11/01/2025

Học những điều đã quá lạc hậu – Kỳ 3: Thay đổi cách làm và quan điểm về sách giáo khoa

Chưa có cách hiệu quả để cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận. Nhưng mấu chốt không phải ở chỗ có cập nhật hay không mà phải thay đổi quan điểm lạc hậu về cách làm, vai trò của sách giáo khoa để người dạy và người học chủ động tiếp nhận kiến thức.

 

Học những điều đã quá lạc hậu – Kỳ 3: Thay đổi cách làm và quan điểm về sách giáo khoa

 

 

Chưa có cách hiệu quả để cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận. Nhưng mấu chốt không phải ở chỗ có cập nhật hay không mà phải thay đổi quan điểm lạc hậu về cách làm, vai trò của sách giáo khoa để người dạy và người học chủ động tiếp nhận kiến thức.

 

 

Học sinh sẽ thích thú hơn, sẵn sàng đón nhận kiến thức nếu việc dạy và thi cử không quá lệ thuộc vào sách giáo khoa
Học sinh sẽ thích thú hơn, sẵn sàng đón nhận kiến thức nếu việc dạy và thi cử không quá lệ thuộc vào sách giáo khoa – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Chỉ có những thay đổi vụn vặt, chắp vá

Năm 2008, Bộ GD-ĐT đã có một cuộc “ra quân” sửa sai sót, cập nhật, bổ sung kiến thức sách giáo khoa (SGK) khá rầm rộ. Việc góp ý về chương trình, SGK được gửi đến các hội khoa học, nghề nghiệp và các trường trên cả nước. Sau đợt góp ý này, Bộ dự kiến chỉ đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN in thành 3 cuốn tài liệu (tương ứng với 3 cấp học tiểu học, THCS, THPT) chỉnh sửa, bổ sung SGK của từng môn. Tuy nhiên, sau đó Bộ quyết định không in thành 3 bộ “tài liệu đính chính” SGK như vậy nữa mà in dưới dạng tờ rơi, gửi về các địa phương hướng dẫn chỉnh sửa một số lỗi chính tả, nội dung sai lệch hoặc không còn phù hợp.

 

 
 
Giáo viên không phải dạy hết, dạy đủ những gì trong sách; hoàn toàn có quyền lựa chọn tài liệu để thiết kế bài giảng, trong đó có sách giáo khoa
 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

 

 

Năm 2011, Bộ lại có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Lần này, việc điều chỉnh theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết với học sinh (HS), các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lý thuyết, để giáo viên, HS dành thời gian cho các nội dung khác…

Khi ấy, lãnh đạo NXB Giáo dục VN cũng cho biết dù nội dung cơ bản của SGK khá ổn định nhưng việc cập nhật, thay đổi vẫn diễn ra hằng năm khi tái bản SGK. Chẳng hạn những thay đổi trong nghiên cứu khoa học, thay đổi về địa chính, sự mất còn, thăng tiến của những con người… thì SGK vẫn cập nhật.

Dù có vài lần điều chỉnh nhưng đây chỉ là những thay đổi mang tính vụn vặt, chắp vá. Chính vì thế trong báo cáo việc thực hiện chương trình, SGK hiện hành để thuyết minh cho việc cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK sau 2015, lãnh đạo Bộ nhận định: “Một số nội dung của SGK còn chưa phù hợp với yêu cầu về mức độ, dung lượng kiến thức quy định ở chuẩn kiến thức, kỹ năng; đôi chỗ quá cầu toàn về tính hệ thống và lô gích khoa học khiến nội dung có phần ôm đồm, nặng nề với đa số HS; có những tình huống thực tiễn gượng ép; những sự kiện, số liệu, thuật ngữ còn thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học hoặc giữa một số môn học…”.

Sách giáo khoa không phải là pháp lệnh

Trả lời về việc sửa chữa những sai sót trong SGK hằng năm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng Bộ vẫn tiếp nhận góp ý về SGK thường xuyên. Khi có thắc mắc về chi tiết hay nội dung nào trong SGK, nếu gửi về Bộ đều sẽ được tiếp thu, trả lời. Cũng theo ông Hiển, hằng năm Bộ vẫn đề nghị NXB Giáo dục tập hợp các ý kiến góp ý và NXB có bộ phận thường trực làm việc này. Những góp ý đúng, Bộ sẽ yêu cầu NXB thực hiện việc chỉnh sửa.

 

 
 

Đề thi lại bám sát sách giáo khoa nên các giáo viên dù có đổi mới vẫn không dám bung hết cỡ, để học sinh còn đạt kết quả tốt trong các kỳ thi

 

Một giáo viên ở TP.HCM

 

 

Ông Hiển cũng thông tin từ lâu Bộ khẳng định SGK chỉ là tài liệu chính để giáo viên dùng dạy học, không phải là pháp lệnh bắt giáo viên, HS phải nhất nhất tuân theo như trước đây. Giáo viên không phải dạy hết, dạy đủ những gì trong sách; hoàn toàn có quyền lựa chọn tài liệu để thiết kế bài giảng, trong đó có SGK.

Những năm gần đây, Bộ cũng yêu cầu phải thay đổi sinh hoạt chuyên môn của các trường. Theo đó, tổ chuyên môn và giáo viên được chủ động điều chỉnh nội dung, tìm phương pháp dạy học phù hợp, tạo cơ hội cho mọi HS tham gia quá trình học tập, làm cho từng bài học có chất lượng hơn.

Tuy nhiên, một giáo viên ở TP.HCM cho rằng: “Do vẫn còn quan điểm học để thi mà đề thi lại bám sát SGK nên các giáo viên dù có đổi mới vẫn không dám bung hết cỡ, để HS còn đạt kết quả tốt trong các kỳ thi”. Đây chính là cái “vòng kim cô” hạn chế sự chủ động của giáo viên khiến dù Bộ khẳng định SGK không là pháp lệnh nhưng giáo viên không dại gì thoát ly SGK.

 

Sẽ có 20% thời lượng chương trình linh hoạt

Báo cáo trước Quốc hội về chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ cố gắng để chọn những bộ SGK thật tốt cho phép lưu hành nhưng cũng tiếp tục đổi mới năng lực của giáo viên để không coi SGK là pháp lệnh. SGK sẽ là một loại tài liệu dạy học quan trọng nhưng không phải duy nhất mà có thể có nhiều SGK khác nhau cho cùng một môn học. Bộ sẽ chủ trì xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng khoảng 20% để các địa phương và nhà trường vận dụng, bổ sung những nội dung mang tính đặc thù của địa phương”. Dựa trên chương trình quy định, nhà trường và giáo viên được quyền tự chủ, sáng tạo về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục có sự giám sát của cơ quan quản lý.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT nhấn mạnh, khi đã có nhiều bộ SGK và cho phép giáo viên sử dụng nhiều tài liệu khác nhau để giảng dạy thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ chỉ căn cứ vào chuẩn kiến thức của chương trình chứ không phải theo SGK.

 

 

Ý kiến

Chỉ cần đưa ra chuẩn kiến thức kỹ năng

“Bộ nên thay đổi cách biên soạn SGK. Chỉ cần đưa ra chuẩn kiến thức kỹ năng HS cần phải đạt còn những thông tin thuộc về số liệu có thể để giáo viên chủ động. Như vậy sẽ đặt giáo viên trong thế luôn phải làm mới bài giảng của mình, tạo hứng thú cho HS. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đề thi cũng không nên chăm chăm hỏi HS về số liệu”.

Một giáo viên môn địa lý 
(Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Phải có lộ trình cập nhật

“Hằng năm giáo viên đều tham gia các lớp tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó được khuyến khích mở rộng kiến thức cho HS. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện đúng và đủ, bám sát nội dung kiến thức trong SGK. Gần 10 năm nay, HS vẫn học một bộ SGK tin học và hoàn toàn không có tài liệu nào cập nhật hay thay đổi những kiến thức lạc hậu. Để SGK phù hợp với chuyển biến của thực tế đời sống xã hội thì Bộ phải có lộ trình cụ thể để cập nhật thông tin, dữ liệu…”.

Quách Văn Khái (giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM)

Có điều chỉnh nhưng chủ yếu cắt giảm kiến thức

“Hằng năm Bộ có tập huấn, điều chỉnh những nội dung trong SGK nhưng chỉ thuần về kiến thức cơ bản như bớt bài này, giảm nội dung kia chứ hoàn toàn không đi vào chi tiết là cập nhật thông tin, số liệu thực tế cho các môn học”.

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tân Bình, TP.HCM

B.Thanh (ghi)

 

Tuệ Nguyễn – Lê Đăng Ngọc