23/01/2025

Giải mật học thuyết kamikaze kiểu Liên Xô

Trong Chiến tranh lạnh, hải quân Liên Xô từng lên kế hoạch triển khai 100 oanh tạc cơ tấn công phủ đầu đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

 

Giải mật học thuyết kamikaze kiểu Liên Xô

 

 

Trong Chiến tranh lạnh, hải quân Liên Xô từng lên kế hoạch triển khai 100 oanh tạc cơ tấn công phủ đầu đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

 


Máy bay Tu-16 K-10 của Liên Xô bay gần tàu sân bay Mỹ USS Ranger năm 1989 - Ảnh: US Navy 

Trường Chiến tranh hải quân Mỹ vừa tung ra hồ sơ dài 24 trang của cựu thiếu tá hải quân Liên Xô Maksim Y.Tokarev hé lộ nhiều chi tiết chưa từng biết về học thuyết tấn công đội tác chiến tàu sân bay Mỹ của Liên Xô. Trong đó, ông Tokarev viết:

“Không thể tạo ra một đội tàu sân bay cân xứng vì lý do kinh tế lẫn chính trị, hải quân Liên Xô buộc phải xây dựng một hệ thống ít nhất có thể ngăn chặn đội tác chiến tàu sân bay Mỹ tấn công những cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Thái Bình Dương nằm trên các bán đảo Kola, Kamchatka, đảo Sakhalin và bờ biển xung quanh Vladivostok. Phương hướng hợp lý duy nhất là tấn công phủ đầu sớm để gây tổn hại nặng đến mức nhóm tàu Mỹ không thể triển khai phi đội hoặc ít nhất là “chặt gãy cánh” các máy bay ném bom gắn bom nguyên tử của đối phương”.

Những oanh tạc cơ tiên phong

Theo ông Tokarev, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên bị xem là mối đe dọa thật sự đối với các mục tiêu trên bờ biển của Liên Xô vào năm 1954, khi giới tình báo xác nhận trên tàu có nhiều loại máy bay có thể triển khai bom hạt nhân. Từ đó, Moscow gấp rút phát triển vũ khí để đối phó nguy cơ này.

Điều đáng nói là vũ khí chống tàu sân bay đầu tiên được Liên Xô thử nghiệm lại là “hàng nhái” từ Mỹ: oanh tạc cơ chiến lược Tu-4 được xem là bản sao chi tiết của chiếc Boeing B-29 Supefortress. Sau đó, Liên Xô phát triển thêm phiên bản Tu-4KS có thể mang 2 tên lửa và được trang bị radar săn mục tiêu K-1M.

Sau Tu-4KS, Liên Xô phát triển loạt oanh tạc cơ thế hệ mới Tu-16 mà NATO gọi là dòng Badger (gồm Tu-16KS, Tu-16 K-10/16, Tu-16KSR, được hỗ trợ bởi máy bay trinh sát Tu-16R) và máy bay Tu-95KM được trang bị hệ thống trinh sát.

Tuy nhiên, theo thiếu tá Tokarev, 2 loại máy bay ném bom chiến lược này tương đối chậm và rõ ràng không phải là mục tiêu khó của các chiến đấu cơ Mỹ, có thể trở thành “mồi ngon” cho tên lửa không đối không AIM 7-Sparrow được phóng từ máy bay F-4 Phantom. Thậm chí nếu phi đội cảnh báo sớm E-2 và E-3 của Mỹ làm tốt nhiệm vụ của mình thì cả các tàu chiến cũng có thể bắn rụng máy bay Liên Xô.

Đến đầu thập niên 1970, sức mạnh của các đơn vị oanh tạc cơ của hải quân Nga được tăng cường đáng kể nhờ các máy bay ném bom siêu thanh Tu-22, Tu-22 M-2 và Tu-22 M-3 (NATO gọi là dòng Backfire) có vận tốc cao và được trang bị tốt.

Về lý thuyết và trong huấn luyện, Tu-22 có thể mang theo 3 tên lửa chống tàu Kh-22 (dài hơn 11 m và nặng gần 6 tấn), nhưng nhiều phi công khẳng định, trong điều kiện tác chiến thật, mỗi máy bay chỉ có thể mang một quả Kh-22 nếu không muốn bị hạn chế tốc độ và tầm hoạt động.

100 oanh tạc cơ chọi 1 tàu sân bay

Khi vừa được xây dựng vào thập niên 1950, học thuyết tấn công trực tiếp nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cho rằng chỉ cần khoảng 70 chiếc Tu-16 là đủ cho một hàng không mẫu hạm. Đến thập niên 1980, các chiến lược gia quân sự của Moscow quyết định cải tiến học thuyết và cho rằng cần tổng cộng 100 chiếc Tu-16 và Tu-22, trong đó có 70 – 80 chiếc mang tên lửa, để có thể “làm cỏ” 1 tàu sân bay Mỹ.

Mặt khác, sau khi theo dõi sát sao các cuộc tập trận Northern Wedding của NATO và Team Spirit giữa Mỹ và Hàn Quốc, giới tướng lĩnh Moscow rút ra kết luận rằng nếu xảy ra xung đột, họ có thể sẽ phải đối phó 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ nên cần tổng cộng 6 sư đoàn Tu-16 và Tu-22 sẵn sàng tác chiến ở miền bắc và bờ biển Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, hải quân Liên Xô khi đó chỉ có 4 sư đoàn kiểu này và cần bổ sung 2 sư đoàn từ không quân. Thách thức ở đây là các phi công của không quân bị cho là ngại bay ở vùng biển xa như phi đội hải quân và không tự tin vào khả năng dò đường của mình.

Phi trường của các đội oanh tạc cơ tấn công tàu sân bay thường cách tuyến bờ biển gần nhất không quá 300 km. Mỗi trung đoàn có 2 đường băng dài hơn 2.000 m để xuất kích và đội kỹ thuật tại phi trường có thể hỗ trợ 3 đợt xuất kích của toàn trung đoàn trong 36 giờ.

Theo hồ sơ của ông Tokarev, việc bảo trì tại bờ biển rất quan trọng vì bom và tên lửa phải được nạp nhiên liệu và gắn cho chiến đấu cơ một cách nhanh chóng trước khi cất cánh. Đặc biệt, trong lúc ở trên không, các chiến đấu cơ tuyệt đối không được liên lạc với nhau qua radio để tránh bị đối phương do thám.

Vì thế, các phi công phải nắm thật vững kế hoạch tác chiến và dữ liệu về mục tiêu ngay trước khi lên máy bay, mọi biến hóa trong trận chiến sẽ được thông báo từ tàu chiến nổi hoặc tàu ngầm thông qua đường truyền tín hiệu riêng.

Những cảm tử quân

Để xác định chính xác vị trí của tàu sân bay Mỹ, một nhóm đặc nhiệm tấn công (RUG) có thể được bổ sung cho phi đội tác chiến. Nhóm này gồm 2 máy bay trinh sát Tu-16 và 1 phi đội Tu-22. Theo đó, Tu-16 sẽ bay trước ở tầm rất thấp (không hơn 200 m) để xâm nhập vùng quét radar của nhóm tác chiến tàu sân bay địch trong khi Tu-22 bay cao hơn, phóng nhiều tên lửa để đánh lạc hướng máy bay cảnh báo sớm và máy bay tuần tra tác chiến Mỹ.

Sau khi vượt qua lưới lửa phòng vệ của địch và tiến sát hàng không mẫu hạm, 2 chiếc Tu-16 lập tức gửi vị trí chính xác của mục tiêu về sư đoàn qua radio. “Tất nhiên không ai có thể sống sót sau khi hoàn thành sứ mệnh. Đó là một cuộc tự sát 100%”, thiếu tá Tokarev nhận định.

Sau khi các máy bay thuộc RUG hoàn thành sứ mệnh và hy sinh anh dũng, đơn vị tấn công chính (UG) sẽ thực hiện đòn tiêu diệt quyết định bằng bom và tên lửa từ nhiều hướng và độ cao khác nhau. Toàn bộ quá trình không được kéo dài quá 2 phút, nếu không sẽ bị xem là thất bại. Ngoài ra, ít nhất phải có từ 3 đến 5 máy bay trong UG mang tên lửa đầu đạn hạt nhân.

Theo ước tính của các chuyên gia Liên Xô, phải mất 12 tên lửa mang đầu đạn thông thường mới có thể đánh chìm một tàu sân bay trong khi chỉ cần 1 hỏa tiễn hạt nhân là đủ. Tất nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp phòng ngừa vì nếu sử dụng đến tên lửa đầu đạn hạt nhân có thể dẫn tới một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với hậu quả không thể tưởng tượng. 

Mặt khác, bên cạnh tính chất tự sát của kế hoạch tác chiến thì hạn chế của các máy bay Liên Xô cũng có thể biến phi công trở thành những chiến binh cảm tử như các phi đội kamikaze của Nhật Bản hồi Thế chiến 2.

Thiếu tá Tokarev chỉ rõ máy bay Tu-4KS phải bay cách hàng không mẫu hạm địch chỉ 40 km hoặc gần hơn thì mới tấn công hiệu quả nên khả năng sống sót gần như bằng không trong khi Tu-16 và Tu-95 có hệ thống, cấu trúc vô cùng phức tạp khiến phi hành đoàn rất khó tự thoát thân khi gặp sự cố và chỉ còn con đường duy nhất là lao thẳng vào tàu địch.

Vì thế, hồ sơ của cựu sĩ quan này nhận định tỷ lệ tiêu hao sinh lực của hải quân Liên Xô trong một cuộc tấn công đầy đủ nhằm vào nhóm tàu sân bay của Mỹ là 50 – 70%. Tuy nhiên, theo kết luận của ông, học thuyết nói trên hiện đang được hải quân một số nước nghiên cứu cải thiện và có thể được áp dụng ứng phó các đội hàng không mẫu hạm hiện nay của Mỹ trong khu vực.

 

Không chừa đường lui

Trong học thuyết tấn công tàu sân bay Mỹ của Liên Xô, các đợt xuất kích được lên kế hoạch rất kỹ nhưng lại rất mơ hồ về chiến thuật rút lui cho phi công. Thiếu tá Tokarev minh họa cho tình trạng này bằng một giai thoại được giới phi công hải quân truyền tụng khá nhiều hồi giữa thập niên 1980. Theo đó, một binh sĩ trẻ hỏi một thiếu tá: “Ngài có thể cho biết tại sao chúng ta có kế hoạch bay chi tiết nhằm tấn công mục tiêu trên đại dương bao la, trong khi chỉ dành một tuyến đường đứt đoạn lại bay qua bầu trời Hokkaido đầy lính Mỹ và Nhật để rút lui hay không?”. Vị thiếu tá bình thản trả lời: “Con trai này, nếu nhóm của cậu có thể rút khỏi vòng chiến và tới được vùng trời Hokkaido thì đã là chuyện vĩ đại nhất mà cậu từng làm rồi đó”.

 

Văn Khoa