Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: ‘QLTT đi kiểm tra bằng… miệng’
Sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tình trạng kém hiệu quả của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và quá trình “đổ bộ” ồ ạt của nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thị trường VN trong thời gian qua… là những vấn đề ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn trước QH.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: ‘QLTT đi kiểm tra bằng… miệng’
Sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tình trạng kém hiệu quả của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và quá trình “đổ bộ” ồ ạt của nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thị trường VN trong thời gian qua… là những vấn đề ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn trước QH.
“Có tình trạng tiêu cực, bao che sai phạm”
|
Trả lời ý kiến ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về một số mặt hàng VN sản xuất được nhưng bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập lậu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Báo cáo QH, đây là vấn đề nhức nhối, lực lượng QLTT có nhiều cố gắng nhưng chưa giải quyết được, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ, số vụ vi phạm thường năm sau vẫn cao hơn năm trước và vẫn đang diễn biến rất phức tạp”. “Tôi đã nhận trách nhiệm trong báo cáo kiểm điểm trước QH về vấn đề này”, ông thẳng thắn nói.
Theo Bộ trưởng Hoàng: “Thị trường VN có độ mở lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng là một xu thế. Đi cùng xu hướng đó, có nhiều phần tử làm ăn không đúng đắn trong và ngoài nước lợi dụng đưa hàng lậu, hàng giả vào thị trường VN. Do công tác đấu tranh của VN, QLTT về phương tiện vừa yếu vừa thiếu nên đấu tranh còn hiệu quả chưa cao”. Đồng thời, ông cũng thừa nhận: “Không loại trừ QLTT có tình trạng tiêu cực, làm không hết trách nhiệm, bao che sai phạm nên hiệu quả công tác này chưa cao. Hơn nữa, hoạt động phối hợp có nơi chưa đều, chưa nhất quán. Sự vào cuộc của các địa phương rất quan trọng, chúng tôi mong sắp tới nhận được nhiều hỗ trợ từ địa phương”.
Bộ trưởng Công thương bất ngờ nêu câu chuyện: “Do thiếu phương tiện, ví dụ đi kiểm tra phân bón vô cơ, có nơi QLTT đi kiểm tra bằng miệng, là hiện tượng có thật nên hiệu quả không cao”. ĐB Khá truy: “Bộ trưởng nói phải kiểm định phân bón bằng miệng. Thế thuốc trừ sâu phải kiểm định bằng gì?”. “Tôi nói thế là nói chúng ta thiếu thiết bị kiểm tra, không chỉ với phân bón vô cơ mà cả thực phẩm, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Hiện nay, ngân sách còn khó khăn, việc bổ sung thiết bị cho ngành QLTT còn phải từng bước”. Chưa dừng lại, ĐB Khá hỏi: “Bộ trưởng có thể cam kết giảm bao nhiêu phần trăm tỷ lệ hàng buôn lậu vào năm 2015?”. Bộ trưởng Hoàng nhũn nhặn: “Tôi chỉ dám nói sẽ hết sức cố gắng, nhưng không thể không cải thiện tình trạng này. Tôi tin với sự ra đời Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban vừa qua, công tác này sẽ từng bước có hiệu quả, chuyển biến mạnh”.
“Nhiều vấn đề Bộ trưởng chưa kiên quyết lắm”
|
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) đặt câu hỏi: “Chính phủ đã xác định CNHT là ngành mũi nhọn, nhưng vì sao nhiều năm qua chưa thấy đột phá nào?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đúng là CNHT thời gian qua có nhiều vấn đề, dù về chính sách chúng ta đã quan tâm. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về chính sách phát triển CNHT, sau đó có quyết định về 6 nhóm hàng hóa sử dụng sản phẩm CNHT: ô tô, hàng nhựa, sản phẩm cơ khí… Nhưng cấp độ pháp lý các chính sách này còn đang thấp, hiện nay còn chưa có nghị định”. “Rõ ràng chính sách chúng ta có nhưng chưa đầy đủ nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để phát triển ngành CNHT thì quy mô các ngành này phải lớn, có số lượng nhiều giá thành mới cạnh tranh được và sản xuất thuận lợi hơn. “Nhưng vừa qua, dung lượng thị trường không đủ như sản xuất ô tô, trong nước mới sản xuất được khoảng 70.000 xe nên khó có nhà sản xuất CNHT nào đáp ứng nhu cầu của hơn 10 nhà sản xuất trong nước với các yêu cầu khác nhau. Sản lượng phải 100.000 xe thì CNHT mới có hiệu quả”, ông nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận thực tế các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng doanh nghiệp vệ tinh có sẵn nên doanh nghiệp đi sau khó chen chân vào chuỗi cung ứng này. “Hơn nữa, chúng ta cũng thiếu rất nhiều nguồn nhân lực cho ngành CNHT”.
ĐB Đồng Hữu Mạo cho biết vừa qua ông chỉ ghi phiếu tín nhiệm cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở mức “tín nhiệm” vì thấy “nhiều vấn đề Bộ trưởng chưa kiên quyết lắm” và hỏi thẳng: “Bộ trưởng có nhận trách nhiệm một phần ở một số lĩnh vực như CNHT?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: “Chúng tôi có khẳng định trong tham mưu chính sách cho Chính phủ, QH, còn có những hạn chế trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”.
VN đủ sức xử lý việc bán lẻ nước ngoài xâm nhập Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM): “Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào VN mở rộng mạng lưới, tăng cường chuyển nhượng mua bán, sáp nhập. Như thế, hệ thống phân phối, thị trường bán lẻ VN sẽ thế nào? Sẽ ảnh hưởng thế nào đến sản xuất trong nước?”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Thực tế, chúng ta đã mở cửa thị trường nhưng vẫn có lộ trình nhất định để doanh nghiệp có thời gian vươn lên, đứng vững để cạnh tranh”. Bộ trưởng dẫn số liệu: “Hiện cả nước có 900 cơ sở bán lẻ hiện đại, nước ngoài có 70 cơ sở thôi. VN cũng có nhiều cơ sở bán lẻ lớn, hiện đại của Hapro, Saigon Co.op… Tổng dung lượng bán lẻ năm 2013 là 2,7 triệu tỉ đồng, năm nay là 3 triệu tỉ đồng thì nước ngoài chỉ chiếm 3,4% trong khi 5 năm trước, tỷ trọng bán lẻ của DN nước ngoài khoảng 7 – 8%” và “chốt”: “Lo lắng bán lẻ nước ngoài xâm nhập sâu hơn là có nhưng kinh nghiệm những năm qua cho thấy, chúng ta có thể xử lý được”.
|
M.Q