Cán bộ làm sai vẫn vô sự
Quá trình thi hành án làm sai, khi giải quyết hậu quả lại tiếp tục mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến 2 gia đình điêu đứng hơn 10 năm nay và nhà nước có thể mất nhiều tỉ đồng bồi thường, nhưng các cán bộ phạm lỗi… chỉ bị rút kinh nghiệm.
Cán bộ làm sai vẫn vô sự
Quá trình thi hành án làm sai, khi giải quyết hậu quả lại tiếp tục mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến 2 gia đình điêu đứng hơn 10 năm nay và nhà nước có thể mất nhiều tỉ đồng bồi thường, nhưng các cán bộ phạm lỗi… chỉ bị rút kinh nghiệm.
|
Cuối tháng 11, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) – Bộ Tư pháp có buổi làm việc với bà Phạm Thị Hồng Tự (ngụ Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) để ghi nhận đề xuất, nguyện vọng liên quan bài viết Quan làm sai, ‘thượng đế’ phải ra đường đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 24.11.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, thừa nhận: “Tổng cục chia sẻ với bà về việc bà là người mua được tài sản ngay tình hợp pháp nhưng đến nay quyền lợi của bà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Thực tế, trong vụ việc này, nạn nhân không chỉ có gia đình bà Tự.
Sai trùng sai
Theo hồ sơ vụ án, ngày 25.5.1998, Tòa án Nhân dân (TAND) H.An Hải (Hải Phòng) ban hành bản án dân sự số 12 buộc bà Phùng Thị Tý phải trả khoản tiền gốc và lãi vay tổng cộng hơn 177 triệu đồng cho Ngân hàng Công thương. Đến khi hết thời hạn thi hành án, gia đình bà Tý không thi hành án nên ngày 10.12.1998, liên ngành H.An Hải thống nhất cưỡng chế kê biên nhà và đất của bà Tý để đảm bảo thi hành án. Tài sản gồm diện tích đất 975 m2 tại thôn Thư Trung (xã Đằng Lâm, H.An Hải); trên đất có ba gian nhà cấp 4. Ngày 19.1.1999, Đội Thi hành án H.An Hải thành lập hội đồng định giá tài sản trên là hơn 187,5 triệu đồng và hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Sau lần thứ nhất đấu giá không có người mua, Hội đồng định giá tài sản họp giảm giá còn hơn 171 triệu đồng, phiên đấu giá được tổ chức ngày 9.5.2001 với sự tham gia của 3 khách hàng và bà Phạm Thị Hồng Tự trúng đúng với giá khởi điểm.
|
Tháng 9.2002, sau khi hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, bà Tự được Đội Thi hành án H.An Hải bàn giao tài sản. Gần 1 năm sau, bà được UBND H.An Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên về đây sinh sống.
Tuy nhiên, khi việc đấu giá tài sản để thi hành bản án dân sự số 12 được hoàn tất thì bà Phùng Thị Tý (nay đã mất) bất ngờ có đơn khiếu nại. Từ năm 2003, cơ quan chức năng xác định Đội Thi hành án H.An Hải làm chưa đầy đủ theo quy định pháp luật. Từ đó, hai gia đình bà Tý và bà Tự xảy ra tranh chấp.
Trong lúc gia đình bà Tự sinh sống tại căn nhà này suốt 10 năm qua thì bất ngờ từ ngày 20 – 27.2.2014, ông Bùi Đức Tiến, chấp hành viên Cục THADS Hải Phòng, đã ban hành 2 thông báo yêu cầu gia đình bà Tự phải “bàn giao tài sản cho đại diện gia đình bà Tý” trong vòng 15 ngày. Đúng 15 ngày sau, một nhóm người kéo đến đuổi gia đình bà Tự ra khỏi nhà rồi khóa cổng bằng khóa khác.
Người nghỉ hưu, người làm chi cục trưởng
Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục THADS và Cục THADS Hải Phòng thừa nhận do cán bộ thi hành án làm sai nên việc giải quyết sẽ thực hiện theo luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước. Hậu quả sự việc không chỉ khiến 2 gia đình khổ sở vì khiếu kiện hơn 10 năm trời mà nhà nước còn bị thiệt hại rất lớn tiền bồi thường nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cán bộ thi hành án làm sai bị xử lý.
Theo tìm hiểu, việc “tiếp tay” đuổi dân ra đường của chấp hành viên Phùng Đức Tiến sau đó chỉ bị Cục THADS “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Giải thích quyết định này, lãnh đạo Cục THADS Hải Phòng cho rằng: “Do sự việc kéo dài nên chấp hành viên muốn giải quyết cho nhanh chứ không có động cơ nào khác”. Đối với một số cán bộ của Đội Thi hành án H.An Hải thụ lý vụ việc thời điểm đó, thì đến nay có người vừa nghỉ hưu, có người được chuyển sang làm chi cục trưởng chi cục thi hành án đơn vị khác.
Thái Sơn – Thế Văn