06/01/2025

Bất lực với hàng dỏm, hàng giả: Gian nan tìm hàng thật

Sau loạt bài chuyên đề hàng giả báo Tuổi Trẻ đề cập trong thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc trước tình trạng hàng giả tràn lan như hiện nay, biện pháp nào giúp họ giảm thiểu rủi ro khi mua sắm.

 

Bất lực với hàng dỏm, hàng giả: Gian nan tìm hàng thật

 

Sau loạt bài chuyên đề hàng giả báo Tuổi Trẻ đề cập trong thời gian qua, nhiều bạn đọc thắc mắc trước tình trạng hàng giả tràn lan như hiện nay, biện pháp nào giúp họ giảm thiểu rủi ro khi mua sắm.

 

 

 

Quản lý thị trường TP.HCM tiêu hủy hàng ngàn bao bì, tem nhãn thuốc bảo vệ thực vật nhái thương hiệu – Ảnh: Lê Sơn
Nếu nhìn qua loa, rất khó phân biệt bởi trên dây cáp giả đều in dòng chữ mang thương hiệu của công ty

Ông TĂNG TUẤN CƯỜNG
(phó giám đốc Công ty Tân Nghệ Nam)

Các luật sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan chống hàng giả đều khẳng định: rất khó, vì hàng giả có muôn hình vạn trạng.

Cẩn thận cũng dính “bẫy”

Đã nghe nhiều cảnh báo về tình trạng hàng giả nên anh Minh Hùng (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) cất công tìm mua máy tính Casio với tem nhãn chống hàng giả cho con gái. Nhưng khi thực hiện các phép tính khá đơn giản, máy tính vẫn cho kết quả không chính xác và liên tục tắt nguồn.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP XNK Bình Tây (Bitex) – đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm máy tính này, xác nhận anh Hùng đã mua phải hàng giả và đây không phải là trường hợp duy nhất phía công ty ghi nhận được.

“Nhìn bề ngoài, bản thân chúng tôi cũng khó phân biệt được thật – giả (hầu hết sản xuất từ Trung Quốc) mà phải sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mới có thể xác định được đâu là sản phẩm giả mạo” – ông Dũng bức xúc.

Đến thời điểm này chưa có một hướng dẫn tương đối cụ thể nào được xem là “cẩm nang mua sắm” để người tiêu dùng dựa vào đó né bẫy hàng giả.

Các cơ quan chức năng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng… vẫn chỉ dừng lại ở những khuyến cáo bằng các cụm từ “người tiêu dùng cần thông thái”, “tìm đến những điểm mua sắm uy tín”, “xem kỹ thông tin sản phẩm trên bao bì”… bởi sự tinh vi, liên tục thay đổi của hàng giả.

Anh Lê Văn Thanh – công nhân cơ khí chuyên chế biến các sản phẩm nhôm kính, sắt thép trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – cho biết khi dùng dây cáp hàn hiệu Hwasan mới mua tại Q.5 thì liên tục bị tắt nguồn điện, thậm chí nhiều lần bị điện giật.

“Tôi chưa từng gặp trường hợp này dù đã từng dùng sản phẩm cùng loại, khi xem kỹ mẫu cáp điện cũ mới thấy có nhiều điểm khác nhau” – anh Thanh cho hay.

Ông Tăng Tuấn Cường, phó giám đốc Công ty Tân Nghệ Nam (Bến Lức, Long An), rầu rĩ cho chúng tôi biết công ty đang rất đau đầu về tình trạng hàng giả mới gặp phải này.

“Rất tinh vi. Nếu nhìn qua, rất khó phân biệt bởi trên dây cáp giả đều in dòng chữ mang thương hiệu của công ty. Thậm chí dây cáp giả có màu đậm và bóng bẩy hơn sản phẩm thật. Nếu khách không tinh ý hoặc chưa từng sử dụng sản phẩm chính hãng thì chắc chắn bị nhầm lẫn” – ông Cường phân trần.

Dù bề ngoài khá giống nhau, nhưng chúng tôi chỉ cần dùng tay là có thể bóc tách được lớp nhựa bọc phía ngoài của sợi cáp.

Theo ông Cường, điều này rất nguy hiểm bởi dây cáp chuyên dùng cho việc hàn điện đòi hỏi yếu tố chịu nhiệt cũng như mài mòn rất cao, hạn chế nguy cơ cháy nổ, giật điện cho người sử dụng.

Vụ việc này được Phòng cảnh sát điều tra kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP.HCM vào cuộc thu giữ và niêm phong nhiều dây cáp điện giả. Cơ quan chức năng phát hiện lô hàng gần 3.000m dây cáp giả, nhái nhãn hiệu Hwasan lớn tại Công ty Điện Tường Phát (Q.6, TP.HCM).

Gắn tem chống hàng giả của Bộ Công an

Người tiêu dùng không thể phân biệt được các loại tem nhãn mang chức năng chống giả, nhận diện thương hiệu dán như một cách đảm bảo trên các sản phẩm.

Tại các buổi tọa đàm về chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu gần đây, ông Hà Quốc Khanh – phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an – khẳng định ngoài việc hàng hóa giả mạo chất lượng, xuất xứ, hàng giả còn được gắn tem chống hàng giả của chính Bộ Công an được làm rất tinh vi và liên tục cải tiến.

Do đó, ngoài việc giám định hàng giả, viện còn phải giám định chính tem thật giả của đơn vị mình phát hành.

Theo bà Lê Hồng – một người tiêu dùng ở Q.Tân Bình, không thể tin vào tem chống hàng giả vì bà từng không ít lần “ngậm đắng” khi tin vào tem chống giả.

“Lúc đầu tôi tin tưởng vì nghĩ rằng con tem mang sứ mệnh “gác cổng” nhưng không phải vậy. Ngoài chuyện con tem bị làm giả, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ tem chống giả đòi hỏi phải dùng các thiết bị chuyên dụng như đèn chiếu sáng, soi rọi phức tạp” – bà Hồng nói.

Ông Nguyễn Viết Hồng, tổng giám đốc Công ty Vina CHG – Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam, cho biết việc in ấn tem chống giả vẫn chưa được kiểm soát nghiêm ngặt.

Trong khi đó, doanh nghiệp có quyền sử dụng các loại tem, nhãn do công ty tự in hoặc đặt in với mục đích giúp người tiêu dùng phân biệt thật – giả.

Theo ông Hồng, người tiêu dùng cần lưu ý con tem chống giả chỉ có giá trị khi đạt những nội dung như: tem được in bởi đơn vị được cơ quan quản lý cấp phép in tem chống giả.

Trên tem phải thể hiện công nghệ chống giả một cách đơn giản, thuận tiện cho người tiêu dùng chứ không dành riêng cho công ty hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

“Thực tế, tem chống giả cũng phải liên tục cập nhật công nghệ. Nếu sử dụng công nghệ cũ thì việc làm giả là điều khó tránh khỏi. Hiện nay tem chống giả chỉ bị làm giả về hình thức bề ngoài, nếu làm giả được công nghệ thì đơn vị làm giả đã chuyển qua làm hàng thật rồi!” – ông Hồng cho hay.

Doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc khi in ấn tem chống giả bởi việc dán tem chống giả “khơi khơi” nhằm tạo niềm tin ban đầu để bán hàng thì lâu dần sẽ gặp không ít rủi ro bởi chính con tem đó.

Tem nhãn giả nhập từ Trung Quốc

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tính đến nay chỉ riêng việc kiểm tra tám cửa hàng kinh doanh tại chợ Tân Bình đã phát hiện, tịch thu 311.708 tem nhãn bằng giấy, simili giả các nhãn hiệu quần áo ngoại như Levi’s, CK, Tommy, Nike, Adidas do đầu nậu đặt in với số lượng lớn từ Trung Quốc.

11 tháng đầu năm quản lý thị trường đã thu giữ, tiêu hủy gần 30kg nhãn, tem chứng nhận hợp quy giả để hợp thức hóa sản phẩm mũ bảo hiểm sản xuất “chui”; phát hiện, tiêu hủy hơn 2kg bao bì, nhãn mác giả hiệu thuốc tân dược…

Gần đây, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 trung ương) liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn với những lô hàng lậu in logo cơ quan kiểm định hợp quy chuẩn trong nước, gắn mác “made in Việt Nam”, “hàng VN chất lượng cao”.

LÊ SƠN