28/12/2024

Quốc hội thông qua công ước chống tra tấn

Sáng 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

 

Quốc hội thông qua công ước chống tra tấn

 

Sáng 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

 

 

Ông Lê Đức Hoàn – nhân chứng trong phiên tòa phúc thẩm vụ án “dùng nhục hình” tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) làm ông Ngô Thanh Kiều  tử vong - Ảnh: Duy Thanh

Nghị quyết khẳng định Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Đồng thời, nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Nghị quyết bảo lưu quy định tại điều 20 và khoản 1 điều 30 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Điều 20 của công ước quy định nếu Ủy ban chống tra tấn (được thành lập theo quy định của công ước) nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, ủy ban sẽ mời quốc gia thành viên đó hợp tác trong việc kiểm tra thông tin và vì mục đích này, đưa ra ý kiến về những thông tin liên quan đó.

Khoản 1 điều 30 của công ước quy định mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước này mà không thể giải quyết bằng thương lượng sẽ được đưa ra trọng tài theo yêu cầu của một trong số các quốc gia thành viên đó.

Nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu đưa ra trọng tài mà các bên vẫn không thể thỏa thuận được về tổ chức trọng tài, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị đưa tranh chấp ra Tòa án công lý quốc tế, phù hợp với quy chế của tòa.

Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua cũng không coi quy định tại khoản 2 điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ.

Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.

Khoản 2 điều 8 của công ước quy định nếu một quốc gia thành viên chỉ cho phép dẫn độ khi có điều ước quốc tế về dẫn độ mà nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì quốc gia đó có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này.

Việc dẫn độ sẽ phải tuân thủ những điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

V.V.THÀNH