23/01/2025

Săn ngầm trên biển Đông

Trên 2 chiến hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ của Hải quân VN, ngoài các ngành hàng hải, thông tin tín hiệu, cơ điện, ra đa… rất quen thuộc với tàu chiến đấu, còn có một ngành đặc biệt được gọi tắt là “ngành 6”.

 

Săn ngầm trên biển Đông

 

 

Trên 2 chiến hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ của Hải quân VN, ngoài các ngành hàng hải, thông tin tín hiệu, cơ điện, ra đa… rất quen thuộc với tàu chiến đấu, còn có một ngành đặc biệt được gọi tắt là “ngành 6”.

 

 

Săn ngầm trên biển Đông 1
Trực thăng săn ngầm Ka-28 trên sân đỗ

 

Đó là phi đội không quân đảm bảo hoạt động cho máy bay săn ngầm Ka-28, biên chế trong đội hình hành quân của tàu. Những người lính này thuộc Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân – Quân chủng Hải quân. 

“Người giời” đi biển

Thiếu tá Trần Minh Tuấn (phi đội trưởng) được cán bộ chiến sĩ trong Lữ đoàn 954 gọi là “tay cơ cừ nhất” do có nhiều kinh nghiệm, số giờ bay và cũng gắn bó với đủ loại máy bay, từ cũ kỹ cho đến hiện đại. Ấy vậy, nhưng khi lên tàu HQ-012 Lý Thái Tổtham gia Đoàn công tác của Quân chủng hải quân sang thăm – giao lưu với Hải quân, lực lượng vũ trang 3 nước Indonesia, Brunei, Philippin, đọc thấy tên và đôn đáo đi tìm, tôi mới càng thấm thía câu đúc rút: Với phi công chiến đấu, càng giỏi càng điềm tĩnh. 

Chậm rãi, cẩn thận từ câu nói cho đến cử chỉ, thiếu tá Tuấn rất hạn chế nói về mình, mà chỉ thủ thỉ kể về những lần cất hạ cánh thành công trên tàu chiến đấu, nhờ công sức của anh em trong phi đội. “Mấy chuyện cất hạ cánh trên tàu, tuy khó khăn vất vả nhưng là chuyện nhỏ ấy mà!” – Thiếu tá Trần Minh Tuấn cười xòa và lắc đầu: “Bộ đội tàu vất vả hơn không quân nhiều!”.

 

Săn ngầm trên biển Đông 2
Thiếu tá Trần Minh Tuấn trên ghế phi công, chuẩn bị cất cánh từ tàu HQ-012 Lý Thái Tổ

Săn ngầm trên biển Đông 3
Trực thăng săn ngầm Ka-28 chuẩn bị cất cánh từ HQ-012 Lý Thái Tổ

Săn ngầm trên biển Đông 4
Các nhân viên kỹ thuật đảm bảo an toàn cho chuyến bay – Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Nói thì vậy, nhưng có hành quân cùng Không quân Hải quân dài ngày mới thấy sự cố gắng của anh em lớn đến nhường nào. Ở đơn vị thì ăn uống, ngủ nghỉ riêng biệt, theo chế độ đặc biệt, chăm sóc y tế đến tận… răng nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất trước khi bay. Xuống dưới tàu, cũng được chăm sóc tối đa đấy, nhưng phòng ở thiếu, cứ phải ghép chung mấy người vào phòng bé tí xíu, thậm chí phải trải cả đệm nằm dưới sàn. Ăn uống cũng vậy, chung với Đoàn công tác – thủy thủ, chia nhau cùng trái ớt quả cà, chẳng phân biệt suất ăn đặc biệt của “người giời” với cậu chiến sĩ mới nhập ngũ.

 

 
 
Phi đội gồm 8 anh em, 1 chỉ huy bay, 1 phi công, 2 dẫn đường và 4 nhân viên kỹ thuật. Đây là chuyến đi biển đầu tiên, dài nhất của nhiều người và cũng là chuyến đầu tiên săn ngầm Ka-28 được… đi tàu chiến, hành quân xa
 

Thiếu tá Trần Minh Tuấn

 

 

Đã vậy lại còn sóng gió. Dọc chuyến đi, cứ vài ngày yên là y như rằng có vài ngày giông bão. Tàu nhồi lắc, bóng anh em trong phi đội hay “lượn” khắp tàu vắng hẳn, đa số nằm yên trong phòng bởi không quen và có khi còn bỏ bữa vì say. Những lúc ấy, bộ đội tàu lại hỏi nhau: “Sức khỏe các bác phi công thế nào ấy nhỉ?” và bảo nhau nấu thêm nồi cháo, bồi dưỡng riêng. 

Sẵn sàng soi biển

Trên 2 chiến hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ, ngoài các loại tên lửa – súng pháo hiện đại, còn có biên chế trực thăng Ka-28 làm nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm. Sân đỗ trực thăng ở sau, với đầy đủ hầm chứa gọn gàng máy bay và đài chỉ huy bay dưới tháp pháo AK-630.

Dọc đường hành quân, dù đã có bộ đội tàu canh gác nghiêm cẩn, nhưng phi đội vẫn cắt cử người lên trực trên sân vì sợ sóng gió rung lắc, gây va đập ảnh hưởng đến máy bay. Vài ngày, anh em lại hò nhau cởi bạt, phun nước rửa nước muối bám vào thân máy bay, như thể rửa… ô tô, nhìn rất ngộ. Đúng lịch quy định, cả phi đội lại hì hục kéo máy bay ra sân đậu kiểm tra bảo dưỡng, với sự giúp đỡ của hàng chục bộ đội tàu. Hoàn tất công việc bảo dưỡng, kíp bay khởi động máy bay sẵn sàng cất cánh, động cơ nổ ầm ầm, cánh quạt quay chóng hết cả mặt, khiến bộ đội trên tàu thót người phục lăn.

“Phi đội gồm 8 anh em, 1 chỉ huy bay, 1 phi công, 2 dẫn đường và 4 nhân viên kỹ thuật!” – Thiếu tá Tuấn chỉ vắn tắt về phi đội mình như thế và mãi mới bật mí: “Đây là chuyến đi biển đầu tiên, dài nhất của nhiều người và cũng là chuyến đầu tiên săn ngầm Ka-28 được… đi tàu chiến, hành quân xa”. 

Thế nhưng, không chỉ tôi mà rất nhiều người phải nể phục: Từ giữa năm 2012, thiếu tá Trần Minh Tuấn và các phi công của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 đã cất hạ cánh thành công trên tàu hộ vệ tên lửa HQ-011, HQ-012 cùng nhiều tàu chiến đấu của Hải quân VN có sân đỗ trực thăng. Tính từ đó đến nay, họ đã thực hiện hàng trăm lượt cất – hạ cánh thuần thục, trên nhiều phương tiện, ở nhiều vùng biển và với mọi điều kiện thời tiết – khí hậu. Sự thuần thục, không chỉ đơn thuần là làm chủ vũ khí khí tài, mà còn ở cả những kỹ năng sống kết chặt tình đồng đội, ở ngay trên con tàu chật chội, thiếu thốn, vất vả mà tôi đang có mặt. Động lực “tiến thẳng lên chính quy hiện đại” của Hải quân VN có nhanh chắc như triệu người dân Việt mong muốn, càng cần những người lính điềm tĩnh, tinh nhuệ như Không quân Hải quân: Những người soi giữ yên lành, cho cả biển Đông. 

Mai Thanh Hải