Gánh nặng tự tử

Một trường hợp tự tử nặng, điều trị khoảng 10 ngày tốn hơn 20 triệu đồng, thậm chí trường hợp nặng tốn gần 100 triệu đồng.

 

Gánh nặng tự tử

Một trường hợp tự tử nặng, điều trị khoảng 10 ngày tốn hơn 20 triệu đồng, thậm chí trường hợp nặng tốn gần 100 triệu đồng. 

 


 

 

Một bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - Ảnh: T.Lũy
Một bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – Ảnh: T.Lũy

 Chỉ vì một lý do buồn phiền, bế tắc trong cuộc sống nhưng không được khuyên giải kịp thời, nhiều người tự tìm đến cái chết để rồi sau đó là một chuỗi dài của việc đấu tranh giành giật sự sống cho họ của y bác sĩ ở bệnh viện.

Đó là chưa kể sự đau khổ, tốn kém của gia đình cũng như sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề.

Nỗi đau và ám ảnh

Hà Nội: lo ngại tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat

Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hằng năm ít nhất có khoảng 50 người nhập viện vì uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử.

Theo các bác sĩ, tự tử bằng Paraquat rất đáng lo ngại do tỉ lệ tử vong rất cao, lên đến 70-90%.

Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất cao, riêng chi phí lọc máu có thể lên đến 100 triệu đồng và hằng năm sau khi được cứu sống, người bị ngộ độc Paraquat vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

L.ANH

Các bác sĩ và điều dưỡng ở khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết họ thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc các loại thuốc do tự tử đến cấp cứu.

Theo bác sĩ Dương Thiện Phước – trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc , dù hiện nay tình trạng tự tử bằng thuốc diệt sâu, rầy, diệt cỏ… có giảm nhưng vẫn là vấn đề rất đáng lưu tâm, vì xảy ra phần lớn ở độ tuổi quá trẻ hay tuổi trung niên, những người hoàn toàn khỏe mạnh.

Chúng tôi gặp em V.T.C.T. (15 tuổi, ngụ Trà Vinh) đang điều trị tại khoa nói trên. Ánh mắt em khá rụt rè, khi có người lạ nhìn T. lấy khăn trùm kín đầu. Mấy cô điều dưỡng cho biết T. nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ và thuốc tây. 

Đi theo nuôi T., ông V.V.C. buồn bã kể: “Tui và mẹ nó quanh năm đi làm thuê, kiếm tiền nuôi mấy chị em. Mấy tháng nay mẹ nó dẫn đứa chị đi làm thuê cho trang trại gà ở xa để có tiền gửi về nhà.

Còn tui đi làm gần vì phải lo cho con gái đầu bị bệnh và cháu ngoại ở nhà nữa. T. học đến lớp 8 nhưng năm nay mới nghỉ học vì nói học không theo nổi bạn. T. ở nhà đi chơi, tụ tập bạn bè gì đó bị bà nội la rầy mấy tiếng đã đi tìm chai thuốc diệt cỏ uống”.

Ông C. than từ hôm vào bệnh viện cấp cứu năm ngày ở Trà Vinh, rồi chuyển qua đây tốn hết mấy triệu đồng rồi.

Bác sĩ Dương Thiện Phước chia sẻ do phải tập trung cứu chữa bệnh nhân nên ông và các thầy thuốc ở đây không có thời gian tìm hiểu tâm lý các trường hợp này.

“Gia đình họ chỉ nêu chung chung là buồn chuyện gia đình, giận cha mẹ, giận vợ chồng, bế tắc chuyện làm ăn… Tôi nhớ có lần tiếp nhận một cô bé vì bị cha la rầy mà uống nước tẩy rửa nhà vệ sinh. Mặc dù đã được cấp cứu sớm nhưng sau hơn 10 ngày ở bệnh viện, tốn kém nhiều chi phí, bệnh nhân đã tử vong vì chất tẩy rửa có axit mạnh làm tổn thương và phá hủy nhiều bộ phận trong cơ thể. Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi nỗi đau và sự dằn vặt của người cha rằng phải chi ông ngăn được con làm chuyện dại dột” – bác sĩ Phước kể.

Tổn hại nặng về sức khỏe, tiền bạc

Theo Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, trong năm 2013 bệnh viện tiếp nhận 650 trường hợp tự tử, trong đó 634 người được cứu sống. Người tự tử chủ yếu dùng thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, thuốc khai hoang, chất tẩy rửa và thuốc tây.

Trong chín tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận 416 trường hợp, cứu sống 406 trường hợp.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, trong năm 2013 tiếp nhận 339 ca tự tử, chín tháng đầu năm 2014 có 246 người tự tử vào cấp cứu.

Theo khảo sát tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này, từ tháng 10-2013 đến tháng 10-2014 tại đây tiếp nhận 80 trường hợp tự tử ngộ độc nặng. Trong đó có 13 người tử vong do phần lớn uống thuốc diệt cỏ Paraquat.

Theo bác sĩ Phước, trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay một số loại khác, khi vào bệnh viện đầu tiên bác sĩ phải tìm cách ổn định hô hấp, tuần hoàn cho bệnh nhân. Dùng phương pháp loại trừ độc chất, rửa dạ dày.

Trong phác đồ điều trị các trường hợp này, quan trọng nhất là gia đình phải đem đến hoặc cho bác sĩ biết loại thuốc nào bệnh nhân đã uống để dùng chất kháng độc phù hợp. 

Bác sĩ Phước cho biết hiện đã có nhiều tiến bộ trong điều trị các trường hợp ngộ độc nên nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm, chưa có biểu hiện suy hô hấp, tuần hoàn thì đều cứu sống được.

Tuy nhiên, việc chữa trị rất tốn kém tiền bạc và mất nhiều thời gian. Cụ thể, một trường hợp tự tử nặng, khoảng 10 ngày điều trị (nếu chưa kèm theo nhiễm trùng nào khác) thì gia đình phải mất hơn 20 triệu đồng chi phí, thậm chí trường hợp nặng tốn gần 100 triệu đồng nhưng sau đó bệnh nhân vẫn tử vong. 

Bác sĩ Phước nhấn mạnh hậu quả để lại đằng sau một trường hợp tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, nếu may mắn được cứu sống, nạn nhân ngộ độc nặng có thể bị tổn thương não, sống đời thực vật; hoặc tổn thương đa cơ quan, quá trình thở máy kéo dài sẽ làm bệnh nhân nhiễm viêm phổi bệnh viện, bị sẹo phổi… điều trị rất tốn kém, kéo dài làm sức khỏe suy giảm.

Bác sĩ Phan Thị Phụng, khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết trường hợp ngộ độc Paraquat nếu sống thì nhiều tháng sau đó vẫn có thể bị xơ phổi và chết…

Bác sĩ chỉ tập trung lo chuyên môn

Bác sĩ Phan Thị Phụng tâm sự nhiều năm làm khoa này, bà luôn băn khoăn làm sao giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội bằng cách giảm số trường hợp tự tử. “Phần lớn người tự tử ở nông thôn, lý do tìm đến cái chết là nghèo khổ, nợ nần, giận gia đình hay có vấn đề về tâm lý…

Trong khi đó, điều trị cho các trường hợp tự tử, bác sĩ chúng tôi phần lớn chỉ chú tâm làm công việc chuyên môn, có một vài câu an ủi khi xuất viện, trừ những trường hợp người bệnh có bệnh lý thần kinh thì lưu ý gia đình đi điều trị…, còn lại không có cơ quan, ban ngành nào theo dõi, giúp đỡ, động viên các trường hợp này khi họ trở về cuộc sống” – bác sĩ Phụng trăn trở.

Theo bác sĩ Dương Thiện Phước, các trường hợp tự tử đều có ít nhiều vấn đề về tâm lý nên họ dễ bị kích động, dễ bị sốc, vì vậy cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện nay quá dễ dãi, ai cũng có thể mua thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu…

THÁI LŨY