10/01/2025

Chiến lược mở rộng vai trò an ninh của Nhật

Không chỉ nâng cao vai trò chỉ huy khi tập trận với Mỹ, Nhật còn đẩy mạnh khả năng phòng thủ tên lửa để ứng phó tình hình an ninh khu vực.

 

Chiến lược mở rộng vai trò an ninh của Nhật

 

 

Không chỉ nâng cao vai trò chỉ huy khi tập trận với Mỹ, Nhật còn đẩy mạnh khả năng phòng thủ tên lửa để ứng phó tình hình an ninh khu vực.

 

 Chiến lươc mở rông vai trò an ninh của Nhật
Các tàu chiến Mỹ và Nhật trong cuộc tập trận Keen Sword 2014 – Ảnh: US Navy 

 

Ngày 19.11, các lực lượng Mỹ và Nhật kết thúc cuộc tập trận chung mang tên Keen Sword (tạm dịch: Lợi kiếm) kéo dài 8 ngày tại vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông vài trăm kilomet.

Tham gia tập trận có 30.000 quân nhân Nhật và 11.000 binh sĩ Mỹ cùng 19 tàu chiến và 7 máy bay. Trong đó có nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington, vốn được xem là đại diện cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở tây Thái Bình Dương và chiến đấu cơ tàng hình tối tân của không quân Mỹ F-22. Trong cuộc tập trận, các tàu và máy bay này đã lập thành đội hình, phô diễn sức mạnh trên không và trên biển, theo website của hải quân Mỹ.

Keen Sword là cuộc tập trận chung Mỹ – Nhật lớn nhất được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 1986, với mục tiêu nâng cao tính sẵn sàng tác chiến và phối hợp giữa các lực lượng hai bên. Dù Lực lượng phòng vệ Nhật (JSDF) từ lâu đã giữ một số vị trí chỉ huy trong Keen Sword, nhưng giới chức Mỹ khẳng định đây là lần đầu tiên một sĩ quan Nhật giữ vai trò chỉ huy tác chiến trên biển trong các tình huống bất ngờ của Keen Sword, theo tờ Stars and Stripes.

Không phụ thuộc Mỹ

Vị sĩ quan Nhật đóng vai trò chỉ huy tác chiến trên biển nói trên là chuẩn Đô đốc Hidetoshi Iwasaki, chỉ huy hạm đội hộ tống của JSDF. Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho hay sự kiện này đánh dấu vai trò nổi bật của ông Iwasaki so với những người tiền nhiệm trong các cuộc tập trận Keen Sword trước đó. Nhiệm vụ chính của ông Iwasaki trong Keen Sword là bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington từ các mối đe dọa dưới và trên mặt biển.

“Đây là một chiến dịch phức tạp và lớn nhất từ trước tới nay mà trong đó một sĩ quan Nhật làm chỉ huy tác chiến trên biển”, Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington, chuẩn Đô đốc John Alexander khẳng định với Reuters.

Ông Alexander nói rõ với vai trò chỉ huy, ông Iwasaki điều phối các tàu di chuyển trong môi trường tác chiến để theo dõi đối phương và bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington. “Điều quan trọng là chúng ta có thể làm việc cùng nhau về khả năng kiểm soát chỉ huy như lần này và phối hợp các chiến thuật, kỹ thuật và phương thức với nhau”, chuẩn Đô đốc Alexander nhấn mạnh trong một bài viết về Keen Sword đăng trên website của hải quân Mỹ.

 

Thủ tướng Nhật Abe – Ảnh: AFP

Ông Alexander còn đánh giá rằng binh sĩ của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật (JMSDF) là những người có khả năng thật sự và khẳng định cuộc tập trận Keen Sword cho thấy hai bên phối hợp với nhau một cách nhanh chóng trong lúc huấn luyện và điều này sẽ giúp họ cùng nhau ứng phó tốt hơn những tình huống khẩn cấp.

Stars and Stripes nhận định rằng vai trò nổi trội của JSDF trong cuộc tập trận Keen Sword 2014 phản ánh tham vọng của chính phủ Nhật muốn có vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh của thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy Nhật không còn muốn quá phụ thuộc vào Mỹ như trước đây. Tham gia Keen Sword lần này còn có tàu đổ bộ USS Germantown, Tiểu đoàn đổ bộ tấn công 2 và Sư đoàn thủy quân lục chiến 2 của Mỹ.

Theo website của hải quân Mỹ, mục tiêu tham gia của tàu USS Germantown là thực hành các chiến thuật, kỹ thuật và phương thức với Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản (JGSDF) để tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ và hỗ trợ Nhật xây dựng lực lượng đổ bộ.

Đại tá Yoshiyuki Goto thuộc JGSDF tiết lộ với giới hải quân Mỹ rằng trong năm tới, lực lượng này sẽ nhận tàu đổ bộ tấn công (AAV) và khi đó họ sẽ có khả năng thực hiện các chiến dịch trên bộ và biển cùng lúc. Những động thái của Nhật được cho là nằm trong kế hoạch lập một lực lượng đổ bộ giống thủy quân lục chiến của Mỹ, với khoảng 3.000 binh sĩ và 52 chiếc AAV, theo Stars and Stripes.

Năng lực tấn công phủ đầu

Ngoài việc phát triển lực lượng đổ bộ nhằm bảo vệ các đảo hẻo lánh, chính phủ Nhật đang xúc tiến kế hoạch mở rộng vai trò bảo vệ đồng minh. Dự kiến chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ trình quốc hội dự luật liên quan đến việc diễn giải lại hiến pháp theo hướng cho phép nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Nếu dự luật được thông qua, JSDF có thể bảo vệ đồng minh trong trường hợp quốc gia đồng minh bị kẻ thù chung tấn công. Để thực hiện sứ mệnh này, Nhật đang tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và tấn công phủ đầu có giới hạn.

 

Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc đang tranh chap với Nhật – Ảnh: AFP

Theo tuần báo Defense News, Bộ Quốc phòng Nhật đang nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa bằng cách trang bị thêm tàu sở hữu hệ thống Aegis và nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3.

Tờ báo Mỹ trích lại nội dung chương trình quốc phòng 5 năm được Tokyo công bố hồi tháng 12.2013 cho hay JMSDF sẽ mua 2 tàu khu trục lớp Atago được trang bị hệ thống Aegis trong năm 2015 và 2016. Vũ khí lợi hại của tàu lớp Atago sẽ là tên lửa SM-3 Block IIA, với tầm hoạt động 2.500 km và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

“Tên lửa SM-3 Block IIA sẽ có khả năng không chỉ ứng phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên mà còn có thể ứng phó tên lửa từ Trung Quốc”, Giám đốc Chương trình nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Narushige Michishita nhận định với Defense News.

Còn Lực lượng phòng vệ trên không Nhật (JASDF) sẽ nâng cấp 2 trong số 6 khẩu đội PAC-3. Ngoài ra, theo Defense News, Bộ Quốc phòng Nhật có thể sẽ xem xét bổ sung tầng đánh chặn tên lửa nằm giữa các tàu Aegis (tiêu diệt mục tiêu tầm ngắn) và hệ thống PAC-3 (tiêu diệt mục tiêu tầm xa).

Chuyên gia Michishita cho rằng nếu cần phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa 3 tầng, Nhật có thể chọn mua hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung hiện đại thế giới THAAD do Mỹ sản xuất. Sau khi có được hệ thống phòng thủ tên lửa vững chắc và nhận được 42 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng 3 máy bay tiếp liệu, Nhật có thể đạt khả năng tấn công phủ đầu có giới hạn, theo Defense News.

Hiện các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ đang lo ngại mối đe dọa tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm của Trung Quốc như DF-21D, vốn được xem là sát thủ tàu sân bay. Tuy nhiên, F-35 sẽ nâng cao khả năng phòng thủ của Nhật, để trong trường hợp bị tấn công không cần phải chờ đợi Mỹ tiếp viện và có thể tiến hành cuộc tấn công phủ đầu vào các vị trí phóng tên lửa của đối phương.

 Văn Khoa