17/01/2025

Học những điều đã quá lạc hậu

Học sinh đang tiếp cận với sách giáo khoa trong đó có những kiến thức, thông tin quá lạc hậu so với thực tế khiến cả học sinh và giáo viên đều lúng túng.

 

Học những điều đã quá lạc hậu

 

 

Học sinh đang tiếp cận với sách giáo khoa trong đó có những kiến thức, thông tin quá lạc hậu so với thực tế khiến cả học sinh và giáo viên đều lúng túng.

 

 

Nhiều kiến thức trong SGK môn công nghệ không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay nhưng học sinh vẫn phải học – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

>> Giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn đang… lạc lối

Dạy cưa thủ công trong khi hiện nay đã chuyển qua cưa máy

Chính thực tế này khiến kiến thức giáo viên cung cấp cho học sinh (HS) từ sách giáo khoa (SGK) một đằng nhưng thực tế lại một nẻo.

Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Hoa (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM) đặt vấn đề: “Lẽ ra công nghệ là môn HS thích thú, ham học vì áp dụng kiến thức của các môn học khác ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Vậy mà nội dung giảng dạy trong SGK đã không thỏa mãn được điều này với những kiến thức xa rời cuộc sống”.

Cô Hoa đã chỉ ra nhiều bất cập. Ở chương trình lớp 8, trong bài Vẽ kỹ thuật, HS vẫn học phép chiếu song song, xuyên tâm trong khi thực tế hiện nay người ta không ứng dụng phép chiếu này do nó cho hình ảnh không trung thực. Trong bài Cưa, HS chỉ học về cưa thủ công trong khi hiện nay hầu hết đã chuyển qua cưa máy. Bài hướng dẫn sử dụng nồi cơm điện, giáo viên chỉ  dạy trò cách sử dụng một loại là nồi cơm nắp rời, có 1 chức năng trong khi trên thị trường hiện nay mỗi loại nồi có ít nhất từ 3 chức năng trở lên.

Kiến thức lạc hậu, chỉ học và tiếp xúc với dụng cụ xưa cũ nên dẫn đến tình trạng gặp đồ dùng hiện đại, HS không biết sử dụng. “Lớp 9, HS học cách sử dụng đồng hồ đo hiệu điện thế, điện trở với học cụ là các loại đồng hồ hầu như không còn trong thực tế. Chính vì vậy, HS không thể ứng dụng vào các sản phẩm cùng chức năng hiện có trên thị trường”, giáo viên Quỳnh Hoa dẫn chứng thêm.

Một giáo viên khác phản ảnh: “Dạy cách lắp đặt bảng điện, giờ này mà giáo viên còn phải chăm chăm dạy trò dùng bảng gỗ, phải sử dụng mũi khoan để dùi lỗ. Trong khi đó, trên thị trường chỉ có bảng điện nhựa, đục sẵn lỗ”.

Một giáo viên môn công nghệ tại trường trung học ở Q.Tân Bình, TP.HCM tâm tư: “Tôi cảm nhận rõ sự lúng túng, thắc mắc của HS khi dẫn các em tham quan nhà máy sản xuất đèn huỳnh quang. Trên lớp SGK chỉ ghi là tráng bột huỳnh quang bằng chất phốt pho trong khi đi thực tế người ta sử dụng bột huỳnh quang là nhiều loại hóa chất để tạo ra ánh sáng nhiều màu”.

Số liệu có từ gần… 10 năm trước

Theo nhiều giáo viên dạy môn địa lý, tư liệu sử dụng trong SGK hầu như không được cập nhật. Dù kinh tế, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng dù cầm cuốn SGK mới tái bản, HS vẫn tiếp cận với những số liệu có từ gần 10 năm trước. Các giáo viên cho rằng đấy cũng là một trong những lý do khiến HS hiện nay không có những hiểu biết về đời sống xã hội.

Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng Địa lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) lấy ví dụ: Bài các vấn đề mang tính toàn cầu ở lớp 11 bây giờ phải thêm nhóm IS (nhóm Nhà nước Hồi giáo) hay bài về Trung Quốc, Liên bang Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp hoặc bổ sung. Ở lớp 12, một số nhà máy thủy điện như Sơn La, Bản Vẽ, Sê San 3, Serepok 3 – 4 đã hoàn thành, trong khi Atlat vẫn ghi “còn đang xây dựng”. Còn cảng Đà Nẵng là cảng quốc tế từ lâu rồi mà Atlat cũng như SGK vẫn chưa ghi là cảng quốc tế (không có tuyến đường đến các nước khác). Atlat nêu nước ta có 4 sân bay quốc tế trong khi thực tế nhiều hơn.

Hầu hết các số liệu trong SGK Địa lý lớp 9 tái bản lần thứ 9 vào tháng 3.2014 đều lạc hậu so với hiện tại. Chẳng hạn bài Dân số và gia tăng dân số vẫn giữ dân số nước ta 79,7 triệu người trong lúc hiện nay dân số nước ta đã 90 triệu người. Các số liệu của nền kinh tế nước ta trong chương trình địa lý lớp 9 như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp… đều từ năm 2002.

Tương tự, SGK Địa lý lớp 12 tái bản lần thứ 6 vào tháng 6.2014 nội dung về đô thị và dân số đô thị phân theo vùng cho biết cả nước có 689 đô thị với 38 thành phố, 58 thị xã và 597 thị trấn. Trong lúc đó, theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12.2013, cả nước có 770 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại 1, 10 đô thị loại 2, 52 đô thị loại 3, 63 đô thị loại 4 và còn lại là các đô thị loại 5.

 

Không chính xác về mức thu nhập

Bài Thực hành – Bài tập tình huống về thu, chi trong gia đình SGK môn công nghệ lớp 6 tái bản tháng 3.2014 đưa thông tin: Gia đình em có 6 người, sống ở thành phố. Ông nội công tác ở cơ quan nhà nước lương tháng 900.000 đồng, bà nội đã nghỉ hưu với mức lương 350.000 đồng/tháng. Mục chi tiêu hợp lý ở thành thị: thu nhập một tháng của gia đình 4 người là 1,5 triệu đồng. Chi tiền ăn uống 800.000 đồng; tiền nhà, điện, nước… 200.000 đồng; tiền xăng xe đi lại 50.000 đồng; chi khác 15.000 đồng và tiết kiệm 100.000 đồng (trang 130). Bố là công nhân nhà máy lương 1 triệu đồng/tháng, mẹ là giáo viên có mức lương tháng là 800.000 đồng (trang 134). Gia đình em có 4 người sống ở thành phố, mức thu nhập một tháng 2 triệu đồng và mỗi tháng phải tiết kiệm ít nhất 100.000 đồng (trang 135).

Bài 15 Làm đất và bón phân lót trong SGK môn công nghệ lớp 7 tái bản tháng 3.2014 có 3 hình ảnh minh họa vô cùng lạc hậu. Hai hình chụp cảnh người đàn ông đội nón cối đi sau con trâu để cày đất bằng cày chìa vôi và bừa đất bằng cái bừa tre. Hình khác vẽ một người nông dân đập đất bằng chiếc vồ có cán tre hoặc gỗ. Những hình ảnh này hiện nay không còn thấy ở nông thôn VN.

Đình Tuấn

 

 

Ý kiến

Thấy ba em làm khác

Ở nhà, em thấy ba dùng một số đồ điện khác hoàn toàn so với những đồ vật chúng em học trên lớp. Chẳng hạn, ba dùng bảng điện bằng nhựa có sẵn rất nhiều lỗ gắn công tắc hoặc cầu chì. Nếu cần, ba chỉ dùng mũi nhọn chọc các lỗ có sẵn để luồn dây điện loại lớn. Vậy mà đến khi học môn công nghệ chúng em phải chuẩn bị bảng điện bằng gỗ, rồi dùng khoan tạo lỗ, thô sơ và mất nhiều thời gian.

 N.H.THANH (Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Lãng phí thời gian

Không hứng thú và học chỉ để đối phó là tâm lý chung của HS chúng em khi học những kiến thức có phần xa lạ với thực tế cuộc sống. Lẽ ra, những môn được gọi là khoa học ứng dụng thì kiến thức, dụng cụ học tập, đồ dùng thí nghiệm phải gắn liền với đời sống. Nếu học những kiến thức, tiếp cận những đồ dùng lạc hậu có thể khi ra xã hội chúng em sẽ chệch choạc, thiếu tự tin. Như vậy có phải là lãng phí thời gian học tập của chúng em hay không?

(Một học sinh lớp 9, Trường THCS Diên Hồng, Q.10, TP.HCM)

B.THANH (ghi)

 

Bích Thanh – Đình Tuấn