28/11/2024

Mặc định tín nhiệm trước khi bỏ phiếu?

Việc lấy phiếu nên được thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ và chỉ nên có 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

 

Mặc định tín nhiệm trước khi bỏ phiếu?

 

 

Việc lấy phiếu nên được thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ và chỉ nên có 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

 

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đó là quan điểm của phần lớn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận chiều qua (20.11) về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

2 năm là đủ để lấy phiếu

 

 
 

Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà QH lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?

 

ĐB Lê Thị Nga

 

 

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc chỉ lấy phiếu một lần trong nhiệm kỳ do thời gian 2 năm không đủ để đánh giá. Theo ĐB Hà, qua thực tiễn hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, thời gian cách nhau chỉ một năm, nhưng sự chuyển biến của các chức danh được lấy phiếu là rất rõ nét, được các ĐB và cử tri cả nước ghi nhận. Rất đông cử tri đề nghị trong mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu 2 lần vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. “Quãng thời gian 2 năm là đủ để các đối tượng được lấy phiếu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác”, ĐB Hà nói.

Cũng theo ĐB Hà, việc lấy phiếu lần 2 cũng là phục vụ cho ĐH Đảng các cấp. Do đó, đây là một kênh quan trọng để cấp ủy đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. ĐB Hà khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm lần 2 tương tự như việc tái giám sát sau lần thứ nhất để xem các đối tượng đã chuyển biến và tiếp thu đến đâu.

Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), dự thảo vẫn giữ nguyên 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” là chưa phù hợp. Theo ĐB Nga, xuất phát từ bản chất “thăm dò mức độ tín nhiệm”, nên việc lấy phiếu phải nhằm trả lời các câu hỏi: Chức danh cụ thể đó có được QH tín nhiệm không? Nếu được tín nhiệm thì ở mức độ nào? Quy định 3 mức như trên đã dẫn đến việc chưa cần tiến hành lấy phiếu thì đã mặc định trước là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định cao, vừa, hay thấp mà thôi. “Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà QH lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?”, ĐB Nga nêu câu hỏi.

Cũng theo ĐB Nga, việc không quy định mức “không tín nhiệm” là vô hình trung đã hạn chế quyền của ĐB trong trường hợp ĐB không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của ĐBQH là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. “ĐB không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ”, ĐB Nga nói.

ĐB Nga cho rằng trong toàn bộ quy trình lấy phiếu đã có những giới hạn khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu (như các quy định về trên 2/3 số phiếu thấp hoặc 2 năm liên tiếp quá nửa số phiếu thấp và qua nhiều thủ tục xem xét của cơ quan có thẩm quyền…). Những quy định này đã giúp cho việc lấy phiếu tín nhiệm đáp ứng yêu cầu thực sự là một hình thức QH giám sát, nhắc nhở, cảnh báo để làm tốt hơn. ĐB Nga đề nghị sửa theo hướng giữ nguyên các giới hạn thận trọng như hiện hành và quy định 2 mức là: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Không chờ xem có từ chức hay không

Tương tự, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết nhiều cử tri cho rằng chỉ nên 2 mức để có cơ sở đánh giá chính xác cán bộ còn nếu để 3 mức như hiện nay rất khó. “Ví dụ một chức danh có 50% phiếu tín nhiệm cao, 0% tín nhiệm và 50% tín nhiệm thấp, một chức danh khác có 1/3 tín nhiệm cao, 1/3 tín nhiệm và 1/3 tín nhiệm thấp thì để so sánh đánh giá rất khó”, ĐB An nói.

Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), nhiều cử tri phản ánh kỳ họp thứ 7 QH đã quá vội vã đưa vào chương trình sửa Nghị quyết 35. “Sự vội vã này cho thấy QH dường như đã quá lo cho an toàn với những người được lấy phiếu. Giờ đã lấy phiếu 3 mức rồi nhưng lại quy định 3 năm một lần”, ĐB Dung nói. ĐB Dung ủng hộ việc lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ với 2 mức để đảm bảo minh bạch. Liên quan đến hệ quả đối với người có mức tín nhiệm thấp, ĐB Dung bày tỏ đồng tình với quan điểm của UBTVQH để cho các cá nhân này thực hiện văn hóa từ chức. “Nhưng nếu cá nhân người đó không từ chức thì QH nên đưa ra có bỏ phiếu tiếp tục không chứ không chờ để xem có từ chức hay không”, ĐB Dung nói.

 

Quốc hội thông qua cách tính lương hưu mới

Sáng 20.11, với 86,92% đại biểu tán thành, QH đã thông qua luật Tổ chức QH (sửa đổi) gồm 7 chương 102 điều.

Luật Tổ chức QH sửa đổi đã đưa vào quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH. Cụ thể, trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. ĐBQH có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của QH.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng được QH thông qua với 71,43% ĐB tán thành. Luật gồm 9 chương 125 điều. Theo đó, cách tính lương hưu hằng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1.1.2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương ứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Ngoài ra, mức bình quân lương hằng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành (1.7.2015 đến 31.12.2019); từ 1.1.2020 đến 31.12.2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1.1.2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Tuệ Nguyễn

 

 

Đề nghị không làm thay đổi nội dung đã lấy ý kiến ĐBQH

Theo ĐB Chu Sơn Hà, ngày 15.6, QH đã thảo luận rất kỹ về nội dung sửa đổi Nghị quyết 35 nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên xác định tiến hành thông qua bằng hai kỳ họp. Tại kỳ họp thứ 7, QH đã xin ý kiến ĐBQH về mức và thời gian lấy phiếu tín nhiệm đối tượng nhưng đến thời điểm hiện tại kết quả xin ý kiến như thế nào chưa được công bố. ĐB Hà đề nghị UBTVQH công bố kết quả này để các ĐBQH biết. Đối với những ý kiến khác nhau nên đưa vào dự thảo phương án 1, phương án 2… và xin ý kiến QH như cách làm các luật khác.

Căn cứ trên ý kiến các ĐBQH, ĐB Hà đề nghị điều chỉnh lại dự thảo nghị quyết “theo đúng tinh thần các ĐB đã phát biểu và theo số đông các ĐB”. ĐB Hà cũng đề nghị “các đồng chí thực hiện nhiệm vụ tiếp thu các dự án luật để thông qua QH xác định rõ trách nhiệm trước QH, tiếp thu một cách chính xác không làm thay đổi bản chất nội dung đã đưa ra lấy ý kiến ĐBQH và các vị ĐBQH đã thể hiện qua lá phiếu của mình để đảm bảo toàn quyền QH quyết định”. Theo ĐB Hà, những ý kiến cá nhân thấy cần phải xin ý kiến QH thì xin ý kiến QH một lần nữa chứ “không tự ý xác định các nội dung ngoài nội dung chính thức đã gửi ĐBQH xin ý kiến”.

 

Trường Sơn