Số người chết do Ebola tăng đột biến
Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số người chết vì virút Ebola tăng thêm 1.200 trường hợp so với ngày 26-11, lên 6.928 người.
Số người chết do Ebola tăng đột biến
Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số người chết vì virút Ebola tăng thêm 1.200 trường hợp so với ngày 26-11, lên 6.928 người.
Các nhân viên y tế làm việc tại một trung tâm chữa trị Ebola ở Mali – Ảnh: Reuters |
Theo AFP, WHO cho biết số ca nhiễm bệnh cũng đã tăng lên 16.169, chủ yếu tập trung ở ba nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic cho biết số người chết tăng vọt là do những trường hợp qua đời từ trước đó mới được thống kê ở Liberia chứ không phải là các vụ tử vong mới xảy ra trong vài ngày qua.
WHO thừa nhận số người nhiễm virút Ebola và thiệt mạng thực tế có thể cao hơn nhiều. Nguyên nhân là do việc thu thập dữ liệu ở Tây Phi gặp rất nhiều khó khăn.
Liberia là quốc gia có nhiều người chết nhất: 4.181 ca, nhưng tốc độ virút lây lan đã chậm lại. Trong khi đó, virút tử thần này vẫn lan nhanh ở Sierra Leone, nơi có 6.802 người nhiễm bệnh và 1.461 người đã tử vong. WHO cho biết tình hình dịch ở Guinea tương đối “ổn định”.
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo ngoài virút Ebola, người dân ba nước Tây Phi đang phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng. Đại diện của FAO cho biết ước tính 70% người được hỏi tại Sierra Leone chỉ ăn một bữa mỗi ngày kể từ khi dịch Ebola bùng phát.
Các biện pháp cách ly đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt thực phẩm và giá cả tăng vọt. Tại các vùng dịch hoành hành dữ dội nhất, 40% diện tích trang trại đã bị bỏ hoang.
Ngoài việc trồng ngũ cốc, dịch Ebola cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động trồng trọt cây ca cao, dầu cọ, cao su… tại Tây Phi.
FAO cảnh báo hiện tượng này khiến người dân Tây Phi ngày càng chìm sâu trong cảnh thiếu tiền bạc và thực phẩm, không có lối thoát. Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo khẳng định ước tính đến cuối năm 2015, thiệt hại kinh tế do dịch Ebola gây ra có thể lên tới 32,6 tỉ USD.
Tuần trước, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công giai đoạn 1 của một loại văcxin chống Ebola.
Các tổ chức y tế cũng đang chuẩn bị thử nghiệm một thiết bị phát hiện virút Ebola trong máu và nước bọt chỉ trong vòng 15 phút tại Guinea. Thiết bị này cho kết quả với tốc độ nhanh gấp sáu lần các xét nghiệm khác đang được sử dụng ở Tây Phi.