Sân bay trái phép của Trung Quốc đang định hình ở Chữ Thập, Trường Sa
Trong 3 tháng qua Trung Quốc đã sử dụng tàu hút bùn để xây dựng hòn đảo nhân tạo dài khoảng 1,7 km, rộng từ 200 đến 300 m ngoài đá Chữ Thập.
Sân bay trái phép của Trung Quốc đang định hình ở Chữ Thập, Trường Sa
Trong 3 tháng qua Trung Quốc đã sử dụng tàu hút bùn để xây dựng hòn đảo nhân tạo dài khoảng 1,7 km, rộng từ 200 đến 300 m ngoài đá Chữ Thập.
Tờ The Straits Times ngày 22/11 đưa tin, Trung Quốc đang xây dựng một đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đủ lớn để đặt một sân bay trong khu vực. Người phát ngôn quân đội Mỹ Jeffrey Pool cho biết, hoạt động cải tạo biến đá Chữ Thập ở Trường Sa thành đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành hoàn toàn có thể đặt một đường băng. “Có vẻ như đó là những gì Trung Quốc đang làm và nhắm tới”, Jeffrey Pool nói với AFP, The Straits Times cho biết. Một cầu tàu cũng đã được Trung Quốc xây dựng ở phía Đông đá Chữ Thập cho đủ lớn để đón các tàu chở dầu và tàu hải quân. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc dừng lại các hoạt động (bất hợp pháp) này và các bên liên quan cũng cần chấm dứt các nỗ lực tương tự. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chương trình cải tạo đá thành đảo và tham gia vào các sáng kiến ngoại giao, khuyến khích tất các bên tự kiềm chế trong các hoạt động tương tự”, Jeffrey Pool nói. Trong 3 tháng qua Trung Quốc đã sử dụng tàu hút bùn để xây dựng hòn đảo nhân tạo dài khoảng 1,7 km, rộng từ 200 đến 300 m ngoài đá Chữ Thập trước đó còn ngập trong nước, tạp chí quốc phòng IHS Jane cho biết. Kết quả của hoạt động nạo vét cải tạo được chụp từ vệ tinh từ ngày 8/8 đến ngày 14/11 cho thấy điều này. “Việc cải tạo đá Chữ Thập là dự án biến đá thành đảo thứ 4 được Trung Quốc thực hiện (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa trong khoảng thời gian 12 đến 18 tháng qua, và đến nay nó trở thành đảo nhân tạo lớn nhất trong khu vực quần đảo Trường Sa”, IHS Jane cho biết. Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại Gạc Ma, Châu Viên và Ga Ven. IHS Jane bình luận, động thái này của Bắc Kinh nhằm mục đích buộc các bên liên quan từ bỏ yêu sách của mình (?!), hoặc tạo cho Trung Quốc một vị thế mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán.
Hoa Kỳ đã thúc giục Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình và không ép buộc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tham gia đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc để xoa dịu cuộc đối đầu trên biển. Nhưng Bắc Kinh có xu hướng đòi hỏi đàm phán tay đôi với từng bên tranh chấp vốn có sự phụ thuộc ít nhiều vào Trung Quốc về kinh tế – thương mại. Họ lập luận rằng họ có cái gọi là “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải trọng yếu của quốc tế và khu vực. Trước đó, sau khi xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp 6 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988 bao gồm Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven, Tư Nghĩa, Su Bi, Châu Viên và bãi Vành Khăn năm 1995, Trung Quốc đã xây dựng công sự nhà nổi quân sự kiên cố bất hợp pháp tại 7 điểm này. Riêng tại đá Chữ Thập, Trung Quốc đã xây dựng 1 cầu tàu, lắp đặt súng máy phòng không, hệ thống phòng thủ chống người nhái, thiết bị thông tin liên lạc và một nhà kính – PV.
Trong một động thái khác có liên quan, Reuters ngày 21/11 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ông Thường Vạn Toàn hôm Thứ Sáu kêu gọi khu vực “quản lý tốt hơn khủng hoảng”. Thường Vạn Toàn nói rằng quân đội nước ông muốn hòa bình, nhưng không bao giờ quên “bài học cay đắng trong quá khứ”. Việc mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc và bành trướng sức mạnh trên khu vực châu Á – Thái BÌnh Dương đã khiến các nước láng giềng hết sức cảnh giác với Trung Quốc, đặc biệt là các nước (bị Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ, bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines. Nguy cơ một cuộc đối đầu không mong muốn giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương đã dẫn đến việc hai cường quốc thảo luận về các cơ chế giảm căng thẳng quân sự. “Chúng tôi kêu gọi tăng cường hơn nữa quản lý tranh chấp để cải thiện khả năng đối phó với khủng hoảng”, ông Thường Vạn Toàn phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Bắc Kinh với sự tham dự của các quan chức và học giả từ Trung Á, châu Á – Thái Bình Dương. “Tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán với sự tôn trọng đầy đủ (cái gọi là) sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế”, Thường Vạn Toàn nhấn mạnh, trong đó cái gọi là sự kiện lịch sử, sự thật lịch sử mà Trung Quốc đưa ra để đòi “chủ quyền” gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn ngụy tạo, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam – PV. Tuy nhiên Thường Vạn Toàn cũng tuyên bố, Trung Quốc “đã học được một bài học cay đắng từ giai đoạn lịch sử tồi tệ của mình” và Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự trong khi ông Toàn (cố tình) hạ thấp khả năng quân sự hiện tại của Trung Quốc: “Hiện nay quân đội Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin mới ở giai đoạn đầu. Trung Quốc còn thua xa các lực lượng quân sự tiên tiến khác trên thế giới”. |