11/01/2025

Giảm giá kiểu đối phó

Xăng giảm giá 10 lần tổng cộng hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%, nhưng hầu hết các mặt hàng vốn chịu tác động lớn của giá xăng vẫn “nằm im”. Thậm chí, khi bị kiểm tra doanh nghiệp mới chịu giảm giá một cách… nhỏ giọt theo kiểu đối phó.

 

Giảm giá kiểu đối phó

 

 

Xăng giảm giá 10 lần tổng cộng hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%, nhưng hầu hết các mặt hàng vốn chịu tác động lớn của giá xăng vẫn “nằm im”. Thậm chí, khi bị kiểm tra doanh nghiệp mới chịu giảm giá một cách… nhỏ giọt theo kiểu đối phó.

 

 

Giảm giá kiểu đối phó
Giá lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng chỉ giảm không đáng kể – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 24.11, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) than phiền rằng với các mặt hàng thiết yếu nằm trong phạm vi quản lý của nhà nước, như: sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, cước vận tải, điện, phân bón… còn có thể “ép” bằng cách thanh, kiểm tra; còn các mặt hàng khác hiện nay như lương thực, thực phẩm, sắt thép, xi măng… giá do thị trường quyết định, thông qua yếu tố cung – cầu nên rất khó để can thiệp.

 

 
 

Qua đợt kiểm tra giá cước vận tải vừa rồi, chúng tôi nhận thấy hầu hết các DN có tình trạng cố tình chờ đợi, kéo dài để ngâm giá. Khi vừa nghe thấy có đoàn kiểm tra họ mới công bố giảm giá cước

 

Một trưởng đoàn kiểm tra giá của Bộ Tài chính

 

 

“Thấy có đoàn kiểm tra mới công bố giảm giá”

“Qua đợt kiểm tra giá cước vận tải vừa rồi, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp (DN) có tình trạng cố tình chờ đợi, kéo dài để ngâm giá. Khi vừa nghe thấy có đoàn kiểm tra họ mới công bố giảm giá cước”, một trưởng đoàn kiểm tra giá của Bộ Tài chính chia sẻ.

Tương tự, phần lớn các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thời gian vừa qua mặc dù có giảm, nhưng biên độ rất nhỏ và người tiêu dùng chưa thực sự cảm nhận được.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết 3 đoàn kiểm tra của Cục này ngay sau khi về các địa phương làm rõ thực trạng giá cước vận tải sẽ đánh giá một cách cụ thể xem tác động của nó tới các mặt hàng khác như thế nào để tiếp tục có biện pháp khác xử lý, yêu cầu DN phải giảm giá bán để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. “Tuy nhiên, trên thực tế việc làm này quá khó khăn, khi tất cả hàng hóa không thuộc diện quản lý của nhà nước hiện nay được thả nổi cho cơ chế thị trường, đang thiếu sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan liên ngành. Chính vì vậy, việc tăng giá hàng hóa theo xăng diễn ra rất chóng vánh, ngược lại khi hạ giá thì rất nhỏ giọt, cầm chừng”, ông Tuấn nói.

Ý thức kém thì phải “siết”

Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, việc trông chờ vào một sự “ý thức” trong nền kinh tế thị trường không hoàn hảo, thiếu đi kiểm tra giám sát chặt chẽ của nhà nước khiến người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi. Từ hàng hóa ở trong chợ đến các siêu thị phải có sự nhập cuộc quyết liệt của chính địa phương là các sở tài chính, quản lý thị trường…

Đồng quan điểm trên, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng trong trường hợp ý thức của người bán quá kém phải có sự vào cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng, trước hết ngay tại các siêu thị lớn ở nhiều địa phương. Khi hàng hóa trong các siêu thị này giảm, theo quy luật cạnh tranh hàng hóa ngoài chợ sẽ phải giảm theo chứ không đứng im được.

Trong trường hợp DN không giảm giá, hoặc giảm giá không tương xứng, ông Tuấn cho rằng quyết định cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. “Một khi DN không thể hiện trách nhiệm xã hội, sự công bằng, người tiêu dùng hãy thể hiện trách nhiệm của mình là đoàn kết, đấu tranh và biết hành động, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ ở các DN có cách ứng xử tin cậy với mình”, ông Tuấn nói.

Quan điểm này cũng được một lãnh đạo Cục Quản lý giá đồng tình: “Trong cơ chế thị trường vốn đề cao quy luật cạnh tranh và tính đào thải nếu các DN, tiểu thương không chịu giảm giá bán thì họ sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Tất cả người kinh doanh phải ý thức điều đó”.

 

Nhùng nhằng giữ giá

Hầu hết các DN vận tải khách tuyến cố định đến hôm qua vẫn chưa chủ động giảm giá ngay mà chỉ cho biết đang lên phương án giảm giá, với lý do “thủ tục đăng ký phức tạp” và “chờ xem giá xăng có tăng lên không”. Các hãng taxi sau khi giảm giá nhẹ từ 300 – 500 đồng/km hồi đầu tháng 11 cũng chưa có động thái giảm giá tiếp, dù giá xăng hôm 22.11 vừa giảm rất mạnh.

M.Hà

 

 

CPI giảm, người tiêu dùng vẫn chưa cảm nhận được

Hôm qua, Tổng cục Thống kê thông báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 cả nước giảm 0,27% so với tháng 10.2014.

Theo TS Lê Đăng Doanh, đây là một tín hiệu cho thấy việc kiểm soát lạm phát khá hiệu quả, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Thực tế, cầu trong nước còn quá yếu, trong khi giá nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, xi măng, sắt thép, phân bón… giảm rất ít, chưa tương xứng với con số thống kê, cũng như tốc độ giảm mạnh của giá xăng. Cụ thể, trong tháng 11 nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục được ghi nhận giảm nhẹ 0,03% so với tháng 10, tính riêng lương thực tăng 0,12%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%. “Điều đó cho thấy từ con gà, mớ rau, quả trứng ở chợ chưa có giảm được mấy. Lý do chính là sự chây ì giá cước vận tải, khiến tất cả đều té nước theo chậm trễ giảm giá khiến người tiêu dùng thiệt thòi quá”, TS Doanh nói và cho rằng, kiểm soát lạm phát chung ở “con số đẹp” là điều rất tốt, nhưng giá cả không giảm tương xứng, đời sống người dân không cải thiện theo, không ai cảm nhận được gì thì cũng coi như không.

Khảo sát của PV Thanh Niên tại chợ Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng cho thấy rất ít các mặt hàng hải sản hạ giá bán do nhà cung cấp giảm; còn hầu hết giá các mặt hàng chưa giảm. Tại chợ Bách Khoa (Q.Hai Bà Trưng), giá cua đồng là 110.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; cá chép 65.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng; cá rô phi, thịt lợn… giữ nguyên. Theo một số người bán, do nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn móc hàm mua vào là 63.000 đồng/kg, buộc họ phải giữ giá.

Trong khi các tiểu thương than thở hàng bán chậm, ế ẩm, chưa thể giảm giá nhanh thì người tiêu dùng cho rằng nếu tiếp tục bán đắt sẽ còn ế dài dài. Chị Đỗ Thị Phương, khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội), bộc bạch: “Lương của vợ chồng tôi tổng cộng 10 triệu đồng/tháng, nào là tiền ăn, nào là tiền học cho con, chưa kể xăng xe, các khoản chi tiêu khác. Giá thực phẩm hiện nay vẫn ở mức cao, cần phải giảm thêm nữa”.

T.Hằng

 

Anh Vũ