09/01/2025

Ai nung nóng cơn giận màu đen ở Mỹ?

Tổng thống Obama từng hứa sẽ là tổng thống đầu tiên của thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ông đã không làm được như vậy.

 

Ai nung nóng cơn giận màu đen ở Mỹ?

 

 Tổng thống Obama từng hứa sẽ là tổng thống đầu tiên của thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ông đã không làm được như vậy.

 

 

Hôm qua, giao thông khu vực trung tâm New York đã bị tê liệt khi hàng ngàn người đổ ra đường phố biểu tình phản đối việc bồi thẩm đoàn thành phố quyết định không truy tố một sĩ quan cảnh sát da trắng đã kẹp cổ một người da đen không có vũ khí, khiến nạn nhân thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Hôm qua, giao thông khu vực trung tâm New York đã bị tê liệt khi hàng ngàn người đổ ra đường phố biểu tình phản đối việc bồi thẩm đoàn thành phố quyết định không truy tố một sĩ quan cảnh sát da trắng đã kẹp cổ một người da đen không có vũ khí, khiến nạn nhân thiệt mạng – Ảnh: Reuters

Ở Mỹ, cảnh sát có phân biệt đối xử và ngược đãi người da màu hay không? Có!

Đã nhiều năm nay, các ý kiến tranh cãi vẫn tiếp tục xoay quanh các kết quả nghiên cứu khác nhau và câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Các nghiên cứu khảo sát đều chẳng nói lên điều gì cả: thực tế là nếu đại bộ phận cộng đồng người da màu cảm thấy bị ngược đãi thì đó chính là vấn đề cần được giải quyết.

Vậy tại sao các cuộc biểu tình ôn hòa lại biến thành bạo động nhanh như vậy?

Các tác nhân bên ngoài Ferguson

Ngay sau khi thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết, các nhóm bên ngoài có tổ chức bắt đầu hội tụ về Ferguson để lợi dụng cuộc khủng hoảng.

Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) đã triển khai nhóm 13 nhà hoạt động nhân quyền để tổ chức các cuộc biểu tình từ ngày 14 đến 22-8. Đây là lần đầu tiên Amnesty International tổ chức biểu tình ở Mỹ. Tổ chức này sau đó đã đưa ra một báo cáo chỉ trích rất nặng nề đối với lực lượng cảnh sát.

Một chi nhánh của nhóm tin tặc Anonymous đã đe dọa chính quyền thành phố Ferguson rằng nếu cảnh sát can thiệp vào các cuộc biểu tình thì họ sẽ cho sập toàn bộ mạng máy tính của thành phố. Thậm chí một tổ chức các nhà sư đã rời Tây Tạng để đến tận Ferguson biểu tình.

Thêm vào các nhóm kể trên, những nhà lãnh đạo của Tổ chức quốc gia về nhân quyền cho người da màu – trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Al Sharpton – đã ngay lập tức có mặt tại Ferguson để trấn an cha mẹ và bạn bè của Brown, trong khi cùng lúc lên tiếng đòi công lý, dường như bằng cách kích động các cuộc biểu tình lan tràn.

Với việc đưa ra quá nhiều lời chỉ trích, các nhà hoạt động có vẻ không thực tâm quan tâm đến việc làm dịu tình hình và giải quyết vấn đề.

Truyền thông cũng trở thành “các nhà hoạt động”

Sau khi vụ nổ súng xảy ra ngày 9-8, CNN và các hãng thông tấn khác bắt đầu đưa tin nói rằng Ferguson là một “sự kiện” sẽ (hoặc sẽ phải) khởi động đối thoại quốc gia về vấn đề phân biệt đối xử của cảnh sát.

Sau đó thì ngày nào cũng vậy, các hội đồng chuyên gia thảo luận trên truyền hình về vấn đề bất công chủng tộc và bày tỏ lo ngại về phán quyết của bồi thẩm đoàn đối với sĩ quan Darren Wilson.

Liên tục nhiều ngày trong tháng 11, sau khi phán quyết được đưa ra, theo ý kiến đánh giá của các nhà phê bình, CNN dường như một mặt thì cố gắng xoa dịu tình hình bạo lực và nổi loạn ai cũng thấy, nhưng mặt khác lại đưa ý kiến của các chuyên gia phát biểu rằng bạo lực là điều không thể tránh được. Bình luận viên của CNN Marc Hill đã phát biểu trên truyền hình về bạo lực: “Đây chính là cái được gọi là dân chủ”.

Các hãng tin khác cũng hùa theo. Tạp chí Time đăng bài “Bảo vệ bạo động”. Hầu hết báo chí của Mỹ đều đưa tin về bạo lực nhưng theo chiều hướng thông cảm ủng hộ.

Tân Hoa xã của Trung Quốc nhân cơ hội cũng góp tiếng nói: “Rõ ràng là Mỹ cần phải tập trung giải quyết vấn đề của nước mình trước khi chỉ tay sang các nước khác”.

Bộ máy lãnh đạo

Nhiều người cho rằng họ không thật sự nhìn thấy bóng dáng của bộ máy lãnh đạo trong sự việc xảy ra ở Ferguson. Tổng thống Obama chỉ đưa ra một tuyên bố lướt qua về phân biệt chủng tộc và thực thi pháp luật là một vấn đề tồn đọng từ lâu đối với người da màu và rằng cần phải giải quyết việc này. Ông đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và không hành động bạo lực. Tuy nhiên nhiều người có vẻ đã trông đợi rất nhiều vào người lãnh đạo của đất nước để rồi không nhận được kết quả gì: ông Obama đã hứa sẽ là tổng thống đầu tiên của thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc, tuy nhiên ông đã không làm được như vậy.

Eric Holder, bộ trưởng tư pháp và cũng là một người da màu, đã xuất hiện với những lời chỉ trích khiến thổi bùng lên ngọn lửa biểu tình khi ông đến Ferguson vào tháng 8 và tuyên bố rằng chính cá nhân ông đã phải chịu cảnh bị phân biệt đối xử và cảnh sát thật sự có vấn đề.

Vài tuần sau đó, ông đã tuyên bố tiến hành điều tra lực lượng cảnh sát thành phố Ferguson. Điều tra đó vẫn đang trong quá trình thực hiện. Ông cho điều tra sĩ quan Wilson về những vi phạm quyền công dân. Ông cũng giữ liên lạc thường xuyên với nhà hoạt động Al Sharpton.

Những kẻ cơ hội trong biểu tình

Ngày 24-11, sau khi bồi thẩm đoàn không kết tội sĩ quan Wilson thì cha dượng của Michael Brown đã xuống đường và bắt đầu hô vang: “Hãy đốt hết cái thành phố chết tiệt này”. Một số người cho rằng chính điều này đã thổi bùng bạo lực ở Ferguson.

Những kẻ bạo loạn bắt đầu tấn công các biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, đặc biệt xe cảnh sát đã trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ cố tình phá hoại. Sau khi thành công với việc đốt xe cảnh sát, những kẻ này bắt đầu chuyển sang phá hoại các công trình, tòa nhà.

Những kẻ cướp phá sau đó đã tụ tập và lăng mạ cảnh sát, hay là cảnh sát bắt đầu gây rắc rối cho những kẻ này, hoặc cả hai. Những kẻ kích động đã gây gổ với cả hai phía để cố tình gây hỗn chiến.

Những kẻ cướp phá thì bắt đầu ném đá và thậm chí đâu đó đã có tiếng súng nổ. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay. Trong sự hỗn loạn đó, đến giờ vẫn không thể xác định bên nào bắt đầu trước.

Sau khi bạo động nổ ra thì những kẻ cơ hội bắt đầu nổi lên. Cả thành phố chìm trong hỗn loạn là cơ hội cho nhiều kẻ đột nhập các cửa hàng, công sở, nhà thờ và cả nhà dân để trộm cắp bất cứ thứ gì trong tầm tay.

Tại Ferguson, hầu hết nạn nhân của các hoạt động cướp bóc trên diện rộng là những cửa hàng kinh doanh của người da màu. Điều này đã cho thấy những kẻ cơ hội đâu chia sẻ gì với người biểu tình.

Bộ máy lãnh đạo địa phương

Công bằng mà nói, những lời phê bình từ mọi phía không chỉ nhắm vào lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cảnh vệ mà cả thị trưởng thành phố Ferguson, hội đồng thành phố, thống đốc bang Missouri và vô hình trung là bất kỳ quan chức có trách nhiệm nào.

Theo quan điểm của người viết bài này, có lẽ sai lầm lớn nhất là cảnh sát đã không phối hợp được với giáo sĩ địa phương, vốn là người đã tình nguyện hỗ trợ giữ gìn trật tự. Không hiểu tại sao cảnh sát lại hành động như thể họ cũng thuộc số những kẻ bạo loạn.

Như vậy là Ferguson – một thành phố nhỏ chỉ 21.000 dân với 65% dân số là người da màu – đã thu hút cả nước Mỹ. Nhưng bất chấp nỗ lực cao của rất nhiều phía, kết quả vẫn là điều ngược với mong muốn: bạo động vẫn tiếp tục diễn ra ở quy mô lớn.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS 
(viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)

THÚY ĐÀO chuyển ngữ