02/01/2025

Vì sao quan chức chưa trả nhà công vụ?

Một số chủ nhân của những căn nhà công vụ mà Bộ Xây dựng cho rằng đang sử dụng trái phép đã giải thích chuyện vì sao họ chưa trả nhà…

 

Vì sao quan chức chưa trả nhà công vụ?

 

 Một số chủ nhân của những căn nhà công vụ mà Bộ Xây dựng cho rằng đang sử dụng trái phép đã giải thích chuyện vì sao họ chưa trả nhà…

 

Theo Bộ Xây dựng, khu nhà công vụ Hoàng Cầu tại ngõ 61 Trần Quang Diệu, Q.Đống Đa, Hà Nội có 59/80 căn hộ đang bị sử dụng sai mục đích – Ảnh: Nguyễn Khánh

Những “người trong cuộc” – đang ở nhà công vụ – có chung quan điểm: sẵn sàng trả nhà khi có yêu cầu.

Còn các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, công khai danh tính các quan chức đang ở nhà công vụ, làm rõ đối tượng nào được ở, đối tượng nào không được ở…

* Nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức (được phân căn hộ 605 khu nhà công vụ Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội):

Ảnh: X.Long

Có cơ quan đòi nhà, tôi trả ngay

Khi còn công tác thì quyết định phân nhà cho tôi ở không ghi thời hạn. Về ở căn nhà đó tôi cũng đã xin phép sửa sang, cải tạo lại.

Bây giờ tôi vẫn có nhu cầu ở đó, nhưng sau khi nghỉ tôi sống chủ yếu trong TP.HCM, mỗi tháng ra Hà Nội 1-2 lần, còn nhà đó thì người em tôi ở và làm việc là chính.

Tôi cũng nghe chỗ này chỗ kia nói không trả nhà công vụ, nói như vậy là không đúng.

Tôi khẳng định đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi, vậy thì nói không trả nhà công vụ thì đâu hẳn đã đúng.

Với căn hộ tôi được phân ở, có phải đã có quyết định thu hồi, đòi lại nhà mà tôi không trả đâu.

Gần đây họ vẫn thu tiền thuê nhà của tôi, vậy tức là vẫn công nhận quyền được thuê nhà, tức là họ đâu có đòi lại nhà. Tôi cũng đồng ý nguyên tắc nhà công vụ là phải trả, nhưng bây giờ trả cho ai.

Cứ có quyết định thu hồi lại nhà, đòi lại nhà thì tôi sẵn sàng trả ngay, chứ có phải mình cố tình chây ỳ để được ở đó mãi đâu.

* Nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Triệu Văn Bé (căn 307 khu Hoàng Cầu):

Chúng tôi đều muốn trả

Thông tin nói một phía về chuyện không trả nhà công vụ là không đúng bản chất vấn đề. Thứ nhất đã có ai đòi nhà đâu, cũng chưa có quyết định thu hồi lại nhà thì sao nói phải cưỡng chế.

Chúng tôi biết nhà công vụ là phải trả và đều muốn trả, nhưng các ý kiến nói không trả nhà công vụ là sai, có ai muốn chiếm nhà công vụ đâu.

Ngay cả khi Bộ Xây dựng đến làm việc họ cũng nói do chưa xử lý xong mọi việc nên vẫn cho thuê tạm. Tôi khẳng định nếu Bộ Xây dựng có quyết định thu hồi lại nhà, tôi sẵn sàng trả.

* Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm (căn 405 khu Hoàng Cầu):

Hết nhiệm vụ của Nhà nước, tôi tự giác trả

Tôi chính thức rời Bộ Y tế và chuyển sang tham gia công tác giảng dạy (ở ĐH Y Hà Nội – PV) năm 2011. Hiện nay tôi vẫn đang là chuyên gia cao cấp, tư vấn cho Chính phủ và thường trực Ban Bí thư về y tế, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học liên quan đến y tế ở phía Nam.

Ở vị trí này, các chế độ đối với tôi tuy không bằng cũ nhưng cũng gần được như cũ, gần tương đương hàm thứ trưởng, trong đó có chế độ nhà ở công vụ này, tôi vẫn đang hưởng lương công chức nhà nước chứ chưa phải nghỉ hưu.

Hiện nay nhà công vụ ở Hoàng Cầu con tôi đang ở, thỉnh thoảng tôi ra họp cũng ở đó, tôi vẫn sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ Bộ Y tế.

Nhà này 1-2 năm nữa hết nhiệm vụ chuyên gia nhà nước giao tôi sẽ trả, tôi sẽ tự giác trả chứ không phải đợi ai nhắc nhở đâu.

* Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai (căn 608 khu Hoàng Cầu):

Ảnh tư liệu

Do cơ chế chưa rõ ràng…

Khi tôi được điều động từ Vĩnh Long ra Hà Nội làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Văn phòng Chính phủ có ra quyết định cấp nhà công vụ cho tôi theo đúng tiêu chuẩn. Đến bây giờ tôi vẫn giữ quyết định này.

Gọi là cấp nhà công vụ cho lãnh đạo cấp thứ trưởng trở lên, nhưng thật ra đó chỉ là cấp nhà để được… thuê. Khi tôi còn làm thứ trưởng, tiền thuê nhà do Bộ GD-ĐT chi trả.

Còn từ thời điểm tôi nhận quyết định nghỉ hưu (tháng 10-2007 – PV) thì tiền thuê nhà là do tôi tự bỏ tiền túi ra.

Khi được phân nhà, chúng tôi cũng được phép làm hộ khẩu để tiện chuyện học hành, công tác của con cái, nhưng hoàn toàn không có chủ quyền với căn hộ được cấp. Khi ra Hà Nội, tôi phải đưa con mình ra cùng và hiện gia đình con trai tôi đang ở căn hộ đó.

Cần có nhìn nhận công bằng với những người đã đóng góp, hi sinh cho đất nước. Trong suốt quá trình công tác, cá nhân tôi chưa từng xin Nhà nước cái gì. Duy nhất một lần vào năm 1995 khi được điều ra làm thứ trưởng, tôi đã xin cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho được ở lại tỉnh nhà.

Nếu quy kết những người từng giữ các vị trí lãnh đạo, được Nhà nước phân nhà công vụ, sau khi nghỉ công tác vẫn chưa trả nhà không có tự trọng là không đúng.

Việc chưa trả nhà chủ yếu do cơ chế chưa rõ ràng. Những người ở lại thậm chí còn là những người thiệt thòi khi họ vô tư đóng góp cho đất nước, mà không xin đất, xin nhà vì đây chỉ là căn hộ cho thuê theo hợp đồng.

Với riêng tôi, tôi đã hỏi bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhưng bộ trưởng nói “cô ở đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN (bà Đặng Huỳnh Mai hiện đang là chủ tịch Liên hiệp Hội người khuyết tật VN – PV), cô vẫn đang làm việc thì cô ở đấy…”.

Thật ra, bản thân mình rất tự trọng. Trong quyết định phân nhà công vụ mà tôi còn giữ không hề ghi thời hạn phải trả nhà và khi tôi nghỉ hưu cũng không thấy ai nói gì. Chỉ cần có công văn yêu cầu những người đã thôi công tác quản lý phải trả lại nhà công vụ thì ai cũng sẵn sàng trả lại hết.

Theo tôi được biết, một số người đã trả nhà công vụ vì sau khi nghỉ, về lại TP họ được cấp đất, cấp nhà nên phải trả lại thôi.

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Tô Quang Thu (căn 404 khu Hoàng Cầu):

Ảnh: V.V.Thành

Khi có nhà, tôi trả ngay

Về thông tin liên quan đến việc sử dụng nhà công vụ (căn hộ 404) tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, ông Thu cho biết việc ông được thuê ở một căn hộ gần 50m² tại đây là có thật.

“Gia đình tôi ở đó. Tôi có hai con, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, rồi có cháu nội, cháu ngoại. Căn hộ trở nên quá chật. Cho nên hiện con trai tôi phải đi ở nhờ bên ngoài. Vợ chồng con gái tôi và một người cháu ở căn hộ đó, còn tôi thì chạy đi chạy lại” – ông Thu nói.

Trước đây ông Thu được bố trí ở nhà công vụ tại số 8 Chu Văn An, ngay sau khi ông đi luân chuyển (tỉnh Lào Cai) ông đã trả lại và khi đi tỉnh ông ở nhà thuê, ông cho biết. Còn căn hộ số 404 nêu trên ông được bố trí khi trở lại nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Ông cho rằng hiện ông vẫn trong diện ở nhà công vụ với tư cách là phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, chưa về hưu. Căn hộ công vụ số 404 nêu trên ông được thuê ở từ năm 2008.

Ông Thu nói: “Lúc đó tôi chưa có nhà, bây giờ cũng đã có nhà đâu. Hiện tôi đang tham gia dự án, chưa xây được nhà. Khi có nhà tôi trả ngay, nhưng hiện chưa có.

Về căn hộ 404 thì không phải tôi cho thuê hay đóng cửa bỏ đó mà đang sử dụng, chỉ là con gái tôi sinh con thì ở đó, nay cháu lớn rồi thì tôi sẽ quay lại ở thôi”.

Ông Thu khẳng định: “Nếu tôi về hưu mà không trả hay chuyển công tác nơi khác mà không trả thì dở. Nhưng lâu nay tôi chưa được Nhà nước phân nhà. Nếu đặt vấn đề bức xúc quá buộc tôi phải trả đi thuê bên ngoài thì tôi sẵn sàng”.

Một đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính):

Nhiều trường hợp cố tình vi phạm

Các quy định về nhà ở công vụ đã nêu rất rõ ràng trong nghị định 34 của Chính phủ năm 2013. Cụ thể, nhà ở công vụ chỉ được dùng để bố trí cho các đối tượng có đủ điều kiện thuê để ở trong thời gian đảm nhận công tác.

Khi người thuê hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi ở khác hoặc nghỉ công tác phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những sai phạm trong sử dụng nhà công vụ là do ý thức của công chức được thuê nhà.

Thực tế có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định này, đơn cử như những trường hợp đã nghỉ hưu, không còn đảm nhận chức vụ đó nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ. Còn nói Nhà nước giao cho thuê nhà và không quy định thời hạn trả cũng là hiểu chưa đúng.

Việc quản lý nhà công vụ đã được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quản lý. Do vậy, việc quản lý cần chặt chẽ hơn để đảm bảo thực hiện đúng và công bằng với các đối tượng khác trong xã hội.

Nếu việc quản lý gặp khó khăn, như buộc phải cưỡng chế để thu hồi nhà công vụ thì Bộ Xây dựng nên đề xuất giải pháp xử lý lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

LÊ THANH ghi

XUÂN LONG – LAN ANH – NGỌC HÀ – V.V.THÀNH ghi