08/01/2025

Quốc hội tranh luận về quyền của Thủ tướng

Thảo luận về dự án luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu QH hôm qua đã tranh luận khá sôi nổi về một số vấn đề lớn như tăng thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

 

Quốc hội tranh luận về quyền của Thủ tướng

 

 

Thảo luận về dự án luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu QH hôm qua đã tranh luận khá sôi nổi về một số vấn đề lớn như tăng thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

 

 

Quốc hội tranh luận về quyền của Thủ tướng
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường – Ảnh: Ngọc Thắng

 

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng thời gian qua, trong việc điều hành kinh tế – xã hội, có một số vấn đề các bộ không phối hợp được với nhau, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, khiến công việc bị giải quyết chậm và kém hiệu quả. “Ở đây, theo tôi, có vấn đề về trách nhiệm giải quyết của Chính phủ”, ĐB An nói và kiến nghị: “Cần tăng quyền cho Thủ tướng để trên thực tế điều hành, có những lĩnh vực, nảy sinh những vấn đề gay cấn, chồng chéo giữa các bộ thì Thủ tướng cần phải có ý kiến, để chịu trách nhiệm trước dân và Đảng”.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) tỏ ý đồng tình: “Cần có quy định bổ sung giúp Thủ tướng lãnh đạo thống nhất, thông suốt, nhất là quyền quyết về nhân sự ở các cấp hành chính bên dưới”. “Điều này sẽ giúp củng cố kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính”, ông Khánh nhấn mạnh.

 

 

Dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng quá dài, quá chi tiết. Đó là chưa kể, những chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng còn quy định nằm rải rác trong các luật từ luật Chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành. Thành ra hiện nay, ở dưới cái gì khó cũng đẩy lên Thủ tướng. Nên cân đối, sắp xếp lại

 

ĐB Trần Quốc Khánh (Hà Nội)

 

 

“Ở dưới cái gì khó cũng đẩy lên”

Trong khi đó, một số ĐB khác lại cho rằng dự án luật đã giao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho Thủ tướng, không nên giao thêm.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nói: “Tôi đọc thấy có tới 4 trang quy định nhiệm vụ của Thủ tướng. Có những quy định còn giao cụ thể Thủ tướng có quyền phê duyệt cả việc thành lập trường đại học”. “Hiện nay, để ra một trường đại học, đã có 5 – 6 bộ chuẩn bị, có ý kiến, rồi lại phải để Thủ tướng ký nữa, mất 3 năm mới ra được một trường. Cho nên, tôi rất đắn đo khi luật giao nhiều nhiệm vụ thế này. Vì như thế, Thủ tướng sẽ không làm được nhiều việc lớn”, ông Khiết băn khoăn.

ĐB Trần Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng: “Dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng quá dài, quá chi tiết. Đó là chưa kể, những chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng còn quy định nằm rải rác trong các luật từ luật Chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành. Thành ra hiện nay, ở dưới cái gì khó cũng đẩy lên Thủ tướng. Nên cân đối, sắp xếp lại”.

Giảm đầu mối cơ quan chính phủ

Một số ĐB đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, giảm số đầu mối cơ quan chính phủ.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nói: “Tôi đề nghị hết sức cân nhắc đưa các đơn vị dịch vụ công vào bộ máy chính phủ vì dễ dẫn tới chồng chéo với cơ quan các bộ, ngành. Có những đơn vị như trường đại học không phải cơ quan quản lý, đưa vào chỉ tạo thêm nhiều đầu mối cho Chính phủ”.

Cùng quan điểm này, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng: “Các trường đại học, các viện nghiên cứu là cơ quan dịch vụ công, không phải cơ quan quản lý nhà nước, cần tách ra để tính sáng tạo, độc lập cao không nên đưa vào bộ máy chính phủ”. Ông đề nghị xem xét, tổ chức lại các cơ quan thuộc Chính phủ cho gọn nhẹ. “Ví dụ như Văn phòng Chính phủ, người ta nói đó là cơ quan siêu bộ, khi lên làm việc, tôi cũng có cảm giác như vậy vì có những việc, các bộ thẩm định rồi, lên Văn phòng Chính phủ lại phải thẩm định lần nữa. Chỉ nên coi đây là cơ quan giúp việc, tổ chức cho gọn nhẹ”, ĐB Thạch nêu ý kiến. Nhiều ĐB khác cũng đồng tình, đề nghị chỉ ghi chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chứ không ghi chức danh bộ trưởng cho vị trí này.

Một số ĐB cũng đề nghị xem lại các tổ chức bộ đa ngành, tổng hợp trong khóa Chính phủ sau.

 

Nhà nước định giá một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu

Đây là một trong những nội dung của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng VN được QH thông qua sáng qua (21.11).

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng vị thế độc quyền nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, luật đã được chỉnh lý theo hướng nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do DN quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của DN. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và DN.

QH cũng đề nghị Chính phủ rà soát các nghị định hiện hành để quy định cho phù hợp, bảo đảm việc giao các DN được kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay theo nguyên tắc đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh để thực hiện quyền bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015.

Trường Sơn

 

 

Khoảng trống pháp lý về quản lý vốn nhà nước

ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) tỏ ý ngạc nhiên khi dự án luật bỏ quy định về chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (CSHVNN) với các bộ, cơ quan ngang bộ. “Bỏ chức năng này rồi nhưng cũng phải nghiên cứu, quy định về đại diện CSHVNN trong luật nào chứ? Tôi không tìm thấy trong dự án luật Doanh nghiệp hay luật Đầu tư (sửa đổi). Rất nên tách chức năng đại diện CSHVNN nhưng cũng cần phải có mô hình hợp lý”, ông Lợi nói. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình: “Điều này rất quan trọng, phải làm rõ ngay trong luật này”.

ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) nêu vấn đề: “Nếu chúng ta đưa luật Tổ chức Chính phủ vào thi hành mà chưa xây dựng được mô hình cơ quan đại diện CSHVNN tại doanh nghiệp tức là luật cũ đã bỏ đi, luật mới lại chưa quy định thì đây có phải là một khoảng trống pháp lý không?”, rồi ông tự trả lời: “Đó là khoảng cách lớn. Do đó, QH nên có nghị quyết về đại diện CSHVNN ngay tại kỳ họp này”.

 

Mạnh Quân