư giải thích rõ: “Có nhiều ý kiến chưa đồng tình ba mức, nói rằng chỉ nên hai thôi. Tôi đã giải thích nhiều lần rồi. Lấy phiếu là để thăm dò tín nhiệm, tác dụng là kịp thời khuyến khích, động viên, nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe. Tác dụng là như vậy.
Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Đây là một kênh để Đảng xem xét, đánh giá cán bộ, công tác cán bộ là công tác của Đảng. Còn bỏ phiếu tín nhiệm thì khi lấy phiếu thấy anh tín nhiệm quá thấp rồi thì tôi đem ra bỏ phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức.
Lấy phiếu tín nhiệm là tôi mở đường cho anh tiến bộ, còn khi lấy phiếu mà thấp quá rồi mà đem ra bỏ phiếu tín nhiệm thì có nghĩa là đem ra bãi miễn đấy. Tôi đã cảnh tỉnh, răn đe anh rồi mà nếu anh không rút kinh nghiệm thì tôi truất quyền của anh đi.
Nghị quyết cũng đã được Quốc hội thông qua rồi, với tỉ lệ tán thành cao. Cái hay của chúng ta là lấy phiếu tín nhiệm, bởi trên thế giới cũng không ai làm thế”.
Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Cử tri Nguyễn Minh Trung nêu quan điểm: “Cần phải kiên quyết hơn trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cử tri rất chú ý đến hành động của Trung Quốc cơi nới, tôn tạo, xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo. Đề nghị Quốc hội có hình thức đấu tranh cao hơn, có thể đưa ra tòa án quốc tế để kiện Trung Quốc”.
Cử tri Nguyễn Văn Hiệp nói: “Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, càng có nhiều hành động cho thấy dã tâm của Trung Quốc cướp trọn Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta và độc chiếm biển Đông. Phải bảo vệ bằng được chủ quyền. Phải có lộ trình để từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”.
Giải thích với cử tri, Tổng bí thư nói rằng xung quanh vấn đề biển Đông có ý kiến nói là chúng ta mềm quá, phải kiên quyết hơn nữa.
“Vậy kiên quyết hơn thì phải làm thế nào? Đây là vấn đề rất lớn và trung ương chỉ đạo chặt chẽ. Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thì Bộ Chính trị họp liên tục. Chúng ta phối hợp rất nhiều biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để đấu tranh…
Chúng ta phải cân nhắc, thận trọng để giữ được độc lập chủ quyền, nhưng phải giữ cho được chế độ, đảm bảo Đảng lãnh đạo, đảm bảo môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được hòa hiếu với các nước, trong đó có Trung Quốc” – ông nói.
Tổng bí thư đề nghị cử tri phải rất tỉnh táo, khôn khéo để xử lý, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Bình tĩnh khôn khéo đạt được mục đích của mình. Còn phải rất lâu dài chứ không phải một trận mà xong.