28/12/2024

Chiến hạm thay đổi sức mạnh hải quân Úc

Hải quân Úc sắp nhận một tàu đổ bộ được giới chuyên gia đánh giá sẽ giúp tăng cường sức mạnh quân sự của nước này trong khu vực.

 

Chiến hạm thay đổi sức mạnh hải quân Úc

 

 

Hải quân Úc sắp nhận một tàu đổ bộ được giới chuyên gia đánh giá sẽ giúp tăng cường sức mạnh quân sự của nước này trong khu vực.

 

 

 Tàu đổ bộ chở trực thăng HMAS Canberra sẽ là tàu chiến lớn nhất của Úc - Ảnh: The Daily Telegraph
Tàu đổ bộ chở trực thăng HMAS Canberra sẽ là tàu chiến lớn nhất của Úc – Ảnh: The Daily Telegraph

Ngày 28.11, tàu đổ bộ chở trực thăng HMAS Canberra sẽ chính thức được đưa vào biên chế của hải quân Úc, sau khi thủy thủ đoàn trải qua 18 tháng huấn luyện, theo tờ The Daily Telegraph. Đây sẽ là tàu chiến hiện đại và lớn nhất của hải quân Úc từ trước tới nay.

Những con số ấn tượng

Tàu HMAS Canberra được đóng với 5 triệu giờ công và chi phí gần 1,3 tỉ USD, có độ choán nước 27.800 tấn, chiều dài 230 m và chiều rộng 32 m. Ngoài thủy thủ đoàn 325 người, tàu có thể chở theo 18 trực thăng, 1.051 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ cùng 110 xe tải, xe bọc thép và xe tăng chủ lực. Những khí tài này có thể được di chuyển giữa các tầng thông qua thang máy. Tàu có 2 thang máy dành cho máy bay, 2 thang máy dành cho thủy thủ đoàn, 1 thang máy để di chuyển đạn dược và 1 thang máy y tế di chuyển giữa các tầng.

Trong đó, tầng thứ 4 có diện tích tới 1.400 m2, có thể chứa 196 container, với trọng tải tối đa 1.524 tấn. Tầng này nằm trước bệ nổi dài 70 m và rộng 17 m, cho phép các tàu đổ bộ dài 24 m và những tàu khác hoạt động bên trong tàu mẹ. Bệ nổi, nằm ở phần đuôi tàu, chứa 2.970 m3 nước. Các tàu đổ bộ, xe bọc thép sẽ tiến ra biển thông qua một cửa lớn ở phía đuôi tàu mẹ. Bệ nổi, tàu đổ bộ và trực thăng sẽ cho phép vận chuyển tất cả binh sĩ, thiết bị và hàng tiếp tế lên bờ mà không cần cầu tàu hay bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào, theo The Daily Telegraph.

Ngoài ra, HMAS Canberra còn được trang bị một bệnh viện 3 tầng, với 56 giường, các cơ sở nha khoa và máy chụp X-quang hiện đại. Tàu có thể tạo ra 35,4 megawatt điện, đủ để cung cấp cho cả thành phố Darwin và tạo ra 150 tấn nước ngọt mỗi ngày.

Tăng cường năng lực viễn chinh

Dù là tàu vận tải đổ bộ, HMAS Canberra vẫn có thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của đối phương nhờ vào các hệ thống vũ khí và phòng thủ tiên tiến, theo tờ The Sydney Morning Herald. Cụ thể, tàu được trang bị hệ thống súng điều khiển từ xa Rafael Typhoon 25 mm, súng máy 12,7 mm và thủy lôi. Tàu còn sở hữu hệ thống tác chiến giúp các chỉ huy có thể giám sát tất cả phương diện của cuộc chiến trên biển, bộ hoặc trên không.

“Tôi không chắc chúng ta đã biết rõ khả năng của tàu này thật sự tuyệt vời như thế nào. Điều chúng ta biết là nó tuyệt vời. Chúng ta sẽ mất một thời gian mới có thể nắm rõ và sử dụng hết khả năng của tàu”, The Daily Telegraph dẫn lời thuyền trưởng tàu HMAS Canberra Jonathan Sadleir. Cũng theo The Daily Telegraph, HMAS Canberra sẽ tăng cường sức mạnh viễn chinh và là tàu hải quân đầu tiên của Úc có thủy thủ đoàn gồm cả người của lục quân và không quân. Tư lệnh lục quân Úc David Morrison từng khẳng định rằng HMAS Canberra sẽ tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong các chiến dịch đổ bộ chung của các lực lượng nước này.

HMAS Canberra là chiếc đầu tiên trong số 2 tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD) lớp Canberra mà Bộ Quốc phòng Úc đóng cho hải quân. Chiếc thứ 2 mang tên HMAS Adelaide dự kiến đưa vào biên chế trong năm 2016.

The Daily Telegraph đánh giá rằng sau khi 2 tàu LHD được đưa vào tác chiến cùng những tàu khu trục phòng không (AWD) lớp Hobart, vốn đang được đóng ở vùng Port Adelaide (Úc), học thuyết hải quân của nước này sẽ thay đổi đáng kể. Các tàu LHD sẽ dành nhiều thời gian hoạt động cùng với một tiểu đoàn của lục quân Úc, tham gia ứng phó thiên tai trong khu vực và thế giới. Hải quân Úc khẳng định 2 tàu LHD sẽ cung cấp cho quân đội nước này một trong những hệ thống triển khai lực lượng đổ bộ ưu việt nhất thế giới. Chúng sẽ góp phần bảo vệ trực tiếp đất nước và những lợi ích quốc gia cũng như cho phép quân đội hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn trong nước lẫn khu vực.

Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Diplomat, nhà phân tích Peter Dean tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc dự đoán 2 chiếc LHD sẽ là “thứ thay đổi cuộc chơi” cho sức mạnh quân sự của Úc ở châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới.

 

Tiềm năng trở thành tàu sân bay

Là tàu lớn nhất từng được đóng cho hải quân Úc, HMAS Canberra dài hơn khoảng 20 m so với các tàu sân bay hạng nhẹ trước đây của Úc là HMAS Melbourne và HMAS Sydney.

Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston từng gợi ý tàu HMAS Canberra có thể được cải tạo thành tàu sân bay, với các chiến đấu cơ cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B. Theo tờ The Daily Telegraph, chi phí cải tạo thành tàu sân bay khoảng 300 triệu USD.

 

 
 

Văn Khoa