Thâm hụt ngân sách có thể lên tới 11,2% GDP
Dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN sau 9 tháng đầu năm 2014 đã tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên dưới góc nhìn của các chuyên gia thì vẫn còn rất thấp.
Thâm hụt ngân sách có thể lên tới 11,2% GDP
Dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN sau 9 tháng đầu năm 2014 đã tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên dưới góc nhìn của các chuyên gia thì vẫn còn rất thấp.
|
Bước tiến tốt nhưng còn rủi ro
Hội thảo “Kinh tế thế giới và VN: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” do VPBank và hãng tin Bloomberg tổ chức ngày 4.11 ở Hà Nội đã thu hút hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước tham dự.
|
Theo ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại VN và Lào, nền kinh tế VN còn nhiều bất ổn, song đã có sự thay đổi tích cực hơn trước. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được hồi phục. Ông Kalra đánh giá: “Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của VN đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro thì vẫn lớn. Nợ công của VN đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực DN nhà nước vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa”.
Mức tăng trưởng GDP khoảng 5,5 – 6% mà VN đang đạt được, theo ông Kalra là lớn nhưng chỉ đối với khu vực châu Âu và châu Mỹ, còn với VN thì tỷ lệ này lại khá thấp. “Do VN có tiềm năng tốt hơn rất nhiều, là một nền kinh tế có dân số trẻ nên tăng trưởng như vậy chưa tương xứng. VN đang ở trong vị thế của Nhật Bản hay Hàn Quốc cách đây 20 – 30 năm. Do đó thời gian tới hệ thống ngân hàng cần tài trợ tốt hơn cho các DN, VN cần mở rộng thương mại. Để cạnh tranh với các nước VN phải sử dụng nhiều hơn nguồn lực con người, tài nguyên”, ông Kalra khuyến cáo.
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc khối phân tích của Công ty chứng khoán VPBS cho rằng, điều đáng ngại hơn cả đối với VN là thâm hụt ngân sách đang tăng lên. Riêng trong quý 3/2014 là 132.000 tỉ đồng, thâm hụt khoảng 4,94% GDP. Con số này – theo ông Barry Weisblatt – giảm so với trước nhưng điều đáng nói là Chính phủ chưa công bố thông tin về chi tiêu ngoài ngân sách trong quý 3, bao gồm chi tiêu trả lợi tức cho trái phiếu chính phủ phát hành trong năm và các khoản cho vay về rồi cho vay lại. Với mục tiêu thâm hụt 5,3% GDP như Quốc hội giao hiện nay, báo cáo của ông Weisblatt nêu rõ: “Chúng tôi ước tính rằng đến hết tháng 6.2014, nếu bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách này thì thâm hụt ngân sách có thể tăng lên đến 11,2% GDP”.
DN tư nhân bị lép vế
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng nền kinh tế vừa trải qua một giai đoạn khó khăn nên mọi việc trước mắt cũng không hề dễ dàng. “Sự phục hồi của nền kinh tế còn rất mong manh. Ví như nói tăng trưởng ở khu vực công nghiệp đã tốt hơn, nhưng ai là người đóng góp cho điều đó? Nói về tăng trưởng xuất khẩu cũng thế, lực lượng nào đóng góp nhiều nhất? Vẫn là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như vậy có nghĩa khu vực DN nội địa vẫn yếu”, ông Thiên nói.
Cũng theo chuyên gia này, sắp tới cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích DN nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào những DN nước ngoài như hiện nay.
“30 năm đổi mới công nghiệp của VN vẫn là đẳng cấp thuộc loại thấp nhất thế giới. Vẫn khai thác tài nguyên, vẫn gia công, lắp ráp. Phải chuyển đổi tư duy phát triển đi theo thế giới. Để làm được việc đó, điểm then chốt phải tôn trọng thị trường, để làm sao có sự phân bổ nguồn lực tốt. Bây giờ cạnh tranh khu vực tư nhân luôn bị lép vé, môi trường thể chế tư nhân bị đối xử thì làm sao tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, có giá thị trường theo đúng nghĩa mà Thủ tướng đã nói”, TS Trần Đình Thiên nói.
Chia sẻ nỗi lo lắng này, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng việc cần làm trước tiên là rà soát lại đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất – kinh doanh.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn Tại hội thảo công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) VN – dự án do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), phối hợp với Tổng cục Thống kê và Trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện hôm qua (4.11), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, kết quả của cuộc điều tra tại 2.500 DN ở 12 tỉnh, thành năm 2013 theo dự án này cho thấy tình hình rất khó khăn của các DNVVN VN. “Kết quả nghiên cứu cho thấy số DN rút khỏi thị trường có tỷ lệ cao hơn trước, quy mô và năng suất lao động đều giảm dần… Một loạt các chỉ số khác như số lao động làm việc trong các DN lớn giảm, tỷ lệ đầu tư của các DN giảm, số DN có hoạt động đa dạng hóa sản phẩm, tính phát triển của DN đều giảm so trước. Tình hình cho thấy các DNVVN trong 2 năm có xu hướng xấu hơn so với các năm 2009 – 2011”, ông Cung nói. GS John Rand – ĐH Copenhagen, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết 92% số DN được dự án điều tra từ năm 2011 vẫn còn tồn tại cho đến năm 2013 nhưng đã có trên 430 DN không còn tồn tại. “Đáng chú ý là các DN siêu nhỏ, dạng hộ gia đình đóng cửa trong năm 2013 đã nhiều hơn”, GS John Rand nói. “Khảo sát của chúng tôi cho thấy, 95% DN siêu nhỏ từ năm 2011 sang đến năm 2013 vẫn là siêu nhỏ. Ngành nghề kinh doanh của các DN siêu nhỏ không được cải thiện. Trong khi đó, với số DN nhỏ khảo sát năm 2011, qua đến năm 2013 thì vẫn có 71,6% DN trong số đó giữ nguyên quy mô nhỏ, chỉ 2,2% DN trở thành DN lớn và 2,6% DN từ nhỏ lùi thành DN siêu nhỏ. Đây là sự thay đổi đi xuống”, GS John Rand nói thêm. Theo TS Nguyễn Đình Cung, mặc dù có những khó khăn do tác động khủng hoảng bên ngoài nhưng sự yếu kém của khu vực DNVVN có những nguyên nhân từ những khó khăn bên trong: những cản trở gia nhập thị trường của DN từ bộ máy hành chính nhà nước, thiếu vắng các chính sách tạo điều kiện, cơ hội cho DNVVN phát triển. Hà Nguyễn
|
Anh Vũ