04/01/2025

Khi hiệu trưởng quyết định chương trình dạy học

Giáo viên không còn lo bài này dạy một tiết quá ít, bài kia có kiến thức trùng lặp nhưng lại phải “nhai lại”, khi hiệu trưởng được quyết định chương trình dạy học của từng môn.

 

Khi hiệu trưởng quyết định chương trình dạy học

 

Giáo viên không còn lo bài này dạy một tiết quá ít, bài kia có kiến thức trùng lặp nhưng lại phải “nhai lại”, khi hiệu trưởng được quyết định chương trình dạy học của từng môn. 

 

 

Một tiết học tiếng Anh ở Trường THCS thị trấn Neo (Bắc Giang) - Ảnh: Vĩnh Hà
Một tiết học tiếng Anh ở Trường THCS thị trấn Neo (Bắc Giang) – Ảnh: Vĩnh Hà

Đây là cách mà Bộ GD-ĐT “cởi trói” cho giáo viên trong bối cảnh chưa thể thay thế chương trình.

Bắc Giang là một trong những tỉnh chỉ đạo sát sao chương trình “chủ động triển khai kế hoạch dạy học” từ cấp sở đến các phòng giáo dục và từng nhà trường.

Để thay đổi sự trì trệ trong nhận thức của giáo viên, chúng tôi đã chỉ đạo khi đánh giá chuyên môn đối với giáo viên sẽ không xếp loại giờ dạy theo thang điểm mà theo mức độ nhận thức của học sinh, việc dự giờ không nhằm vào việc quan sát xem giáo viên làm gì mà xem học sinh học được cái gì
Ông Nguyễn Đức Hiền (giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang)

Dạy theo trình độ, bỏ kiến thức trùng lặp

Cô Đinh Thị Thu Huyền – phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, Bắc Giang – cho biết nhà trường bắt đầu triển khai đồng loạt từ đầu năm, giáo viên tự thiết kế kế hoạch dạy học của mình, thống nhất trong từng tổ bộ môn rồi trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt.

“Cách làm này giúp giáo viên lược bỏ những phần kiến thức trùng lặp hoặc đã học ở lớp dưới, linh hoạt co kéo thời lượng của mỗi bài học tùy theo yêu cầu. Theo đó, những bài học cần thiết có thể kéo dài hơn, nhưng có những bài có thể co bớt, dành thời gian cho học sinh luyện tập” – cô Huyền nói.

Việc “phá vỡ” một cách phân phối chương trình cứng nhắc và cuốn sách giáo khoa giống như pháp lệnh đã mở ra cơ hội ứng dụng nhiều phương pháp dạy học mới.

“Điều chúng tôi không ngờ là giáo viên làm được, học sinh cũng làm được. Có nhiều tiết học do học sinh trực tiếp chuẩn bị, thuyết trình được ứng dụng kiến thức liên môn. Học sinh tận dụng nilông bỏ đi tết thành túi, có giá trị sử dụng, giải pháp giải quyết rác thải gây ô nhiễm môi trường… được các em thực hiện một cách sáng tạo” – cô Huyền cho biết.

Trường THCS thị trấn Neo phân loại học sinh từ đầu năm học để áp dụng những kế hoạch dạy học khác nhau. Không phải phân loại theo kiểu hình thành lớp chọn, mà để sắp xếp trình độ học sinh hợp lý.

Theo đó, cùng một chủ đề nhưng có thể ở lớp A chỉ dạy ba tiết, lớp B lại dành đến bốn tiết. Kết quả cuối cùng là để học sinh cùng nắm được kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Những học sinh có trình độ tiếp thu tốt không phải mất nhiều thời gian nghe lại những kiến thức cũ mà được định hướng nâng cao, luyện tập.

Ngoài việc thiết kế lại chương trình dạy học, Trường Neo tổ chức nhiều câu lạc bộ không thu tiền nhằm mục đích cho học sinh “học mà chơi”, tham gia các hoạt động giáo dục bổ ích.

“Mỗi nhà trường, mỗi giáo viên tiếp nhận chủ trương này một mức độ khác nhau nhưng quan điểm của chúng tôi là triển khai đồng loạt tại 100% nhà trường, khuyến khích các trường chủ động hoàn toàn với kế hoạch dạy học, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT” – ông Nguyễn Văn Lượng, trưởng Phòng giáo dục huyện Nghĩa Dũng, nhận xét.

Đề xuất hướng dạy học sáng tạo

Tại Hà Nội, không nằm trong số trường thí điểm nhưng có những trường phổ thông đã thực hiện rất tốt chủ trương giao quyền chủ động về kế hoạch dạy học.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho chúng tôi xem chương trình dạy học được thiết kế mới của 13 môn học, cực kỳ chi tiết, khoa học.

“Chúng tôi chỉ thực hiện đúng tinh thần tại hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT ngày 25-6-2013 của Bộ GD-ĐT. Các tổ bộ môn phải ngồi với nhau trao đổi về từng chủ đề, từng bài học để xây dựng lại nội dung, kế hoạch dạy học. Có thể chỉ là điều chỉnh lại trình tự các chủ đề, bài học, tích hợp các chủ đề với nhau, có thể là lược bớt những kiến thức trùng lắp và đề xuất phương pháp tổ chức dạy học” – cô Nhiếp cho biết.

Trong 13 tập chương trình dạy học của Trường Phan Huy Chú đều có một mục riêng dành cho đề xuất phương pháp dạy học.

Có những bài học giáo viên đề xuất nhiều phương án tổ chức dạy học khác nhau, trong đó có các phương án “mở rộng không gian lớp học truyền thống”, dạy học qua di sản, qua thực tế, qua tổ chức hoạt động giáo dục…

“Những bài dạy tích hợp do giáo viên các tổ bộ môn thiết kế chung, những tiết học được tổ chức bằng các hoạt động ngoài trời, ban giám hiệu đều cân nhắc để quy đổi ra số tiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, cũng để khuyến khích giáo viên đổi mới sáng tạo. Đây là những việc đi kèm mà hiệu trưởng phải tính đến khi thí điểm việc chủ động xây dựng kế hoạch dạy học này” – cô Nhiếp nói.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc chủ động kế hoạch dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng cùng bàn bạc xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học là “luồng gió mới” làm lay động sự trì trệ ở nhiều nhà trường phổ thông.

“Vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên đã tạo điều kiện cho các nhà trường điều chỉnh cấu trúc nội dung trong chương trình giáo dục hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục và của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tăng cường năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật, khắc phục những hạn chế trong việc quản lý và thực hiện kế hoạch giáo dục, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá rập khuôn chương trình giáo dục trước đây” – ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, nói.

Thay đổi “lối mòn” nhận thức

Ông Chuẩn nhận xét: là chủ trương mới mẻ nên việc áp dụng còn nhiều khó khăn, chủ yếu là do năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vẫn còn hạn chế, chưa đủ “tự tin” để chủ động sáng tạo và linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục.

Thói quen “giảng bài” vẫn còn in đậm trong mỗi giáo viên, nên khi tổ chức dạy học vẫn không tránh khỏi đi theo lối truyền thụ một chiều.

Cũng chính vì điều đó mà một số giáo viên và cả cán bộ quản lý nhà trường còn dè dặt trong việc thay đổi cấu trúc sách giáo khoa, chưa mạnh dạn trong việc lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với việc vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đặc biệt chưa yên tâm khi giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập ở ngoài lớp học và ở nhà vì lo mình không giảng dạy theo kiểu cũ thì học sinh không học.

Một khó khăn nữa là giáo viên vẫn còn lúng túng trong việc vận dụng các hình thức, phương pháp tiên tiến trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Để “đồng hành” với đổi mới này, ông Chuẩn cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn một số nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn và tham gia diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; hướng dẫn phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng trong tổ chức dạy học/giáo dục, khuyến khích các nhà trường tham gia diễn đàn đổi mới sinh hoạt chuyên môn qua mạng.

Dạy học theo chủ đề

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Bộ GD-ĐT thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông bắt đầu từ năm học 2013-2014 ở tám trường gắn với các trường/khoa sư phạm, Viện Khoa học giáo dục.

Đến nay đã có thêm hàng chục trường ở nhiều tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Hà Nội, TP.HCM thực hiện thí điểm từng phần hoặc toàn bộ các hoạt động xây dựng chương trình nhà trường.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa.

Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp.

 

VĨNH HÀ