04/01/2025

Công bố kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân

Tại diễn đàn Đối tác phát triển VN (VDPF) đối thoại với các nhà tài trợ diễn ra ngày 5-12 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân.

 

Công bố kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân

 

 Tại diễn đàn Đối tác phát triển VN (VDPF) đối thoại với các nhà tài trợ diễn ra ngày 5-12 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân. 

 

 

Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất cần những cơ chế hỗ trợ đặc biệt để phát triển. Trong ảnh: chế biến điều tại Công ty Phúc An (Bình Phước) – Ảnh: Trần Mạnh

Một kế hoạch hành động đã được công bố để phát triển khu vực này.

Phát biểu khai mạc, bà Vitoria Kwakwa – giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN – dẫn nghiên cứu cho thấy quy mô của doanh nghiệp VN đã thu hẹp vài năm gần đây.

“Không quốc gia nào phát triển được nếu chỉ ỷ lại và dựa hoàn toàn vào khu vực FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Vì vậy, cải cách thể chế cần tập trung vào các thách thức mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt” – bà Vitoria Kwakwa nhấn mạnh.

Quy mô quá nhỏ

Đẩy nhanh việc bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định năm 2014 đã có cải thiện trong tiếp cận điện, thuế, hải quan… nhưng VN sẽ phải tiếp tục cải cách hành chính theo hướng điện tử hóa, hạn chế tiếp xúc người – người để hạn chế tiêu cực.

Ông Vinh công nhận chỉ bán 5-10% vốn tại doanh nghiệp nhà nước không làm thay đổi cơ chế quản lý doanh nghiệp và nêu tới đây VN sẽ bán 50%, thậm chí 100% vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Tại diễn đàn năm nay, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã công bố báo cáo về phát triển khu vực kinh tế tư nhân VN, trong đó nêu bật những khó khăn khu vực này đang đối mặt.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2012 quy mô vốn doanh nghiệp FDI tăng từ 270 tỉ đồng lên 307 tỉ đồng, chứng tỏ họ vẫn phát triển tốt.

Trong khi đó, vốn của doanh nghiệp ngoài nhà nước tại VN trung bình giảm từ 25 tỉ đồng xuống 24 tỉ đồng.

Giai đoạn 2007-2012, lao động bình quân trong doanh nghiệp tại VN giảm từ 47 người xuống 32 người – tức xuống quy mô doanh nghiệp nhỏ. VCCI cho rằng doanh nghiệp nhỏ của VN có xu hướng không thể phát triển thành doanh nghiệp có quy mô vừa.

Hệ lụy của quy mô nhỏ, VCCI nêu rõ trường hợp Trung tâm Hợp tác phát triển thầu phụ công nghiệp VN tổ chức gần 100 cuộc trao đổi, chắp nối doanh nghiệp VN và FDI để giúp doanh nghiệp VN tham gia chuỗi sản xuất nhưng cuối cùng chỉ có một giao dịch thành công, mà lý do đầu tiên là “quy mô doanh nghiệp quá nhỏ”.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, nêu những nguyên nhân hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp VN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là do các chính sách hiện hành dường như vẫn chỉ tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp chứ chưa phải cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp. VN có nhiều khu, cụm công nghiệp nhưng rất hiếm nơi có sẵn nhà xưởng phù hợp, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm đủ các thủ tục tiếp cận vốn, điện, nước… như doanh nghiệp lớn nên khó cạnh tranh.

Sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân

Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN, cho rằng đã có một số dấu hiệu cho thấy có sự hồi phục cầu về tiêu dùng và đầu tư tại VN. Tuy nhiên, cải cách chậm sẽ làm suy yếu lòng tin và kinh tế tiếp tục tăng trưởng không đủ để tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng.

Đáng lưu ý, tại diễn đàn năm nay, một bản “kế hoạch hành động” về chính sách trong ba năm 2015-2017 để phát triển khu vực tư nhân đã được công bố, trong đó định hướng sẽ ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ban hành chính sách đơn giản hóa quy trình nộp thuế, thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Công thương sẽ thí điểm xây dựng sàn giao dịch trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng kết nối, bán sản phẩm…

Riêng Bộ Kế hoạch – đầu tư sẽ chủ trì xây dựng thí điểm cụm công nghiệp sáng tạo hỗ trợ các cơ sở vật chất giúp một số ngành có lợi thế tiếp cận, nhận sự lan tỏa của các doanh nghiệp FDI tới khu vực tư nhân trong nước…

Sau khi nghe ý kiến của các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng “cơ bản khuyến nghị là phù hợp” và khẳng định “chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm tốt, hiệu quả hơn”.

Nêu rõ những thành tựu như VN năm 2014 dự kiến xuất siêu 1,5 tỉ USD, tức ba năm liền xuất siêu, Thủ tướng tái khẳng định đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp nhà nước.

Ông nhấn mạnh VN sẽ không chỉ tập trung vào số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa mà sẽ tăng chất lượng bằng việc giảm tỉ trọng vốn nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Đặc biệt, VN sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp này sẽ phải cạnh tranh trong môi trường bình đẳng, minh bạch của kinh tế thị trường.

 

CẦM VĂN KÌNH