02/01/2025

Cháy mãi ngọn lửa “Ước mơ của Thuý”

“Ước mơ của Thuý” – đứa con tinh thần của cô gái kiên cường – ngày càng lớn mạnh, cứng cáp khi bước vào tuổi thứ 7. Đó là nhờ sự nuôi dưỡng, chăm sóc bởi hàng vạn bàn tay tình nguyện viên, mạnh thường quân, sự quan tâm của hàng triệu tấm lòng tiếp nối.

 

Cháy mãi ngọn lửa “Ước mơ của Thuý”

“Ước mơ của Thuý” – đứa con tinh thần của cô gái kiên cường – ngày càng lớn mạnh, cứng cáp khi bước vào tuổi thứ 7. 

Các tình nguyện viên và bạn trẻ tham dự chương trình cắm hoa hướng dương tại cánh đồng hoa hướng dương và bàn tay tại ngày hội Hoa hướng dương sáng 2-11 ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Các tình nguyện viên và bạn trẻ tham dự chương trình cắm hoa hướng dương tại cánh đồng hoa hướng dương và bàn tay tại ngày hội Hoa hướng dương sáng 2-11 ở TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Đó là nhờ sự nuôi dưỡng, chăm sóc bởi hàng vạn bàn tay tình nguyện viên, mạnh thường quân, sự quan tâm của hàng triệu tấm lòng tiếp nối.

Sáng 2-11, hàng ngàn bạn trẻ rủ nhau đến Nhà văn hoá Thanh niên (Q.1, TP.HCM) đón một mùa hướng dương nữa lại về. Trong khi đó tại Hà Nội, khoảng 3.000 người dân và sinh viên đã đến tham dự ngày hội.

Tình yêu bền chặt

Những công việc mà “Ước mơ của Thúy” đang thực hiện đã hỗ trợ rất nhiều về tinh thần, để bệnh nhi có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật. Hãy xua tan đi những tinh cầu thương đau!
Bác sĩ TRẦN VĂN CÔNG (trưởng khoa nhi Bệnh viện K)

Những buổi sáng thứ bảy thức dậy tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), cô bạn tình nguyện viên (TNV) Nguyễn Ngọc Tiệp Như vẫn trong tâm trạng vội vàng đến lớp học chữ dành cho bệnh nhi ung thư tại bệnh viện.

Bức thư của Tiệp Như gửi về gia đình hướng dương trong những ngày mọi người đang tất bật chuẩn bị cho ngày hội Hoa hướng dương lần 7, tổ chức vào đúng ngày 2-11, ngày Thuý mất, tưởng tượng không khí bạn bè mình bận rộn thế nào, ngày hội sẽ thành công và mọi người ôm lấy nhau rơi nước mắt ra sao… “Dù ở nơi xa, lớp học chữ vẫn là gia đình của mình”, Như viết.

Gần như tất cả TNV tham gia chương trình “Ước mơ của Thuý” đều chung một sự gắn kết chặt chẽ như thế. Tình cảm đó được người ta bắt gặp và thổn thức qua triển lãm “Đem yêu thương vào bệnh viện” trưng bày tại ngày hội.

Những hình ảnh, tập vở bệnh nhi, góc học tập có bịch thuốc kề cận như thủ thỉ kể câu chuyện về những lớp học chữ “dã chiến” ngay tại các bệnh viện Ung bướu, Nhi Đồng 2, Truyền máu – huyết học TP.HCM.

Ở nơi đó các bé được tiếp tục giấc mơ đi học: được học chữ, làm toán, nghe kể chuyện, học vẽ, học hát. Lớp của bệnh nhi ung thư có thầy, có bạn, có cả ban cán sự lớp và những anh chị TNV sung sức, vui tính.

Có một chất keo kỳ diệu gắn chặt rất nhiều lứa TNV với lớp học chữ. Nói như anh bạn Nguyễn Đức Thắng (sinh viên năm 3 khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM): “Ngày nào các bé chưa từ bỏ, chúng mình chưa từ bỏ”.

Thức gần trắng đêm thi công khu vực sân khấu, bạn Lê Ngọc Triệu, phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật ĐH Mỹ thuật TP.HCM – đơn vị gắn bó với ngày hội từ năm đầu tiên, chia sẻ: “Có lẽ vì sẵn tâm lý sự sống rất quý báu, mong manh nên tất cả sinh viên, đoàn viên tham gia chương trình đều dốc hết sức mình”.

Triệu cho biết Trường ĐH Mỹ thuật chỉ có vỏn vẹn 600 sinh viên, nhưng có đến gần 100 bạn trực tiếp góp tay chăm chút từng chi tiết, vẽ tranh gây quỹ cho ngày hội.

Tại Hà Nội cả đêm trước, nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội đã thức đến 3g sáng để chăm chút cho bàn tay hoa và cắm từng cành hướng dương lên cánh đồng hoa của ngày hội, nhưng sáng nay các bạn đều đã có mặt từ trước giờ khai hội.

TNV từ Học viện Bưu chính viễn thông, nhóm Nụ Cười, nhóm Chắp cánh ước mơ, nhóm Niềm tin hi vọng… ai ai cũng náo nức, cũng mong được chia sẻ và đóng góp sức mình.

Các bạn trẻ xem dãy tường triển lãm có hình bàn tay của bạn A Pảo Tòng gửi đến chương trình được trưng bày tại ngày hội Hoa hướng dương sáng 2-11 ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Các bạn trẻ xem dãy tường triển lãm có hình bàn tay của bạn A Pảo Tòng gửi đến chương trình được trưng bày tại ngày hội Hoa hướng dương sáng 2-11 ở TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Những bàn tay mới tiếp nối

Hàng ngàn bạn trẻ đến dự

Ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư”, kỷ niệm bảy năm chương trình “Ước mơ của Thúy” do báo Tuổi Trẻtổ chức đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến dự và chung tay trong các hoạt động gây quỹ gồm: làm bàn tay viết thông điệp yêu thương, làm hoa hướng dương gây quỹ (10.000 đồng/hoa); đổi hoa tham gia các gian hàng vẽ chân dung, biếm họa, trò chơi sáng tạo; triển lãm và bán tranh bệnh nhi ung thư vẽ…

Cộng đồng đã quyên được 65 triệu đồng từ các hoạt động trên để hỗ trợ bệnh nhi ung thư trong quá trình đấu tranh chống bệnh tật.

Ngoài ra, hơn 30 gian hàng tại chợ phiên Mặt Trời đã hoạt động hết công suất, bán các mặt hàng thủ công, trang sức, quần áo… với lợi nhuận cũng được đóng góp vào quỹ.

Phụ trách tập thể TNV hơn 300 bạn là chàng kính cận Trương Quang Cơ (22 tuổi, cựu sinh viên Trường cao đẳng Công thương).

Mướt mồ hôi và chạy như đưa thoi giữa những gian hoạt động, Cơ dành chút thời gian khoe những nét mới trong ngày hội Hoa hướng dương lần 7.

Đó là ý tưởng làm bàn tay ghi thông điệp động viên, yêu thương và chia sẻ trên Facebook vận động quỹ hỗ trợ bệnh nhi, là ý tưởng làm nón tai mèo tặng các bé, giúp các bé làm duyên dù tóc rụng hết sau những đợt hóa xạ trị…

“Tất cả TNV khi mặc chiếc áo này (Cơ chỉ vào bộ đồng phục có dòng chữ “365 ngày yêu thương”), mọi người như chỉ còn một mẫu số chung là tấm lòng dành cho các bệnh nhi ung thư, mong muốn mỗi ngày sống đều là một ngày ý nghĩa”.

Chàng ca sĩ 22 tuổi Trường Hải – người tạo không khí sôi động trên sân khấu và bên mộ Thúy trong chuyến thăm Thúy một ngày trước đó – tiết lộ: Cho đến cách đây hai ngày, Hải không biết Thúy. Phải đến khi ngồi trên chuyến xe đi viếng mộ, Hải mới được nghe kể và cảm phục nghị lực của đóa hướng dương không cần mặt trời. Tối hôm đó Hải về nhà, lên mạng tìm đọc lại tất cả thông tin về Thúy và nghe lòng rưng rưng.

Anh bạn tâm sự: “Điều khắc sâu vào tâm trí mình nhất là nụ cười Thúy – vui, tươi hơn cả nụ cười của những người đầy đủ, khỏe mạnh”. Hải nói cách Thúy động viên lại người đến động viên mình là câu chuyện tạo cho những người trẻ như Hải cảm hứng dạt dào để sống.

Không sinh hoạt trong câu lạc bộ, đội nhóm thiện nguyện nào nhưng chị Bảo Hồng (30 tuổi, nhân viên ngành du lịch) cùng những người bạn, đối tác, đồng nghiệp đã rủ nhau làm bánh bột lọc, chả, kem bán tại chợ phiên Mặt Trời với 100% lợi nhuận đóng góp vào quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư. Giữa trưa, bánh bán hết, chị đi quanh các gian hàng còn lại mua ủng hộ vòng tay, lịch để bàn, vòng đội đầu, dây buộc tóc… cho đến tờ tiền cuối cùng mang theo.

Vợ chồng chị Thiên Hương (nhân viên khách sạn New World) cũng mua một bức tranh do bệnh nhi vẽ, sau khi mua cho con trai nhỏ nhiều món linh tinh khác tại chợ phiên.

Đã ba năm, từ lúc làm việc cho khách sạn, biết đến chương trình “Ước mơ của Thúy” qua các hoạt động nhân viên cùng làm bánh, làm hoa gây quỹ, tháng nào chị Hương cũng lẳng lặng gửi gạo cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu.

Các đại biểu, tình nguyện viên và bệnh nhi ung thư thả bóng bay cầu mong những điều may mắn cho bệnh nhi ung thư tại Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các đại biểu, tình nguyện viên và bệnh nhi ung thư thả bóng bay cầu mong những điều may mắn cho bệnh nhi ung thư tại Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong khi đó, người tham dự ngày hội tại Hà Nội đã rơi nước mắt khi Khánh Hoài, một bệnh nhi được nhận học bổng “Ước mơ của Thúy” lên sân khấu. Khánh Hoài bắt đầu điều trị chứng ung thư xương từ tháng 4 năm nay, nhà nghèo, và trong thời gian cô bé đang điều trị ở bệnh viện thì bố Hoài cũng mất vì căn bệnh ung thư.

Trải qua bốn lần xạ trị, khối u của Hoài không nhỏ đi mà còn to ra thêm khiến các bác sĩ phải quyết định cắt 2/3 chân trái của Hoài. “Em ước mơ có chân giả để có thể lúc nào đó được đi lại bằng hai chân như trước đây”, Hoài tâm sự. Và ở ngày hội này, nhà tài trợ ECO đã tặng Khánh Hoài 10 triệu đồng để cô bé có cơ hội có được chiếc chân giả như mơ ước.

Chị Lê Thu Hiền ở quận Ba Đình, Hà Nội mang hai con nhỏ đến ngày hội, chị nói vui nhất là khi các con chị viết điều ước lên bàn tay giấy và dán lên bàn tay khổng lồ. Các cháu cũng rất thích phần làm hoa hướng dương và chơi trò chơi với các TNV.

 

Ngày hội năm nay đã như một điểm hẹn của các gia đình Hà Nội có con nhỏ. Họ mang con đến để các cháu được chia sẻ, được gửi đi niềm tin yêu và hi vọng cho các bạn nhỏ cùng lứa tuổi. Hình ảnh những đứa trẻ cắm cúi bên bàn học, tay viết, tay truyền dịch là điều trái tim người mẹ không thể làm ngơ.